Thứ năm 23/01/2025 11:14

“Ông Luyện Văn Dũng là một trong những gương điển hình trong công tác hòa giải ở địa phương”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là lời nhận xét ngắn gọn nhưng thể hiện rõ nét sự ghi nhận của cá nhân ông Nguyễn Đức Tiến - Bí thư Đảng phường Phúc La (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng như tập thể phường Phúc La về những đóng góp cho công tác hòa giải tại địa phương của ông Luyện Văn Dũng (67 tuổi) – Tổ trưởng tổ dân phố kiêm Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 14, phường Phúc La.
Ông Luyện Văn Dũng (bên phải) trong một lần trao đổi nghiệp vụ hòa giải với ông Vũ Trọng Thủy – Công chức Tư pháp phường Phúc La. Ảnh: Minh Phong
Ông Luyện Văn Dũng (bên phải) trong một lần trao đổi nghiệp vụ hòa giải với ông Vũ Trọng Thủy – công chức Tư pháp phường Phúc La. Ảnh: Minh Phong

Mặc dù tham gia công tác hòa giải tại địa phương mới được 3 năm nhưng ông Luyện Văn Dũng đã cùng với các thành viên trong tổ hòa giải phối hợp hòa giải thành công nhiều vụ việc từ chuyện các cặp vợ chồng xích mích, đến chuyện lớn hơn là mâu thuẫn giữa các hộ gia đình với nhau, mâu thuẫn giữa hộ gia đình với tập thể tổ dân phố, khu dân cư…

Chia sẻ với phóng viên ấn phẩm PL&XH về quá trình tham gia công tác hòa giải cơ sở của mình, ông Dũng cho biết, để hòa giải thành công là cả một quá trình mà người làm hòa giải luôn phải thấu đáo mọi việc, lời nói và hành động phải có uy tín đối với người dân thì hiệu quả mới đạt cao.

Người làm công tác hòa giải phải có những kỹ năng như: am hiểu pháp luật, nhất là liên quan đến luật đất đai, hôn nhân gia đình, thừa kế… và gần gũi với Nhân dân. Đồng thời, gia đình mình phải nỗ lực xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

“Quá trình hòa giải, hòa giải viên phải biết lắng nghe, hiểu rõ nội dung sự việc, nhiều việc phải hòa giải từng phần, phần nào cần làm trước thì làm trước, phần nào cần làm sau thì làm sau” – ông Dũng chia sẻ.

Ông Luyện Văn Dũng cho biết, để thuyết phục hai bên đi đến thỏa thuận, trong quá trình hòa giải, tùy vụ việc, chúng tôi vận dụng những phong tục, tập quán, quy ước và những kiến thức pháp luật liên quan, nhẹ nhàng phân tích, giải thích có lý, hợp tình theo phương châm “đúng - sai phân minh”, “lý tình trọn vẹn” và xóa tan tranh chấp. Hòa giải viên phải giúp các bên “hòa” thì mới “giải” được những mâu thuẫn”. Bên cạnh đó, phải tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong dòng họ để họ có thêm tiếng nói trong những vụ mâu thuẫn lớn của gia đình.

“Khi tham gia hòa giải, tôi và các thành viên khác trong tổ luôn đặt chữ “Tình”, chữ “Tâm’’ lên hàng đầu. Có như vậy, người trong cuộc mới dịu bớt để cùng nhau giải quyết ổn thỏa vụ việc. Muốn hòa giải thành công phải tìm hiểu và phân tích được cái đúng, cái sai của mỗi bên. Đồng thời, phải gần gũi, thân thiện và thông cảm với người trong cuộc, ăn nói nhẹ nhàng, thấu đáo” – ông Dũng cho hay.

Ông Vũ Trọng Thủy – công chức Tư pháp phường Phúc La cho biết, hiện, TP Hà Nội có hơn 5.400 tổ hòa giải, với hơn 35.053 hòa giải viên. Công tác hòa giải ở cơ sở của Hà Nội ngày càng góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngăn ngừa và phòng chống tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường Phúc La đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền phường luôn quan tâm củng cố kiện toàn, phát huy vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn.

Bám sát phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, công tác hòa giải ở phường Phúc La thời gian qua đã góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính, đồng thời, hạn chế đơn, thư, khiếu nại vượt cấp. Các hoạt động hòa giải đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng phường Phúc La ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Bí thư Đảng phường Phúc La Nguyễn Đức Tiến chia sẻ, với tình yêu và niềm đam mê dành cho công tác hòa giải ở cơ sở, 3 năm qua, ông Luyện Văn Dũng luôn nhiệt tình với công việc, vẫn âm thầm đi sâu sát quần chúng, góp phần hạn chế những mâu thuẫn nảy sinh trong quần chúng Nhân dân.

“Những năm qua, ông Luyện Văn Dũng Dũng đã tích cực, chủ động nắm bắt tình hình, kiên trì tổ chức hòa giải thành công nhiều vụ việc, góp phần mang lại sự yên vui, giữ được tình làng nghĩa xóm trong gia đình và cộng đồng dân cư. Ông Luyện Văn Dũng là một trong những gương điển hình trong công tác hòa giải cơ sở tại địa phương” – ông Nguyễn Đức Tiến nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Chủ tịch UBND phường Phúc La cho biết, tổ hòa giải tổ dân phố 14 có 11 hòa giải viên. Các hòa giải viên đều là những ông bà có uy tín, kinh nghiệm và được Nhân dân yêu quý, nể trọng. Những năm qua, tổ dân phố 14 là một trong những tổ có hòa giải đạt hiệu quả cao của phường, những vụ việc phát sinh đều được dàn xếp êm đẹp.
Người cán bộ mặt trận tận tụy
Gương sáng “Tuổi cao trí càng cao”
Tấm gương sáng cần lan tỏa trong cộng đồng
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động