Sáng 31/12: Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBan Tổ chức tặng hoa các diễn giả tham gia Takl show:“Luật Thủ đô 2024: Hiện thực khát vọng vươn mình của Thủ đô”. Ảnh: Phạm Hùng |
Điểm mới đột phá trong Luật Thủ đô 2024
Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc, Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô 2024 đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội so với pháp luật hiện hành, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh đúng với nội dung mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định.
Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025; với nhiều điểm mới đột phá, cụ thể, về tổ chức chính quyền ở Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Luật quy định chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND -UBND; Chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là UBND phường.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, ban hành Luật Thủ đô năm 2024 (trong đó có tập thể Báo Kinh tế & Đô thị). Ảnh: Thanh Hải |
Luật Thủ đô 2024 cũng phân quyền trực tiếp cho Thường trực HĐND khi quy định trong thời gian HĐND TP không họp, Thường trực HĐND TP quyết định một số nội dung và báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp gần nhất. Quy định này sẽ giúp bảo đảm tính cấp thiết, kịp thời trong quá trình quản lý, điều hành tại Thủ đô. Đối với UBND TP Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
Nhằm ưu tiên các nguồn lực phát triển Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù như: Quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô. Đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bên cạnh những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định, Luật cũng quy định ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc… Cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững…
Luật Thủ đô năm 2024 xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa, học công nghệ.
Báo Kinh tế & Đô thị tích cực lan toả, đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống
Ngay sau khi Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về nội dung, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024.
UBND TP Hà Nội cũng ban hành nhiều kế hoạch để tuyên truyền, đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống. Để triển khai đợt cao điểm tuyên truyền Luật, UBND TP giao Sở Tư pháp TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế & Đô thị và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai đợt cao điểm tuyên truyền Luật Thủ đô 2024, tập trung từ ngày Luật có hiệu lực thi hành đến hết Quý I/2025, theo đúng Chỉ thị số 37-CT/TU của Thành ủy Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại Lễ tổ chức "Các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống" sáng 31/12/2024 |
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ, Luật Thủ đô 2024 là Luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô, cũng như sự phát triển chung của cả nước. Luật Thủ đô 2024 được xây dựng trên cơ sở bám sát đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô cũng như thể chế được các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xác định tầm quan trọng của việc tuyên truyền Luật; đặc biệt, với sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, ngày 19/8/2024, Báo Kinh tế & Đô thị đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-KTĐT cao điểm tuyên truyên chuyên sâu theo lĩnh vực quy định tại Luật Thủ đô 2024 và các hướng dẫn thi hành. Báo Kinh tế & Đô thị đã xây dựng chuyên mục chuyên sâu về Luật Thủ đô trên Báo Kinh tế & Đô thị; ấn phẩm in, chuyên trang điện tử Pháp luật & Xã hội, duy trì mục Giải đáp chính sách trong đó có phần trả lời liên quan đến Luật Thủ đô. Mở tiêu điểm - chuyên mục Luật Thủ đô, Cầu nối pháp luật trên chuyên trang điện tử giới thiệu những điểm mới của Luật Thủ đô 2024 và triển khai Luật vào cuộc sống.
Nhân ngày Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, được sự đồng ý của Thành uỷ, UBND TP Hà Nội, ngày 31/12/2024, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống. Talk show “Luật Thủ đô 2024: Hiện thực khát vọng vươn mình của Thủ đô” là sự kiện mở đầu cho chuỗi các sự kiện của Báo; cùng với đó là sự kiện trưng bày ảnh với chủ đề “Hà Nội vươn mình bứt phá”; giới thiệu phóng sự “Luật Thủ đô 2024: Điểm tựa thể chế để Hà Nội vươn mình trong kỷ nguyên mới”; giới thiệu phóng sự về Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống được tổ chức trong 1 ngày (31/12) tại phố Sách Hà Nội (phố 19 tháng 12, quận Hoàn Kiếm Hà Nội).
“Ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cùng với Luật Thủ đô 2024 tạo không gian và động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô Hà Nội. Đây là cơ hội vô cùng lớn để Hà Nội thể hiện khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Vận dụng cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô để tạo đột phá phát triển mới | |
Đề xuất mô hình thành phố thuộc Thủ đô |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại