Cơ chế đặc thù và bước chuyển mạnh mẽ trong quản lý an toàn thực phẩm tại Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Các đoàn kiếm tra liên ngành an toàn thực phẩm sẽ triển khai kiểm tra theo chuyên đề, tập trung vào bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các cơ sở chế biến thực phẩm. Ảnh: Mộc Miên |
Nghị quyết 49/2024/NQ-HĐND cụ thể hóa Luật Thủ đô trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 28/6/2024 đánh dấu bước ngoặt trong việc trao quyền tự chủ nhiều hơn cho chính quyền thành phố Hà Nội trên nhiều lĩnh vực: quy hoạch, hạ tầng, giáo dục, y tế, và đặc biệt là hành chính – pháp lý. Trong đó, Điều 33 của Luật quy định rõ: HĐND thành phố Hà Nội có quyền ban hành mức xử phạt hành chính cao hơn, miễn là không vượt quá 2 lần mức tối đa đã được Chính phủ ấn định.
Đối với Hà Nội – đô thị đặc biệt với dân số hơn 8 triệu người, mật độ nhà hàng, quán ăn và cơ sở chế biến thực phẩm thuộc hàng cao nhất cả nước – việc kiểm soát an toàn thực phẩm là một bài toán hệ thống, đòi hỏi giải pháp không chỉ từ sự giám sát thường xuyên mà còn từ những chế tài đủ sức răn đe.
Ngày 12/12/2024, tại kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã chính thức thông qua Nghị quyết số 49/2024/NQ-HĐND - văn bản pháp lý cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 trong thực tế quản lý. Theo đó, các mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội được nâng lên gấp đôi so với Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ - văn bản pháp lý đang là “xương sống” trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trên toàn quốc.
Mức phạt cao nhất trong Nghị quyết này có thể lên tới 120 triệu đồng đối với tổ chức và 60 triệu đồng đối với cá nhân. Đây là mức phạt chưa từng có tiền lệ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Việt Nam, phản ánh rõ nét quyết tâm của Hà Nội trong việc lập lại trật tự trong khâu quản lý thực phẩm – yếu tố gắn liền trực tiếp đến sức khỏe và sự an tâm của người dân.
Nghị quyết 49/2024/NQ-HĐND tập trung vào những hành vi có nguy cơ cao gây hại sức khỏe cộng đồng. Trong đó, đáng chú ý là việc sử dụng người chế biến, phục vụ thực phẩm đang mắc các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy cấp, lao phổi, viêm gan A hoặc E. Mức phạt có thể lên đến 60 triệu đồng nếu hành vi vi phạm được thực hiện bởi tổ chức.
Ngoài ra, việc kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc giấy chứng nhận đã hết hiệu lực, cũng có thể bị phạt tới 120 triệu đồng. Những vi phạm liên quan đến điều kiện vệ sinh trong khâu vận chuyển, bảo quản và chế biến thực phẩm như không đảm bảo nhiệt độ, không tách biệt thực phẩm sống – chín, hay tái sử dụng bao bì không hợp chuẩn cũng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Nghị quyết cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc buộc các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm – đặc biệt là nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe – phải áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến như HACCP. Hành vi giả mạo hoặc không triển khai các hệ thống này có thể bị xử phạt với mức cao gấp đôi so với quy định hiện hành.
Kiểm tra không giới hạn thời gian, công khai vi phạm
![]() |
Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học sẽ được thực hiện liên tục và thường xuyên. Ảnh: Thảo Trần |
Nghị quyết 49/2024/NQ-HĐND không đứng riêng lẻ mà được đưa vào triển khai đồng bộ với Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025.
