Nữ sinh khiếm thị thắp sáng vẻ đẹp tri thức số
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Nữ sinh Vũ Thị Hải Anh nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích học tập xuất sắc và nghị lực vượt lên chính mình. Ảnh: Việt Hà |
Nữ sinh trường báo thích ứng với chuyển đổi số
Tham dự buổi tọa đàm “Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi ai cũng sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?" do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phối hợp cùng Câu lạc bộ Cafe Số (CFS) tổ chức đã mang đến cho nữ sinh khiếm thị Vũ Thị Hải Anh, sinh viên năm thứ 2, ngành Quan hệ công chúng, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông những góc nhìn về cơ hội và thách thức của người làm báo khi trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ, đặc biệt đối với người khuyết tật.
Nữ sinh Vũ Thị Hải Anh cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự là một cánh cửa mở ra thế giới. Những công cụ chuyển văn bản thành giọng nói, nhận diện hình ảnh, đọc nội dung qua camera điện thoại hay bản đồ nói đều giúp cộng đồng người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng không còn đứng bên lề dòng chảy thông tin. Có thể nói, AI là đôi mắt vô hình nhưng đầy quyền năng, giúp người khuyết tật “nhìn thấy” thế giới theo một cách khác - không qua ánh sáng, mà qua dữ liệu, qua âm thanh và sự kết nối.
Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức không nhỏ, bởi không phải người khuyết tật nào cũng có điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Bên cạnh đó, nếu không được đào tạo bài bản, việc sử dụng AI trong báo chí cũng dễ dẫn đến lệ thuộc vào công cụ mà thiếu đi sự tư duy phản biện, đạo đức nghề nghiệp và chiều sâu của nội dung.
Theo Vũ Thị Hải Anh, người làm báo, đặc biệt là những người khuyết tật làm báo trong thời đại số cần trang bị cho mình không chỉ kỹ năng công nghệ mà còn cả bản lĩnh nghề nghiệp và tinh thần học hỏi không ngừng. Bởi AI có thể hỗ trợ đưa tin, nhưng chỉ con người mới kể được câu chuyện bằng trái tim. Và chính điều đó mới tạo nên giá trị lâu bền của truyền thông.
Thời gian tới, Vũ Thị Hải Anh mong muốn tiếp tục theo đuổi ngành truyền thông, trở thành cầu nối đưa tiếng nói của người yếu thế đến gần hơn với cộng đồng. Hiện nay, cô đang ấp ủ những dự án truyền thông kết hợp công nghệ hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là các nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp tiếp cận tri thức, tin tức và dịch vụ công một cách bình đẳng.
Năm 2024, Vũ Thị Hải Anh - Phó Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị đảm trách hoạt động điều phối dự án đã có nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ triển khai dự án “Hành chính công trực tuyến với người khuyết tật” do Hội Người mù Việt Nam phối hợp với với quỹ Abilis Phần Lan tài trợ tổ chức. Thông qua các giải pháp nhằm nâng cao dịch vụ hành chính công cho người khuyết tật, cũng như người khiếm thị lắp đặt các thiết bị tai nghe, ứng dụng trình đọc màn hình tại các điểm hỗ trợ người khiếm thị sử dụng dịch vụ.
Vũ Thị Hải Anh chia sẻ, dự án bao gồm các hoạt động cụ thể: tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sử dụng dịch vụ hành chính công cho người khuyết tật thuộc nhiều dạng tật khác nhau; tổ chức cuộc thi "Hành chính công trực tuyến: Tầm nhìn của tương lai" nhằm khuyến khích sự sáng tạo và nâng cao nhận thức của người khuyết tật về lợi ích của dịch vụ hành chính công trực tuyến; chương trình "Một ngày hành chính vui" dành cho trẻ em khuyết tật tại các trường học ở Hà Nội, giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của dịch vụ hành chính công trong cuộc sống hàng ngày; nghiên cứu khoa học về thực trạng sử dụng dịch vụ hành chính công của người khuyết tật, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng này; tổ chức hội thảo “Góc nhìn của người khuyết tật đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công trực tuyến” với sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Bên cạnh vai trò đồng hành, Vũ Thị Hải Anh soạn thảo bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến dành riêng cho người người khuyết tật với nhiều dạng tật khác nhau.
Sau dự án, Vũ Thị Hải Anh nhận được nhiều phản hồi từ những người khuyết tật được hỗ trợ từ đợt tập huấn đã có thể đăng ký tạm trú, tạm vắng, đăng ký hộ chiếu trên nền tảng số. Đó là niềm vui khích lệ lớn đối với những người thực hiện dự án cộng đồng, đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đến năm 2030.
![]() |
Vũ Thị Hải Anh tích cực các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Ảnh: Mộc Miên |
Thắp sáng vẻ đẹp tri thức số
Vốn bị khiếm thị bẩm sinh do mắc bệnh đục thủy tinh thể, gia cảnh nghèo khó khi bố bị ảnh hưởng chất độc da cam, anh trai mắc bệnh suy tuyến giáp phải điều trị định kỳ tại bệnh viện tuyến trung ương. Từ nhỏ, Vũ Thị Hải Anh trải qua nhiều cuộc phẫu thuật mắt nhưng thị lực giảm dần. Không nhìn thấy ánh sáng, mọi sinh hoạt đời thường được Vũ Thị Hải Anh nhìn bằng đôi tai và trái tim.
Sống một mình tại Hà Nội, Vũ Thị Hải Anh vừa học tập, làm thêm và tự chăm lo cuộc sống, chưa từng xin đặc quyền hay ưu tiên. Trái lại, cô chứng minh năng lực và ý chí qua từng bước đi vững chắc - với một niềm tin mãnh liệt rằng: “Ánh sáng không chỉ đến từ đôi mắt mà còn từ trái tim dũng cảm đương đầu với khó khăn thử thách”.
Trong những năm qua, Vũ Thị Hải Anh là tấm gương thanh niên có nhiều đóng góp trong các dự án cộng đồng ý nghĩa. Cô sinh viên trường báo tích cực tham gia vào dự án “Thúc đẩy giáo dục hòa nhập và năng lực lãnh đạo cho mọi người”, Phó Chủ nhiệm CLB “Hoa đá Nhân văn”, thành viên CLB Thể thao cho người khiếm thị Hà Nội với các hoạt động tích cực tham gia giải chạy ý nghĩa vì cộng đồng.
Đảm nhận vai trò Phó Chủ nhiệm Mạng lưới Sinh viên Khiếm thị Việt Nam - điều phối các sáng kiến như “Truyền thông tiếp cận”, “Hành chính công trực tuyến với người khuyết tật”… giúp hàng trăm bạn trẻ tiếp cận tri thức và công nghệ.
Cô sinh viên năm thứ hai luôn duy trì thành tích sinh viên xuất sắc với điểm số và rèn luyện vượt trội. Ghi nhận những nỗ lực học tập xuất sắc, Vũ Thị Hải Anh đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đồng thời, có nhiều cống hiến vì cộng đồng, Vũ Thị Hải Anh được tuyên dương giải thưởng “Thanh niên sống đẹp 2024” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng và vinh danh giải thưởng “Cống hiến vì cộng đồng”.
Từ một cô bé khiếm thị e dè bước ra cuộc sống, Vũ Thị Hải Anh đã trở thành ngọn lửa thắp sáng vẻ đẹp của tri thức. Trên hết, cô là minh chứng sống động rằng: sống đẹp là lựa chọn, và sống để cống hiến là hành trình xứng đáng nhất của tuổi trẻ mà dù bạn là ai mang trên mình khiếm khuyết hay không đều có thể làm được.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại