Thứ năm 23/01/2025 13:59

Miễn dịch cộng đồng đang giảm, cần tiêm mũi vắc-xin Covid-19 nhắc lại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian qua, miễn dịch cộng đồng đang giảm bởi đặc thù của miễn dịch Covid-19 khác với nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Với Covid-19, sau lần mắc đầu tiên một thời gian, miễn dịch giảm dần nên nhiều người đã mắc bệnh lần 2...
Miễn dịch cộng đồng đang giảm, cần tiêm mũi vắc-xin Covid-19 nhắc lại
Kể cả khi tiêm đủ các liều vắc-xin Covid-19 cơ bản thì miễn dịch của vắc-xin cũng giảm trong vòng vài tháng, do đó cần tiêm các mũi nhắc lại (ảnh TTYT HBT)

Tỷ lệ tiêm vắc-xin cho trẻ em còn thấp

Theo Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, ngày 14/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 tuần qua trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Tổng giám đốc WHO kêu gọi các quốc gia nên nắm bắt cơ hội này để chấm dứt đại dịch, duy trì nỗ lực và tận dụng những công cụ sẵn có như vắc-xin, thuốc điều trị để ngăn chặn sự lây lan, tử vong một cách chủ động ngay cả khi có sự xuất hiện của các biến thể mới và làn sóng lây nhiễm trong tương lai.

WHO đã công bố 6 bản tóm tắt chính sách về các hành động mà các quốc gia có thể áp dụng nhằm đối phó với Covid-19 trong tình hình mới, trong đó WHO kêu gọi các quốc gia tập trung bao phủ 100% vắc-xin cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm: Nhân viên y tế và người lớn tuổi, coi đó là ưu tiên cao nhất trên lộ trình đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin 70%; tiếp tục xét nghiệm và giải trình tự gene đối với virus SARS-CoV-2; đồng thời tích hợp các dịch vụ giám sát và xét nghiệm với các dịch vụ về các bệnh đường hô hấp khác, bao gồm cả bệnh cúm.

Tại Việt Nam, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên số ca mắc mới, nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng. Thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.700 ca mắc mới mỗi ngày; nhiều địa phương đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1 với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vắc-xin cho các nhóm đối tượng đã tăng sau một thời gian chững lại nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu tại một số nơi, tiến độ tiêm chủng còn chậm, tỷ lệ tiêm vắc-xin nhất là cho trẻ em còn thấp.

Đặc biệt, tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19 ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, thậm chí là có tình trạng né tránh tiêm vắc-xin ở một bộ phận người dân...

Còn tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, đến ngày 23/9 Hà Nội ghi nhận 1.629.076 ca mắc Covid-19, trong đó có 292 ca nhập cảnh, đã thực hiện giám sát 404 mẫu xét nghiệm gen, hiện Omiron vẫn đang là chủng lưu hành chính, trong đó BA.5 đang có xu hướng gia tăng.

Tính đến ngày 21/9, TP tiếp nhận, phân bổ 17.982.623 liều vắc-xin, trong đó tỷ lệ đã sử dụng 17.971.270 liều (99,9%), còn 11.353 liều (0,1%) hiện đang tiếp tục triển khai tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 4 đạt 76,5%. Trẻ em từ 12 đến 18 tuổi đã tiêm mũi 3 đạt 53,7%. Trẻ em từ 5 đến 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt tỷ lệ 75,3%, mũi 2 đạt 45,9%.

“Mặc dù TP đã quyết liệt triển khai công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng vẫn đang chậm, đặc biệt là tiến độ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi”, ông Vũ Cao Cương cho biết.

Miễn dịch cộng đồng đang giảm, cần tiêm mũi vắc-xin Covid-19 nhắc lại
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát đối tượng tiêm ở các độ tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh nền và trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi

Dịch đang gia tăng trở lại

Theo PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, dịch Covid-19 đang gia tăng trở lại. Số ca mắc được công bố mỗi ngày chưa phải là con số thực tế bởi nhiều người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm. Một số người xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo. Tại một số bệnh viện tuyến trung ương bắt đầu có nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy. Đây là dấu hiệu của sự bùng phát dịch trở lại.

TS. Trần Đắc Phu cho rằng, thời gian qua, miễn dịch cộng đồng đang giảm bởi đặc thù của miễn dịch Covid-19 khác với nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Với Covid-19, sau lần mắc đầu tiên một thời gian, miễn dịch giảm dần nên nhiều người đã mắc bệnh lần 2. Kể cả khi tiêm đủ các liều vắc-xin cơ bản thì miễn dịch của vắc-xin cũng giảm trong vòng vài tháng, do đó cần tiêm các mũi nhắc lại.

Chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh trên người diễn ra ngày 23/9, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát đối tượng tiêm ở các độ tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh nền, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tổng hợp số liệu và có giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, tiếp tục công tác rà soát, sẵn sàng việc tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các địa phương tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức và chỉ đạo các nhà trường vận động cha mẹ phụ huynh học sinh đồng thuận cho con em mình thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra địa bàn, tập trung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ; chủ động bố trí nguồn lực theo phương châm tại chỗ, kịp thời báo cáo vướng mắc.

Sở Y tế tiếp tục tổng hợp, phối hợp với Sở TT&TT, các cơ quan báo chí đưa thông tin về bệnh dịch; triển khai tốt công tác thu dung điều trị bệnh nhân cũng như chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về thuốc, chăm sóc người bệnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người bệnh không có thuốc…

Chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 “Vui Trung thu và tựu trường an toàn”
Hà Nội tăng cường giám sát, đôn đốc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19
Chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi
Nỗ lực tạo miễn dịch cộng đồng bằng tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động