Thứ năm 23/01/2025 06:19

Phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo hướng hiện đại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 5/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan về Đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và lãnh đạo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đô thị với phát triển giao thông

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích bối cảnh, sự cần thiết đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh mạng đường sắt đô thị; bài học kinh nghiệm phát triển đường sắt đường sắt đô thị tại các nước và Việt Nam; quan điểm, mục tiêu xây dựng đường sắt đô thị; lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và phương án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị; đánh giá tác động của dự án; định hướng phát triển đô thị theo hướng lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch (TOD), kết nối giao thông; nguồn vốn, nhân lực cho phát triển đường sắt đô thị; công nghiệp đường sắt; các cơ chế, chính sách, giải pháp; nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện phát triển đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…

Theo các đại biểu, việc sớm đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh mạng đường sắt đô thị là rất cần thiết nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch về phát triển đường sắt đô thị; tái cơ cấu không gian phát triển đô thị, phân bổ lại dân cư, tạo động lực tăng trưởng các Thành phố; tăng năng lực cạnh tranh và tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch của các Thành phố; góp phần phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, gắn kết với giao thông công cộng (TOD) nhằm phát triển đô thị bền vững.

Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm hình thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai Thành phố. Hiện nay, hai Thành phố đã lập điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch Thành phố và đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đô thị với phát triển giao thông. Quốc hội đã ban hành một số cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đường sắt đô thị, khai thác nguồn lực từ quỹ đất; Chính phủ đang triển khai xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) với một số chính sách ưu đãi để hỗ trợ phát triển lĩnh vực đường sắt nói chung và đường sắt đô thị nói riêng.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài khoảng 413 km, đến năm 2035 đầu tư hoàn thành toàn bộ với chiều dài thực tế là 410,8 km (21,5 km đã đưa vào khai thác; 397,8 km chưa đầu tư). Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2065 (chưa được duyệt), đến năm 2035 dự kiến hoàn thành khoảng 410,8 km; đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 200,7 km.

Còn theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 được duyệt, hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài 173 km, đến năm 2035 đầu tư hoàn thành toàn bộ với chiều dài thực tế là 183 km. Theo quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (chưa được duyệt), đến năm 2035 hoàn thành khoảng 183 km; đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 168 km; đến năm 2060 hoàn thành thêm khoảng 159 km.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chuẩn bị các tài liệu liên quan, cũng như các ý kiến tâm huyết, chất lượng của các đại biểu; yêu cầu các đơn vị chủ trì tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện đề án để sớm trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 72-KL/TW, ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tăng trưởng hai con số tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng Đề án với tư duy, cách nghĩ, cách làm hoàn toàn đổi mới, có duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, cơ bản, hiện đại, tổng thể, bao trùm, mang lại hiệu quả cao; phải nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ càng, toàn diện, sâu sắc để khi triển khai được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời quan tâm phân cấp, phân quyền triệt để cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực và xử lý các vấn đề liên quan; phát triển hệ thống đường sắt đô thị bao gồm cả trên cao và ngầm, đặt trong tổng thể phát triển giao thông của cả nước, nhất là tại các Thành phố trên.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phối hợp hoàn thiện thể chế, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình liên quan phát triển đường sắt đô thị nói riêng và giao thông nói chung theo hướng hiện đại, đáp ứng thời kỳ phát triển mới.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng đường sắt đô thị lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; đa dạng hoá các nguồn lực bao gồm nguồn lực nhà nước, nguồn lực tư nhân, vốn vay, hợp tác công tư; dành nguồn lực, tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, áp dụng khoa học quản trị, vận hành, quản lý, khai thác theo hướng thông minh.

Trước mắt, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và TP Hồ Chí Minh trước ngày 25/12/2024 để xem xét phê duyệt, làm căn cứ phát triển, trong đó có đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị của hai Thành phố.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, giao Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh và các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện Đề án, hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Chính trị xem xét về chủ trương đầu tư, cơ chế, chính sách…

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đặc biệt phải phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong suốt quá trình triển khai Đề án quan trọng này.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động