Thứ sáu 24/01/2025 09:37
Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”

Tấm lòng nhân ái của cô giáo ươm lên những mầm tươi xanh cho cuộc đời

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là lời nhận xét của rất nhiều đồng nghiệp, học sinh, bạn bè về cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh, hiện là giáo viên Tổng phụ trách Đội trường tiểu học Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. 

Cô Hạnh vốn sinh ra trong một gia đình rất khó khăn tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, có bố và chị gái thường xuyên đau ốm, kinh tế không dư dả, nhưng không vì thế mà các thành viên trong gia đình giảm đi lòng nhân ái và ý chí vươn lên trong học tập.

Cô Hạnh là sinh viên trường CĐ Sư phạm nhạc họa Trung ương, sau khi tốt nghiệp, cô về công tác tại trường tiểu học Vạn Phúc, quận Ba Đình. Công tác trong môi trường giáo dục, cô có nhiều cơ hội để khởi động nhiều chương trình từ thiện.

Với sự ủng hộ của các giáo viên, phụ huynh và các mạnh thường quân, cô đã giúp đỡ được rất nhiều học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn được đến trường, được học tập vui chơi và bình đẳng như bao bạn khác.

tam long nhan ai cua co giao uom len nhung mam tuoi xanh cho cuoc doi
Cô Hạnh cùng các học sinh. Ảnh: X.Thanh

Cho đến bây giờ, đã nhiều năm trôi qua, cô vẫn nhớ như in một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhờ sự hỗ trợ của cô, hiện nay đã rất thành đạt. Đó là em Nguyễn Thị Đông Đô, bố mẹ mất sớm, em phải ở cùng với bà ngoại. Thương cảm với hoàn cảnh của em và phát hiện Đô có năng khiếu bẩm sinh về hội họa, cô Hạnh đã cưu mang giúp đỡ em đến trường, nuôi dưỡng ước mơ hội họa trong em.

Tình thương yêu, sự đùm bọc của cô đã giúp em Nguyễn Thị Đông Đô lớn lên và trở thành một họa sĩ tài năng. Hiện nay em đã lập gia đình và sinh sống cùng chồng con tại TP HCM và có điều kiện kinh tế khá giả.

Trong những lần về thăm cô giáo cũ, tâm sự với các bạn, cô họa sỹ tài năng ấy vẫn luôn tâm niệm, trong sâu thẳm trái tim mình, cô giáo Hạnh chính là người mẹ hiền thứ hai, là người thắp lửa niềm đam mê để em trở thành người họa sĩ với nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà.

Những ngày còn công tác ở trường tiểu học Vạn Phúc, cô Hạnh còn thành lập CLB Mỹ thuật nhằm hỗ trợ nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được thỏa sức với niềm đam mê nghệ thuật. Nhiều em trong số đó đã có những thành tích rất đáng nể trong một số lĩnh vực nghệ thuật.

Hình ảnh về cô Hạnh có thể khắc họa rõ nét qua lời cô Đặng Thị Huệ - Hiệu trưởng trường tiểu học Vạn Phúc: “Cô Hạnh là người lạc quan, giàu tính nhân văn có sự chia sẻ rất lớn. Một con người quyết đoán, bản lĩnh, luôn tràn đầy năng lượng và sẵn sàng sẻ chia với bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào…”.

Cách đây gần 10 năm, cô Hạnh kết hôn và về làm dâu tại xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ. Để tiện chăm sóc bố mẹ chồng, cô đã chuyển công tác về trường tiểu học Tốt Động cho gần nhà. Đang làm việc ở phố, nay về “quê” làm dâu, gia đình chồng đông anh em và rất khó khăn, nhưng cô luôn hoàn thành tốt vai trò dâu đảm, vợ hiền.

Sau khi chuyển công tác về trường tiểu học Tốt Động, huyện Chương Mỹ, cô Hạnh được giao nhiệm vụ làm Tổng phụ trách Đội - một công việc thường xuyên gần gũi gắn bó với các em học sinh nên cô có điều kiện tiếp xúc và thấu hiểu hoàn cảnh của từng em.

Cô chia sẻ, vì bản thân đã từng trải qua một tuổi thơ sống trong nghèo khổ, cho nên khi về nơi đây cô không khỏi xót xa khi thấy nhiều em nhỏ quần áo không đủ ấm, cơm không đủ no. Vậy nên các em nhỏ luôn là đối tượng để cô hướng tới bằng trái tim và sự đồng cảm của mình.

Từ đó, cô Hạnh dành thêm thời gian và tâm huyết đi vận động, xin tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau như bạn bè, các tổ chức, cá nhân, anh chị em sống ở nước ngoài ủng hộ những đồ dùng như quần áo, sách vở, bàn ghế, tiền bạc... giúp đỡ cho các em học sinh nơi đây và những tỉnh miền núi như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Giang, Thái Nguyên.

Chồng của cô Hạnh cùng các thành viên “Hội những người yêu quê hương” cũng luôn ủng hộ và đồng hành cùng với cô Hạnh trong những việc làm thiện nguyện. Sau giờ lên lớp, cô Hạnh dành thời gian cùng chồng giặt giũ, phân loại và đóng gói cẩn thận những bộ quần áo đã qua sử dụng thành như mới để đem tặng các em học sinh và thực hiện chương trình trao đổi sách tại nhà để duy trì số lượng.

Số tiền vận động quyên góp, cô Hạnh dành đóng học phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Những người nghèo bị các bệnh như đau dạ dày, đại tràng, đau đầu kinh niên, viêm da cơ địa… còn luôn nhớ tới địa chỉ nhà cô Hạnh như một nơi chữa miễn phí và rất hiệu quả.

Nhờ được mẹ và thầy giáo truyền cho các bài thuốc dân gian từ thuốc nam và lá cây, cô đã vận dụng và chữa khỏi các bệnh như cho nhiều người miễn phí. Nhà cô còn là nơi cô mở lớp dạy yoga miễn phí cho các bà, các cô ở xóm đến học để rèn luyện sức khỏe.

Giữa cuộc sống ồn ào náo nhiệt, có những con người như cô Hạnh luôn tìm cách cho đi mà không mong được nhận lại. Những nghĩa cử cao đẹp đó làm lan tỏa lối sống nhân ái, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, tấm lòng nhân ái của cô thật sự là nơi ươm lên những mầm xanh tươi tốt cho cuộc đời.

Được biết, tổng số tiền và hiện vật cô Hạnh đã quyên góp và làm từ thiện từ năm 2014 - 2017 là hàng chục triệu đồng, 5 bộ ghế đá; 4 ô tô quần áo, sách vở; 1 ô tô đồ dùng học tập lớp 1 đã được trao tặng cho các em học sinh khó khăn trong trường và học sinh vùng cao.
Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động