Thứ bảy 25/01/2025 00:27

Phòng ngừa các hành vi tra tấn tại Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để phòng ngừa hành vi tra tấn, Việt Nam thực hiện các biện pháp lập pháp như: Quy định quyền không bị tra tấn trong Hiến pháp (Điều 20 Hiến pháp năm 2013); Thực hiện cụ thể hóa quy định về cấm tra tấn tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013 và nội luật hóa nội dung của Công ước chống tra tấn vào hệ thống pháp luật…
Phòng ngừa các hành vi tra tấn tại Việt Nam
Ảnh minh hoạ

Quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, tổ chức điều tra hình sự, hành chính... Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã bổ sung nhiều quy định mới để phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên công vụ như:

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can (Điều 183) và có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 146), lấy lời khai (các Điều 187, 188, 442), đối chất (Điều 189), xét xử (Điều 258); quy định về quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các Điều 58, 59, 60, 61, 435); quy định người bào chữa có quyền tham gia từ thời điểm người bị bắt, có mặt trong các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, đề nghị tiến hành các hoạt động tố tụng theo luật định (các Điều 73, 80,19).

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định cụ thể về 35 chức danh có thẩm quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính và nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Triển khai thi hành Công ước được thực hiện đồng thời với việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và đẩy mạnh cải cách hành chính ở Việt Nam.

Vì vậy, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đơn giản hóa TTHC nhằm loại bỏ các điều kiện để cán bộ có thể lạm dụng công vụ gây bất lợi cho người dân, ví dụ như thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia công khai các TTHC, thiết lập hệ thống phản ánh kiến nghị qua đường dây nóng, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch trực tuyến tránh tình trạng người dân tiếp xúc trực tiếp với cán bộ...

Bên cạnh các biện pháp hành chính là những biện pháp tư pháp hoặc những biện pháp khác. Đơn cử như việc căn cứ vào đối tượng bị áp dụng và ý nghĩa thay thế hình phạt, các biện pháp tư pháp được chia thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất, các biện pháp chung áp dụng đối với mọi người phạm tội và chỉ nhằm hỗ trợ hình phạt được quy định tại các Điều 41, 42 và 43 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), gồm:

Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; bắt buộc chữa bệnh; (ii) Nhóm thứ hai, các biện pháp tư pháp thay thế hình phạt chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, được quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng…

Các Bộ, ban, ngành đều ban hành quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của cán bộ, công chức, những điều cán bộ, công chức không được làm để nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng các chuẩn mực đạo đức của những người đại diện cho công quyền.

Công ước tra tấn và các hình thức trừng phạt vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm
Chính sách nhân đạo trong Công ước chống tra tấn
Công ước chống tra tấn trong bảo vệ người khiếu nại, tố cáo và các nhân chứng

Thái Yên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động