Trong "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2025 (từ 15/4 đến 15/5), UBND thành phố Hà Nội thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành cấp thành phố. Các đoàn này sẽ triển khai kiểm tra theo chuyên đề, tập trung vào bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các cơ sở chế biến thực phẩm. Đặc biệt, việc xử phạt sẽ áp dụng ở mức cao nhất trong khung mà thành phố được phép ban hành theo Luật Thủ đô 2024.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong Tháng hành động năm 2024, thành phố đã tổ chức 704 đoàn kiểm tra, kiểm tra hơn 12.000 cơ sở, xử phạt gần 2.000 trường hợp với tổng số tiền lên tới 9 tỷ đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm 2025, Hà Nội tiếp tục duy trì 681 đoàn kiểm tra và phát hiện hơn 1.800 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt hơn 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, đánh giá của Sở Y tế cũng cho thấy nhiều quận, huyện, đặc biệt là cấp xã, vẫn còn lơi lỏng trong khâu kiểm tra, thậm chí chưa triển khai được kiểm tra đột xuất – một công cụ được cho là hiệu quả nhất trong phát hiện vi phạm.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh, kiểm tra đột xuất mang lại hiệu quả tốt hơn và cần được duy trì thường xuyên trong Tháng hành động và cả sau đó. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng đóng vai trò trọng yếu, bởi theo khảo sát năm 2024, có tới 83,6% người chế biến, kinh doanh thực phẩm đã có kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở nhận thức, mà cần chế tài đủ mạnh để răn đe, cùng với thanh kiểm tra nghiêm ngặt.
Tại Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh đến hai chuyên đề được thành phố triển khai mạnh mẽ trong năm 2024 và tiếp tục trong năm 2025: bảo đảm an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học và an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội. Riêng với trường học – nơi “đối tượng trực tiếp chịu tác động là thế hệ tương lai” – thành phố khẳng định triển khai chuyên đề này “không có thời hạn” mà phải được triển khai liên tục và thường xuyên. Các cơ sở vi phạm sẽ bị công khai, đình chỉ hoạt động và xử lý triệt để.
Tuyên truyền – giám sát – xử lý: ba mũi giáp công trong quản lý an toàn thực phẩm
Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 4/4/2025 đặt mục tiêu rõ ràng: tăng cường nhận thức, trách nhiệm và hành động từ chính quyền đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Không chỉ kiểm tra, xử phạt, Hà Nội còn đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, khuyến khích quảng bá sản phẩm địa phương đạt chuẩn OCOP.
Một yếu tố quan trọng nữa là công khai vi phạm. Các cơ sở, cá nhân vi phạm sẽ bị nêu tên, xử phạt công khai trên phương tiện thông tin đại chúng – một biện pháp vừa răn đe, vừa tạo sức ép xã hội hiệu quả trong việc nâng cao chuẩn mực đạo đức kinh doanh.
Thành phố cũng yêu cầu các xã, phường, thị trấn hướng dẫn ký cam kết an toàn thực phẩm đối với các cơ sở không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, công khai giấy tờ pháp lý tại nơi kinh doanh sẽ được kiểm tra thường xuyên nhằm tạo ra một môi trường sản xuất – tiêu dùng minh bạch và an toàn.
Trong bối cảnh cả nước đang từng bước siết chặt quản lý an toàn thực phẩm, Hà Nội với Luật Thủ đô 2024 đang thể hiện vai trò tiên phong. Việc áp dụng mức xử phạt gấp đôi không chỉ đơn thuần là tăng nặng chế tài, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về sự khác biệt trong quản trị đô thị: năng động, linh hoạt và sát thực tiễn.
Luật Thủ đô sửa đổi không chỉ tạo điều kiện để Hà Nội phát triển “đúng tầm” mà còn là phép thử cho mô hình phân quyền quản lý hành chính sâu rộng hơn ở Việt Nam. Thành công trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm theo cơ chế đặc thù sẽ là minh chứng để mở rộng mô hình này cho các lĩnh vực khác, từ môi trường, giáo dục, đến giao thông đô thị.
Với cơ chế pháp lý mạnh mẽ và sự đồng bộ trong triển khai, kỳ vọng lớn đang đặt lên vai thành phố trong việc xây dựng một môi trường thực phẩm an toàn – không chỉ cho người dân Hà Nội mà còn cho hàng triệu lượt khách đến với Thủ đô mỗi năm. Nếu làm tốt, đây sẽ là minh chứng thuyết phục nhất cho hiệu quả của cơ chế đặc thù mà Luật Thủ đô 2024 mang lại.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại