Thứ năm 23/01/2025 03:03
Luật Thủ đô 2024

Quy định của Luật Thủ đô là tiền đề quan trọng cho phát triển thị trường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TS. Nguyễn Thanh Bình, Học viện ngân hàng cho biết, Luật Thủ đô 2024 có nhiều quy định mới, quan trọng, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển, tạo ra bứt phá về kinh tế, thương mại của Thủ đô Hà Nội, trong đó cơ chế, chính sách đặc thù quan trọng nhất là sự phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền đô thị.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2024. Ảnh: P.I
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2024. Ảnh: P.I

Hà Nội là một thị trường lớn

TS. Nguyễn Thanh Bình, Học viện ngân hàng cho biết, Thủ đô Hà Nội là một thị trường với quy mô lớn, giữ vị trí quan trọng trong chiến lược "Hai hành lang, một vành đai", là "cửa ngõ" của cộng đồng Asean. Vì vậy, Hà Nội cần sớm trở thành một thị trường bình đẳng, cạnh tranh và liên kết, một thị trường phong phú, sống động, vừa phục vụ việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô, vừa góp phần định hướng và dẫn dắt sự phát triển thị trường cả nước.

Luật Thủ đô 2024 có nhiều quy định mới, quan trọng, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển, tạo ra bứt phá về kinh tế, thương mại của Thủ đô Hà Nội, trong đó cơ chế, chính sách đặc thù quan trọng nhất là sự phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền đô thị. Vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội sẽ giúp các cấp chính quyền có được đủ mức độ tự chủ và chủ động, tự tin và sáng tạo trong công việc quản lý, đề ra và triển khai thực hiện những chính sách, chương trình, kế hoạch, sáng kiến nhằm phát triển mạnh mẽ và toàn diện.

TS. Nguyễn Thanh Bình đưa ra một số hướng phát triển và tổ chức lại thương mại và thị trường Hà Nội. Cụ thể, liên kết, phát triển, phát huy vai trò dẫn dắt và điều phối vùng. Đây là khâu quan trọng để tạo nên sức hút mạnh hơn về cung cầu và sức lan tỏa trong toàn vùng. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm thương mại vệ tinh và xuyên vùng sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu, mở rộng quan hệ trao đổi giữa Hà Nội với các vùng, miền trong cả nước, Hà Nội sẽ trở thành đầu mối - trung tâm "thu nhận và phát sóng”.

Bên cạnh đó, cần tổ chức lại không gian phát triển thương mại. Theo đó, Hà Nội cần hạn chế phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trong khu vực nội đô song hành với những giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở khu vực ngoại ô và các đô thị vệ tinh theo cơ chế "trong đẩy, ngoài hút". Xây dựng các khu vực thương mại “láng giềng” tương ứng với các khu vực sản xuất công nghiệp; hình thành các trung tâm bán buôn tổng hợp hàng công nghiệp tiêu dùng cấp vùng gắn với khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và các đầu mối giao thông liên vùng.

Nghiên cứu phát triển thương mại vỉa hè, kinh tế đêm

Theo TS. Nguyễn Thanh Bình, Hà Nội cần sắp xếp lại mạng lưới chợ, không nên tập trung ở khu vực cận đô mà cần phát triển cả ở các huyện có tiềm năng về sản xuất, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với nội đô và các vùng phụ cận. Chợ đầu mối cần được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm gắn với chế biến và kênh phân phối hiện đại.

Trong thời gian tới, Hà Nội cần rà soát, lựa chọn một số chợ đầu mối bán buôn nông sản, thực phẩm để hoàn thiện công năng, từng bước nâng cấp thành các trung tâm bán buôn, xuất, nhập khẩu nông sản thực phẩm, địa điểm tham quan, mua sắm của khách du lịch. Cùng với đó, cần sửa chữa, nâng cấp các chợ hiện hữu và bảo tồn những chợ có giá trị văn hóa, lịch sử để đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, kết hợp với phát triển du lịch.

TP có thể xem xét bố trí các chợ phiên văn hóa để tạo cái mới mang tính chu kỳ, như chợ phiên mỹ thuật (hàng mỹ thuật, mỹ nghệ, tranh nghệ thuật, đồ trang sức...); chợ phiên đổ gốm sứ, đồ mỹ thuật gia dụng; chợ phiên hàng đan lát, ẩm thực đường phố, ẩm thực biển, cà phê,...

Hà Nội cũng cần đẩy mạnh phát triển thương mại diện tử và dịch vụ logistics, trong đó, cần khuyến khích các DN thương mại tham gia sàn giao dịch hàng hóa trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử cấp độ vùng và quốc gia; hỗ trợ cho đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ thương mại điện tử như: xây dựng và phát triển trung tâm/sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ xây dựng website đối với DN; khuyến khích công tác đào tạo và phát triển các ngành hỗ trợ cho thương mại điện tử.

TS. Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần thiết phát triển mô hình trung tâm đầu mối và logistics phục vụ phân phối hàng hóa; khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và các DN logistics trong nước đặt trụ sở, chỉ nhánh và văn phòng giao dịch tại Hà Nội nhằm xây dựng TP thành trung tâm điều hành logistics của khu vực phía Bắc.

Cùng với đó, Hà Nội nên phát triển thương mại vỉa hè, hàng rong và kinh tế đêm. Bởi lẽ, vỉa hè vừa là không gian sinh kế đa dạng, linh hoạt, vừa là không gian sinh hoạt rộng mở, không gian xã hội đặc thù, không gian nghệ thuật độc đáo và không gian ký ức sống động. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ để có những quy định phù hợp đối với việc buôn bán theo kiểu hàng rong. Hoạt động thương mại độc đáo này đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội.

Về kinh tế đêm thì cần nghiên cứu, tận dụng thế mạnh, lợi thế để phát triển kinh tế đêm. Không chỉ tập trung vào giải trí, du lịch, ẩm thực, mua sắm, mà kinh tế đêm cần đầu tư vào các trải nghiệm tinh thần, hoạt động thể chất như team building, thể thao, ngắm cảnh đêm.... và những hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác....

Tạo khung chính sách cho phát triển nhà ở xã hội
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động