Thứ năm 23/01/2025 06:18

Phát triển giao thông theo hướng xanh – chuyển đổi số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2025, Hà Nội xác định mục tiêu phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng xe buýt.
Phát triển giao thông theo hướng xanh – chuyển đổi số
Tuyến buýt 21A Yên Nghĩa – Giáp Bát.

Góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Thủ đô

Theo báo cáo của Tổng Công ty vận tải Hà Nội, năm 2024 vừa qua, đơn vị đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch đề ra và các nhiệm vụ được TP Hà Nội giao. Duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động. Chủ động rà soát tổng thể, cơ cấu lại mạng lưới xe buýt. Tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng, đã vận hành hơn 3,4 triệu lượt xe, bằng 98,2% kế hoạch. Tổng sản lượng hành khách vận chuyển của Tổng công ty có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, ước đạt trên 234 triệu lượt, tăng 4,5% so với năm 2023, chiếm khoảng 58% sản lượng vận chuyển toàn TP.

Hai tuyến buýt sân bay vận chuyển được 394.937 lượt khách, đạt 85% kế hoạch. Tuyến City Tour vận chuyển 202.887 lượt khách, vượt trên 30% kế hoạch đề ra, tăng trưởng so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết, năm 2024, hoạt động khai thác bến xe tiếp tục chịu sự cạnh tranh không lành mạnh của các loại hình vận tải hành khách khác (xe Limousine, xe ghép, …) làm sụt giảm đáng kể sản lượng khách tuyến cố định cũng như doanh thu khai thác. Việc điều chỉnh tần suất và điểm đầu cuối một số tuyến buýt theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước cũng ảnh hưởng một phần đến kết quả hoạt động của các đơn vị khai thác bến.

Trong hoạt động trông giữ phương tiện, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động (thu giá dịch vụ không dùng tiền mặt) đối với 16 bãi xe, điểm đỗ xe từ tháng 4/2024, bước đầu mang lại kết quả tích cực, giúp khách hàng thuận tiện trong việc tìm kiếm vị trí đỗ, linh hoạt trong việc thanh toán phí và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động trông giữ.

Phát triển giao thông theo hướng xanh – chuyển đổi số
Tuyến buýt 103A Mỹ Đình – Hương Sơn.

Kinh doanh theo hướng xanh, chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Thanh Nam, năm 2025, Hà Nội xác định mục tiêu phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, chuyển đổi số. Tiếp tục tối ưu hóa tổ chức, tinh gọn bộ máy, để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng xe buýt.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phương tiện và vận hành xe buýt đã và đang triển khai có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác quản trị, nâng cao chất lượng dịch vụ, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh hiện có, các đơn vị cần thay đổi một cách mạnh mẽ trong tư duy kinh doanh, tích cực phát triển thêm ngành nghề mới, hoạt động mới nhiều tiềm năng trên cơ sở các nguồn lực sẵn có, từng bước củng cố, hình thành các ngành nghề cốt lõi bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của đơn vị.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6004/QĐ-UBND phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố".

Đề án đã đặt ra lộ trình cụ thể đến năm 2025, căn cứ vào đề xuất của các đơn vị vận tải và chấp thuận của UBND Thành phố sẽ vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, trước những khó khăn đối với ngành vận tải trong năm 2024 vừa qua, để có thể đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận, đã cho thấy sự cố gắng không nhỏ của tập thể Tổng Công ty vận tải Hà Nội, góp phần không nhỏ trong công tác phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, Thủ đô phải đối diện với nhiều nguy cơ như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, do vậy khối lượng công việc của Tổng Công ty vận tải Hà Nội là rất lớn và cực kỳ khó khăn. Đứng trước những khó khăn đòi hỏi, cần có một sự đổi mới, đột phá quyết liệt nhất là trong quá trình phát triển liên tục như hiện nay.

“Đây là đơn vị chủ lực, đi đầu và gương mẫu trong các chủ trương chung của TP. Chúng tôi luôn đồng hành cùng đơn vị trong công cuộc chuyển đổi phương tiện xanh bằng các hành động cụ thể", Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Theo số liệu từ Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội cho biết, qua theo dõi, đánh giá, các tuyến xe buýt điện vận hành 3 năm qua cho thấy hiệu quả toàn diện. Vào những khung giờ cao điểm, hệ số sức chứa vượt 100%. Chất lượng dịch vụ của xe buýt điện hoàn thiện hơn so với xe buýt thông thường.

Nhiều đối tượng khách hàng khác nhau sử dụng xe buýt điện. Trong đó, 80%-85% hành khách đi lại bằng vé tháng thường xuyên của VinBus là công chức, viên chức, người làm văn phòng - nhóm mà trước đây ít khi di chuyển bằng xe buýt, thường chỉ với tỷ lệ 25%-30%.

Đáng chú ý qua khảo sát, 90% hành khách Thủ đô hài lòng với xe buýt điện. Sau 3 năm, xe buýt điện của Hà Nội đã vận chuyển gần 100 triệu hành khách, giảm phát thải 41.000 tấn CO2, tương đương trồng hơn 1,9 triệu cây xanh.

Ưu tiên phát triển giao thông công cộng (TOD) trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi Ưu tiên phát triển giao thông công cộng (TOD) trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động