Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Biểu diễn nghệ thuật trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh
Nhiều nghiên cứu đã dự báo, trong thời gian tới, công nghiệp văn hóa sẽ trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế nước ta. Chính vì vậy, việc Hà Nội sớm đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa không phải là nhiệm vụ của riêng Thủ đô mà còn là vì sự phát triển chung của cả nước.
Hà Nội đã xác định di sản văn hóa là nguồn lực quan trọng, phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản văn hóa tại Thủ đô, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô. Từ đó, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Chi, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, để Hà Nội trở thành miền đất lý tưởng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản, cần nghiên cứu, dự báo về những thách thức tác động đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của Thủ đô trong quá trình phát triển đô thị, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đề xuất các giải pháp làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ…; khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Tăng cường quản lý Nhà nước, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn TP.
Ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích Quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử cách mạng có giá trị tiêu biểu. Triển khai số hóa tư liệu, xây dựng chương trình hành động nhằm quảng bá, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiểu biểu và có nguy cơ mai một.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Chi cho rằng, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa cần tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa; hoàn thiện cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, rà soát quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội vào điều chỉnh bổ sung quy hoạch TP; đề xuất các giải pháp đầu tư mới nhằm cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng và các khu vực phát triển đô thị, các đô thị vệ tinh để xây dựng các công trình văn hóa, du lịch...; bổ sung quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội vào từng địa phương đảm bảo thống nhất trong quan điểm, mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô và của cả nước với tầm nhìn đến năm 2045.
![]() |
Biểu diễn nghệ thuật trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững như: chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghệ thủ công truyền thống... Có cơ chế, chính sách khuyến khích, xúc tiến đầu tư quảng bá các loại hình công nghiệp văn hóa. Chú trọng cơ chế đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả việc thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đúng pháp luật.
Cần xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo"
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoạt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, cần xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo” cho Hà Nội. Để trong tiềm thức của người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Hà Nội được nhìn nhận là TP sáng tạo, trở nên khác biệt, có vị thế cạnh tranh, cần xây dựng thương hiệu cho Hà Nội. Chiến lược thương hiệu hoàn toàn không đơn thuần mang ý nghĩa truyền thông, quảng bá, mà nó phải trở thành phương châm, triết lý phát triển của TP...
Hà Nội chọn thiết kế là định hướng phát triển, thì Nhân dân, những người sống và yêu Hà Nội, khách đến đây phải được trải nghiệm chất thiết kế lan tỏa, thấm đẫm và được tôn trọng trong mọi hoạt động kinh tế và văn hóa, trong mọi ngành nghề, cho dù đó là du lịch văn hóa, ẩm thực, thời trang, hay thủ công mỹ nghệ... Xây dựng thương hiệu TP sáng tạo cho Hà Nội chính là tìm cho nó giá trị lõi, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị lõi đó và tạo điều kiện tốt nhất để mọi người có cơ hội trải nghiệm giá trị lõi đó.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của TP, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - TP sáng tạo.
![]() |
Biểu diễn trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Để Thủ đô thực hiện các cam kết với UNESCO, cần tập trung trả lời 3 câu hỏi: vì sao Hà Nội cần đánh giá một cách thực tế nguồn tài nguyên văn hóa khi trở thành TP sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế? Cơ hội và thách thức của Hà Nội hiện nay là gì? Hà Nội đã, đang và sẽ phải triển khai các cam kết như thế nào để giữ vững vị trí và tạo động lực, truyền cảm hứng cho các TP trên toàn quốc?
Ngoài việc thêm phần nâng cao vị thế cho danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", danh hiệu TP sáng tạo còn có vai trò là một phương tiện giúp Hà Nội phát triển thành Kinh đô sáng tạo, trao quyền cho người dân và xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới là giá trị đích thực của danh hiệu này.
Mục tiêu chiến lược đang được hoạch định là đến năm 2025, phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và khu vực ASEAN. Định hướng đến 2030, Hà Nội trở thành TP xanh, thông minh hiện đại, phát triển năng động hiệu quả và có sức cạnh tranh ở châu Á và quốc tế.
Với vị trí, vai trò đặc biệt, Hà Nội có nền tảng văn hóa với tiềm năng to lớn. Hiện nay, Hà Nội đang sở hữu kho tàng di sản văn hoá vô giá và cực kỳ phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới. Hà Nội còn có hệ thống 1.350 làng nghề, làng có nghề, chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị phát triển kinh tế cao. Ở tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, có kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển toàn diện và bền vững, là TP kết nối toàn cầu và có sức cạnh tranh quốc tế. Với mục tiêu chiến lược đó, nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa luôn là nền tảng, là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để xây dựng và phát triển Thủ đô. |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại