“Running Man” bản Việt lên sóng: Chờ Trấn Thành tiết chế… diễn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDễ nhận thấy là “Running Man” bàn Hàn đã ghi dấu ấn quá sâu đậm trong lòng những khán giả yêu mến truyền hình Hàn. Các người chơi chính của chương trình này 9 năm qua thực sự trở thành ngôi sao có sức ảnh hưởng toàn châu Á của Hàn Quốc. Ê kíp của chương trình cũng rất đầu tư, họ sang nhiều nước châu Á để ghi hình, trong đó có 2 tập ghi hình tại Việt Nam.
Dàn sao của họ đã khiến toàn bộ khu phố cổ tắc nghẽn và tập quay hình tại Việt Nam cũng ghi nhận mức rating kỷ lục trong 9 năm phát sóng của chương trình này tại Hàn. Dù 2 năm gần đây có sự thay đổi nhân sự. Nhưng 7 người chơi chính của chương trình là Yoo Jae-suk, Ji Suk-Jin, Kim Jong-kook, Haha, Song Ji-hyo, Lee Kwang-soo, Kang Gary (hiện tại đã không tham gia nữa) có đông đảo fan trên toàn thế giới.
Vì độ nổi tiếng đó, tất nhiên, các gương mặt người chơi chính của bản Việt khó tránh khỏi sự so sánh, đó là: Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc, BB Trần, Trương Thế Vinh, Jun Phạm, Liên Bỉnh Phát, Ngô Kiến Huy. Sau khi kết thúc tập 1, nhóm thành viên phiên bản Việt đã cho thấy khá nhiều điểm bất ngờ, đồng thời phá vỡ những định kiến trước đó về việc xây dựng hình tượng ăn theo bản gốc. Jun Phạm, Ngô Kiến Huy hay BB Trần không phải “hội phản bội” theo mô-típ của bản Hàn. Ninh Dương Lan Ngọc, BB Trần và các thành viên bản Việt không hề chạy theo hình tượng của dàn cast bản gốc Hàn Quốc.
“Running Man” phiên bản Việt lên sóng dù nhận được nhiều lời động viên nhưng biểu hiện của các thành viên vẫn bị chê “lố”. Ảnh từ chương trình |
Trấn Thành, Trương Thế Vinh và Ninh Dương Lan Ngọc cũng chứng tỏ mình không phải là Yoo Jae Suk hay gây trò cười, Kim Jong Kook với sức mạnh vô địch và thường xuyên chiến thắng hay Song Ji Hyo trong bản gốc. Các người chơi chính đều thể hiện tính hài hước và đó là yếu tố nhận được ngợi khen từ khán giả: Rằng tập 1 như thế cũng được xem là tạm ổn. Đài truyền hình SBS – Hàn Quốc thậm chí đã cử một đội ngũ biên kịch và nhân viên sản xuất sang Việt Nam hỗ trợ phiên bản mới. Ngay cả khi xem chương trình, khán giả tinh ý cũng có thể nghe tiếng nhân viên người Hàn nhắc nhở đội sản xuất ở phía ngoài. Với sự đầu tư kỹ càng và kinh phí lớn, tổng thể “Running Man” Việt khá chỉn chu và giữ đúng tinh thần của bản gốc: Hài hước, kịch tính và nêu cao tinh thần vận động.
Tuy nhiên, có không ít khán giả đã nhận ra rằng: Khâu xử lý kịch bản của phiên bản Việt đôi khi còn vụng về, còn nhạt và người chơi đôi lúc còn hơi “lố”. Các thử thách đã quá quen với bản Hàn như thảm “gai” gây đau đớn khi đưa vào bản Việt lại chưa cho thấy được những “dở khóc dở cười” của người chơi.
Bất ngờ nhất là Trấn Thành – dù không được đánh giá cao về sức mạnh, nhưng lại chiến thắng ngay ở tập đầu tiên. Nhưng chính Trấn Thành cũng là nhân vật gây ra tranh cãi nhiều nhất ở việc: Vẫn mang nét diễn sân khấu lên một chương trình nhiều vận động và tình huống thực tế.
Ai cũng biết trên sân khấu hài hay ở vai trò MC, Trấn Thành rất linh hoạt, hài hước và không kém tình huống “lầy lội”. Tất cả những yếu tố ấy rất quan trọng đối với một show thực tế, người chơi tính cách nổi bật, hoạt ngôn và hài hước là điều tất cả các chương trình cần. Tuy nhiên, Trấn Thành hay chen vào vài câu tiếng Hàn – điều không cần thiết ở một chương trình đã Việt hóa. Và nét diễn sân khấu bê nguyên vào chương trình ở một vài tình huống là hơi lố. Không chỉ riêng Trấn Thành, phần gây cười của các thành viên khác cũng… lố, đặc biệt là ở trò chơi chiếc hộp bí mật. Phản ứng quá đà của một vài thành viên như Trấn Thành, BB Trần hay Jun Phạm cho dù thử thách của chương trình không ghê sợ đến mức như vậy khiến khản giả cảm giác là họ đang… diễn nhiều hơn là cảm xúc thật.
Thật khó để so sánh Trấn Thành với Yoo Jae Suk – MC quốc dân của Hàn Quốc và sự so sánh nào cũng bất hợp lý cả. Nhưng có một điều rất rõ là người chơi chính của phiên bản Hàn ngoài hài hước rất linh hoạt trong từng hoàn cảnh, quan trọng là cảm xúc rất thật. Điều bất lợi nhất của “Running Man” bản Việt chính là: Lứa tuổi của người chơi. Nghe có vẻ vô lý nhưng đa số các thành viên đều ở tuổi 8X, 9X – nhóm trẻ. Trong khi bản gốc có cả những “anh già” - luôn luôn thua và mỗi người là một dạng màu sách tính cách hết sức khác biệt – vì họ thuộc các thế hệ nghệ sĩ khác nhau. Còn phiên bản Việt – yếu tố màu sắc mạnh mẽ nhất vẫn là hài hước và hài hước mà thôi. Vì thế để duy trì chương trình dài lâu, bên cạnh sự hấp dẫn của thử thách, yếu tố màu sắc cá nhân của người chơi và khách mời rất quan trọng.
Vì đảm nhiệm vị trí host, nên kỳ vọng (hoặc cũng có thể là “gánh nặng”) đặt vào Trấn Thành sẽ cao hơn. Bởi vậy, khán giả vẫn đợi chờ Trấn Thành thật sự bùng nổ nhưng hạn chế… diễn hơn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại