Sớm hoàn thành chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. |
Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Tính đến ngày 9-1-2022, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; 35 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Trong điều kiện khó khăn, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động để ứng phó với dịch COVID-19 nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các hoạt động của ngành. Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục ứng phó với dịch COVID-19.
Nhờ đó, các địa phương đã chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch COVID-19 tại địa phương, đảm bảo yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục mầm non linh hoạt, đảm bảo an toàn cho trẻ em; phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6; các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao; tổ chức thành công 2 đợt của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2021, công tác xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa bám sát điều kiện và khả năng thực hiện; các quy định hướng dẫn triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động; nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến; việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn; việc thực hiện tự chủ đại học còn chưa thống nhất và đồng bộ dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, mặc dù còn một số việc, nội dung chậm, muộn, song nhìn tổng thể năm 2021, ngành Giáo dục đã đương đầu với thách thức, bền bỉ ứng phó với dịch bệnh và đã làm được nhiều việc. Trong khó khăn, hơn 1,5 triệu nhà giáo đã thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm, đã hành động vì nghề và vì học sinh.
Rút kinh nghiệm từ những việc đã làm được và những việc chưa làm được của năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, bài học rút ra là phải đặc biệt lưu ý tới thực tiễn, bám sát thực tiễn. Thời gian qua, nhiều việc đã được chỉ đạo và thực hiện sát với thực tiễn rồi nhưng cần phải tăng cường hơn nữa. Ngoài ra, cần gia tăng tính hành động trong công việc. Bộ trưởng cũng đồng thời lưu ý tới việc tăng cường phân cấp và tính kế hoạch để chủ động trong năm 2022.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới các nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục trong năm 2022: Trước hết, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ có tính thời sự là chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo. Trong đó, sớm hoàn thành chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành Giáo dục.
Trước thực tế có khoảng 70.000 sinh viên đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, Bộ trưởng đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập. Cùng với đó tăng cường bù đắp chất lượng giáo dục đại học, sau đại học cho sinh viên, học viên.
Trong năm 2022, ngành Giáo dục cũng sẽ tập trung hoàn thành, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn 2045 và triển khai nhanh các công việc liên quan đến chiến lược này. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện để ban hành các văn bản quản lý điều hành, trong đó lưu ý những văn bản quản lý điều hành khắc phục những hạn chế, điểm yếu do tác động của dịch bệnh.
Đối với giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm 2022 và 2023 được xác định 2 năm trọng yếu trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy, cần phải nhìn thấy hết thách thức đặt ra về nguồn lực, điều kiện thực hiện để có phương án khắc phục và triển khai. Ngoài ra, kỳ thi THPT và triển khai tự chủ đại học cũng được Bộ trưởng nhìn nhận còn nhiều thách thức, nên cần phải có các giải pháp, hành động ráo riết hơn.
Ngoài ra, năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm khác như tăng cường chuyển đổi số; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập cho các đối tượng yếu thế; tăng cường các thiết chế văn hóa trong hệ thống giáo dục và đào tạo…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại