Thứ năm 23/01/2025 14:08

Nỗ lực tạo miễn dịch cộng đồng bằng tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để tăng độ bao phủ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhằm tăng miễn dịch trong cộng đồng, thời gian qua Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng; tạo cơ chế huy động các nguồn vắc-xin nhập khẩu để thêm nhiều người được tiếp cận; đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước. Những nỗ lực này đều đã đạt được kết quả nhất định.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 3

Nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đợt 3, ngày 14-6 Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc đề nghị Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia và các Bộ Quốc phòng, Bộ CA, cùng UBND các tỉnh, TP hoàn thành tiêm trước ngày 18-6-2021.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia thực hiện phân bổ ngay vắc-xin phòng Covid-19 cho các đơn vị theo Quyết định số 2499/QĐ-BYT, Quyết định số 2684/QĐ-BYT và Quyết định số 2789/QĐ-BYT của Bộ Y tế để các địa phương, đơn vị tổ chức tiêm chủng hoàn thành trước ngày 18-6-2021; Chủ động điều phối vắc-xin cho các đơn vị theo quy định tại khoản 2. Điều 2 Quyết định số 2499/QD-BYT ngày 20-5-2021 của Bộ Y tế.

Đồng thời, Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cần đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai tiêm chủng cho các đối tượng trên địa bàn, trường hợp không triển khai kịp thì phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, TP để thực hiện việc điều chuyển vắc-xin Covid-19 cho các đơn vị, địa phương khác; Tổ chức các đoàn hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh, TP thuộc phân vùng quản lý về việc tổ chức tiêm chủng, giám sát phản ứng, sự cố bất lợi sau tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện huy động toàn bộ lực lượng y tế và các lực lượng khác bao gồm: CA, quân đội, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội… tham gia hỗ trợ để tổ chức tiêm ngay vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 18-6-2021, đảm bảo an toàn, không đợi tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 để tăng độ bao phủ tiêm chủng. Huy động các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng sau tiêm, đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó.

Bộ Quốc phòng, Bộ CA chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức tiêm ngay vắc-xin phòng Covid-19 hoàn thành trước ngày 18-6 đảm bảo an toàn, không đợi tiêm mũi 2 cho các đơn vị đã tiêm mũi 1.

Các đơn vị tổ chức triển khai tiêm ngay và hàng ngày báo cáo kết quả về Bộ Y tế. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc không triển khai kịp thì khẩn trương báo cáo Bộ Y tế để điều chuyển vắc-xin cho các đơn vị, địa phương khác.

Nỗ lực tạo miễn dịch cộng đồng bằng tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc-xin Nanocovax (ảnh: BYT)

Đây được xem là biện pháp mạnh mẽ của Bộ Y tế để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Trước đó, trong tháng 5 Bộ Y tế đã ban hành các Quyết định phân bổ vắc-xin và điều chỉnh phân bổ vắc-xin cho các đơn vị, địa phương và đề nghị việc tiêm hoàn thành trước ngày 15-8-2021. Với các công văn này, Bộ Y tế đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin lên sớm 2 tháng so với yêu cầu ban đầu nhằm nhanh chóng tăng cường độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19, tăng hiệu quả bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh.

Theo thống kê của Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, trong ngày 15-6 có thêm 95.421 người được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Tính đến 16g ngày 15-6, tổng cộng đã thực hiện tiêm 1.648.072 liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 là 63.636 người.

Tiếp cận các nguồn vắc-xin và đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước

Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng tỉ lệ người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Do nguồn cung cấp khó khăn nên phạm vi người được tiếp cận vắc-xin vẫn là những người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên. Mới đây, Bộ Y tế đã có cơ chế khuyến khích các địa phương, đơn vị chủ động liên hệ tìm nguồn vắc-xin để nhập về. Phía Bộ sẽ tạo điều kiện rút ngắn các thủ tục hành chính để việc nhập khẩu vắc-xin thuận lợi nhất (nếu đủ hồ sơ chỉ trong 5-10 ngày).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đàm phán với các đối tác để có thể thêm nguồn cung ứng vắc-xin nhằm tăng độ bao phủ vắc-xin với người dân. Ngày 12-6, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2908/QĐ-BYT về việc phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Cơ sở đề nghị phê duyệt vắc-xin là Công ty TNHH Pfizer Việt Nam.

Theo đó, Bộ Y tế phê duyệt vắc-xin Covid-19 có tên Comirnaty được sản xuất bởi Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ) và BioNTech Manufacturing GmbH (Đức). Việc phê duyệt vắc-xin phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 có kèm theo 9 điều kiện cụ thể.

Ngoài ra, Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) đã hỗ trợ liên hệ với Công ty sản xuất vắc xin của Nhật Bản theo công nghệ tiên tiến.

Cùng với việc nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán, trao đổi với các nhà sản xuất, đối tác phát triển, sản xuất, cung ứng vắc-xin phòng Covid-19 trên thế giới, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển và sản xuất vắc xin trong nước chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai các nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng vắc xin “made in Việt Nam”;

Đồng thời mở rộng tìm kiếm hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin từ nước ngoài để nhanh chóng có vắc-xin phòng chống dịch bệnh chủ động cho Việt Nam.

Đến nay, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng Covid-19 là vắc-xin Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 3 và vắc-xin COVIVAC của Viện Vắc-xin và sinh phẩm Nha Trang.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19. Một doanh nghiệp Việt Nam đã thảo luận, đàm phán với Nhà sản xuất Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 từ tinh chất mRNA. Hiện tại vắc xin đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 1, 2). Nhà máy đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/ năm dự định bắt đầu sản xuất từ quý 4-2021 hoặc quý 1-2022.

Ngày 12-6 Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã chính thức kí thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc-xin phòng Covid-19 Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7-2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực cố gắng tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vắc-xin phòng Covid-19 nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước. Hiện Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vắc-xin từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vắc-xin như Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Nỗ lực tạo miễn dịch cộng đồng bằng tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn quốc (ảnh: T.M)

Chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử

Chiều 15-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc với khoảng 150 triệu liều.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, quy mô của chiến dịch này lớn trên toàn quốc nên đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành. Chúng ta sẽ thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó 1 kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 Quân khu trong toàn quốc để khi vắc-xin về sân bay là ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản. Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển vắc-xin toả đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, tất cả các điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vắc-xin được sử dụng. Mỗi người dân khi nhận được nhắn tin mời đăng ký tiêm thì có tin nhắn phản hồi để khi vắc-xin về thì sẽ có tin nhắn mời người dân đi tiêm. Việc này giúp tiến đến quản lý hồ sơ “hộ chiếu vắc xin” dễ dàng.

Để đảm bảo “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng Quốc gia phải làm việc trực tuyến 24/7 để có thể chỉ đạo, giám sát trực tuyến tiêm chủng an toàn. Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường tập huấn nhiều lần cho toàn tuyến hệ thống y tế, kể cả công lập và tư nhân, đặc biệt là y tế cơ sở.

Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Sở Chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng lần này đặt tại Bộ Quốc phòng do một đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân làm chỉ huy, có sự tham gia của các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải...

Đối với hệ thống y tế quốc phòng và công an, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng và tiêm chủng an toàn, riêng lực lượng quân đội tập huấn thêm về quy trình vận chuyển, bảo quản vắc-xin.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động