Thứ năm 23/01/2025 05:11

Tại sao Việt Nam cần tiếp tục sử dụng muối i-ốt?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến thiếu cơ sở khoa học về việc sử dụng muối i-ốt đã gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng không nhỏ đến các nỗ lực phòng chống thiếu i-ốt của ngành y tế. Điều này đòi hỏi cần có cái nhìn khách quan, toàn diện về vấn đề này dựa trên các bằng chứng khoa học và thực tiễn.
Tại sao Việt Nam cần tiếp tục sử dụng muối i-ốt?
Ảnh minh họa.

Nhìn lại lịch sử, năm 1994, cuộc điều tra dịch tễ học về tình trạng thiếu i-ốt trên quy mô toàn quốc đã cho thấy một thực trạng đáng báo động: 94% dân số Việt Nam nằm trong vùng thiếu i-ốt, không phân biệt miền núi, thành thị hay vùng ven biển. Tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8-12 tuổi lên tới 22,4%, cao hơn nhiều so với ngưỡng 5% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 481/TTg về việc tổ chức và vận động toàn dân ăn muối i-ốt.

Sau 5 năm thực hiện, Nghị định số 19/1999/NĐ-CP được ban hành, quy định bắt buộc muối dùng cho người ăn phải là muối i-ốt. Nhờ đó, đến năm 2005, Việt Nam đã đạt được các tiêu chuẩn quốc tế với tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh trên 90%. Tuy nhiên, việc chuyển sang cơ chế tự nguyện theo Nghị định 163/2005/NĐ-CP đã dẫn đến sự suy giảm đáng kể trong việc sử dụng muối i-ốt. Kết quả là chưa đến 50% tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn.

Điều đáng lo ngại là đến năm 2014-2015, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi đã tăng lên 8,3%. Theo báo cáo năm 2021 của Mạng Lưới Toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 26 quốc gia còn thiếu i-ốt trên thế giới. Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020 cho thấy các chỉ số về i-ốt của nhiều nhóm đối tượng đều thấp hơn khuyến cáo của WHO, đặc biệt là ở phụ nữ có thai và trẻ em miền núi.

Thiếu vi chất dinh dưỡng là “nạn đói tiềm ẩn” do khẩu phần của người dân Việt Nam hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Tình trạng thiếu hụt i-ốt tại Việt Nam nghiêm trọng tới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.

Một điểm quan trọng cần được làm rõ là cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào bị thừa i-ốt. Các lo ngại về việc sử dụng muối i-ốt có thể gây ra bệnh cường giáp hay ung thư tuyến giáp đều không có cơ sở khoa học. Theo WHO, sau 5-10 năm bổ sung i-ốt thường xuyên, tỷ lệ mắc cường giáp sẽ giảm xuống, tương đương với các vùng không thiếu i-ốt.

Về mặt pháp lý, tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Luật an toàn thực phẩm quy định “Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ tuân thủ quy định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng mà thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”. Trên cơ sở nội dung giao tại Luật, sau khi nghiên cứu, đánh giá và căn cứ vào thực tiễn về tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở cộng đồng tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm quy định “muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”.

Luật an toàn thực phẩm và Nghị định 09/2016/NĐ-CP hiện là hai văn bản quy phạm pháp luật cao nhất quy định về việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Quy định này hoàn toàn phù hợp với xu hướng quốc tế khi có tới 126 quốc gia quy định bắt buộc tăng cường i-ốt vào muối, trong đó 114 nước yêu cầu sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm.

Trong khối ASEAN, 8/10 quốc gia đã áp dụng chính sách bắt buộc tăng cường i-ốt vào muối ăn và muối dùng trong chế biến thực phẩm, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines. Các quốc gia này đều ghi nhận hiệu quả rõ rệt sau khi triển khai chính sách, đặc biệt là sự cải thiện chỉ số i-ốt niệu trung vị ở trẻ em.

Mặc dù một số doanh nghiệp đã nêu quan ngại về việc sử dụng muối i-ốt trong sản xuất có thể ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị của sản phẩm, song trong 8 năm qua, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này. Bộ Y tế đã thể hiện thiện chí khi sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp để nghiên cứu làm rõ vấn đề. Nếu có bằng chứng khoa học cho thấy việc sử dụng muối i-ốt thực sự gây ảnh hưởng không tốt, Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ xem xét loại trừ các sản phẩm này khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

WHO và các cơ quan nghiên cứu quốc tế đều khẳng định rằng việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là biện pháp can thiệp y tế công cộng hiệu quả và an toàn. Không có bằng chứng nào cho thấy việc này dẫn đến nguy cơ về độc tính hay bổ sung quá mức. Do đó, việc duy trì và thực thi nghiêm túc các quy định về sử dụng muối i-ốt là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em và phụ nữ có thai - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do thiếu i-ốt.

Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai thí điểm sổ sức khỏe điện tử trên VNeID
Bệnh nhân 65 tuổi mắc uốn ván không rõ nguyên nhân gây bất ngờ cho cả bác sĩ
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động