Thứ năm 23/01/2025 05:19

Quy định mới về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ ngày 1/1/2025

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 35/2024/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Ảnh minh họa: internet
Ảnh minh họa: internet

Theo Thông tư số 35/2024/TT-BGTVT, người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng: B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE phải học đủ chương trình lý thuyết theo quy định và được lựa chọn một trong các hình thức học như: tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe hoặc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn theo quy định của pháp luật về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe.

Đối với nội dung học thực hành lái xe phải học theo hình thức tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tất cả các hạng giấy phép lái xe ô tô phải học lý thuyết đầy đủ theo hình thức tập trung hoặc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.

Tất cả giấy phép lái xe các hạng sẽ không còn là chuyên nghiệp

Một điểm đáng chú ý khác tại Thông tư là bỏ môn nghiệp vụ vận tải. Tên gọi và thời lượng các môn học lý thuyết còn lại hầu như không thay đổi.

Theo đó, người học giấy phép lái xe các hạng B, C1 học lý thuyết với các nội dung: pháp luật về giao thông đường bộ; kỹ thuật lái xe; cấu tạo và sửa chữa thông thường; đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Nghiệp vụ vận tải là môn học lý thuyết dành cho tài xế chuyên nghiệp, từ hạng B2 (cũ) trở lên. Do vậy, khi bỏ môn này ở chương trình đào tạo lái xe mới có thể hiểu tất cả giấy phép lái xe các hạng sẽ không còn là chuyên nghiệp.

Điều này không những phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vốn không còn quy định đào tạo lái xe thuộc giáo dục nghề nghiệp như Luật Giao thông đường bộ, mà còn phù hợp với thực tế.

Các tài xế chuyên nghiệp phải được tập huấn và chứng nhận nghiệp vụ khác nhau tại doanh nghiệp theo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, chẳng hạn như giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ lái xe kinh doanh vận tải.

Môn thực hành lái xe, về cả nội dung, số giờ học và quãng đường xe chạy tính cho một học viên không thay đổi.

Khóa học giấy phép lái xe không quá 90 ngày

Thông tư mới của Bộ Giao thông vận tải quy định: thời gian ôn tập, kiểm tra hết môn và nghỉ lễ, Tết để xây dựng tổng thời gian khóa đào tạo trong chương trình đào tạo lái xe không quá 90 ngày.

Thời lượng các môn học, số km xe chạy ở thông tư mới lần đầu tiên được gọi là "tối thiểu" so với quy định cũ. Thời gian toàn khóa học cũng bị hạn chế ở mức tối đa không quá 90 ngày với tất cả các hạng đào tạo.

Đồng thời, quy định mới cũng ghi rõ: "Người học lái xe được kiểm tra kết thúc môn học khi tham dự tối thiểu 70% thời gian học các môn lý thuyết; học đủ thời gian và tối thiểu 50% số km học thực hành lái xe trên sân tập lái; học đủ số km và tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên đường".

Đây là những điểm đáng chú ý nhất của Thông tư số 35/2024/TT-BGTVT, tạo thuận lợi hơn cho cả người học và cơ sở đào tạo lái xe.

Quy định mới về tốc độ đối với xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ từ ngày 1/1/2025
Trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ mới nhất
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động