Thứ năm 23/01/2025 20:18
Gia tăng trẻ đuối nước:

Sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật quyết định sự sống còn của trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù mới chớm vào mùa Hè nhưng trong những ngày gần đây trên cả nước đã ghi nhận một số sự việc đau lòng: Trẻ tử vong do đuối nước. Đây là vấn nạn vô cùng nhức nhối, trong đó một phần nguyên nhân do người lớn chưa thực sự để mắt đến trẻ và khi xảy ra sự việc chưa có kỹ năng sơ cứu.
Một bệnh nhi điều trị tại BV Nhi Trung ương thoát khỏi đuối nước nhờ sơ cứu đúng cách (ảnh L.H)
Một bệnh nhi điều trị tại BV Nhi Trung ương thoát khỏi đuối nước nhờ sơ cứu đúng cách (ảnh L.H)

Những vụ việc thương tâm

Vụ việc gần đây nhất xảy ra thị xã Quảng trị, tỉnh Quảng Trị ngày 26/4, khi 2 nữ sinh sinh năm 2008 đi qua khu vực của một kênh thủy lợi thì không may ngã và đuối nước. Sau vài giờ tìm kiếm, đến chiều muộn cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của 2 em và làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự. Ngày 25/4, tại xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An xảy ra vụ việc một nhóm nữ sinh gồm 6 em học lớp 8 cùng nhau vào hồ nước trên địa bàn xã để tắm mát. Trong lúc tắm, cả 6 em không may bị sẩy chân xuống khu vực nước sâu và chìm dưới hồ. Chỉ có 2 trong số 6 em may mắn thoát nạn, 4 em còn lại đã bị đuối nước tử vong.

Trước đó là vụ việc xảy ra ngày 11/4 tại Bình Định khiến 2 em học sinh tử vong. Được biết, trong 4 học sinh cùng sinh năm 2004 ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định rủ nhau đến tắm biển tại bãi Bàng, xã Mỹ Thọ. Một lúc sau, 2 học sinh trong nhóm bị sóng cuốn ra xa và các em đã không thể tự thoát được cơn sóng ngược dòng. Ngày 10/4 tại huyện Krông Năng, tỉnh Ðắk Lắk cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh tử vong. Cả 3 cháu bé trong độ tuổi từ 12-15 được phát hiện đuối nước tại ao của một gia đình ở buôn Ea Lê xã DliêYa...

Những trường hợp kể trên chỉ là con số rất nhỏ trong số nhiều vụ tử vong do đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính từ 5/2021 đến ngày 20/9/2021 cả nước xảy ra 54 vụ đuối nước làm 89 trẻ tử vong. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng với 76,6%, tại gia đình là 22,4% và 1% số vụ xảy ra tại các trường học. Mặc dù số trẻ em tử vong do đuối nước liên tục giảm qua các năm, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao. Trong thời gian 10 năm, từ năm 2010 tỷ suất trẻ tử vong do đuối nước là 12,7/100.000 trẻ. Đến năm 2019, tỷ suất này còn 6,8/100.000 trẻ. Tỷ suất này cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em ở Việt Nam trong độ tuổi từ 2-15. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Các bước cấp cứu trẻ bị đuối nước

TS-BS. Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, BV Nhi Trung ương cho biết, trẻ bị đuối nước nếu được cấp cứu kịp thời trẻ có thể qua cơn nguy kịch nhưng cũng có thể dẫn tới biến chứng nặng nề như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài hoặc thậm chí trẻ có thể tử vong. Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật khi trẻ bị đuối nước cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ.

Các bước cấp cứu trẻ bị đuối nước gồm: Gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách; Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí; Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…

Sau khi nạn nhân tỉnh nên cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại; Kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp; Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của đội Cấp cứu 115. Nên chú ý: trong quá trình sơ cứu đuối nước cần tránh các sai lầm thường gặp như dốc ngược trẻ hoặc vác trẻ lên vai rồi chạy cho nôn nước ra, việc vác chạy sẽ làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc...

BS. Lê Ngọc Duy khuyến cáo: Không nên để trẻ chơi một mình mà không giám sát, đậy kín các chum vại nước xung quanh nhà, không cho trẻ chơi gần ao hồ, tốt nhất nên dạy cho trẻ tập bơi để tránh những tai nạn không mong muốn; Trẻ nhỏ đi đến hồ bơi nên đi cùng người lớn, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, đặc biệt cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Đối với trẻ lớn, cần được giáo dục tại trường học và gia đình về các nguy cơ tai nạn thương tích, cách phòng tránh. Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
2 nữ sinh tử vong thương tâm dưới kênh thủy lợi
2 học sinh đuối nước thương tâm dưới hố nước công trình bỏ lại
Đi tập thể dục, Thiếu tá Công an cứu sống 2 cháu nhỏ đuối nước
Tìm kiếm nam sinh lớp 8 bị nước cuốn trôi mất tích khi tắm biển
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động