Thành lập khu phát triển thương mại và văn hoá góp phần thúc đẩy thương mại kết hợp bảo tồn ngành nghề truyền thống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn trở thành nét đẹp rất riêng biệt của vùng đất nơi đây. Ảnh: Khánh Huy |
Thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa ở các làng nghề
Luật Thủ đô 2024 quy định rõ, việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Tại khoản 8, Điều 21 quy định TP Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa (PTTMVH) trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.
Trong đó, việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý khu PTTMVH được thực hiện theo quy định khu PTTMVH được thành lập, tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản. Việc quản lý, điều hành hoạt động của khu PTTMVH hóa do hội đồng quản lý gồm đại diện chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, đại diện của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cộng đồng dân cư trong khu vực thực hiện; việc thành lập, phạm vi, quy mô, mục tiêu phát triển khu phát triển thương mại và văn hóa; việc thành lập Hội đồng quản lý; các khoản thu, mức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm, cơ chế quản lý, chi tiêu tài chính; quy chế hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa phải được đa số đại diện của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình thường trú trong khu vực đó đồng thuận…
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, những chính sách mới trong luật cho phép Hà Nội áp dụng các cơ chế đặc thù để quản lý và khai thác hiệu quả hơn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đồng thời, Luật Thủ đô 2024 cũng tạo điều kiện để mở rộng không gian văn hóa hiện đại, thúc đẩy các lĩnh vực sáng tạo mới như nghệ thuật đương đại, điện ảnh, âm nhạc và các hoạt động văn hóa cộng đồng.
Sự thay đổi và hoàn thiện của Luật Thủ đô 2024 trong lĩnh vực văn hóa không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại, mà còn đặt nền móng cho một tương lai bền vững, lâu dài. Văn hóa không chỉ là yếu tố kết nối quá khứ với hiện tại, mà còn là nguồn lực vô giá để phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn cho Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế.
Luật Thủ đô 2024 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của hoạt động lập pháp trong việc xây dựng một môi trường văn hóa đa dạng, bền vững, nơi mà các giá trị truyền thống được bảo tồn và phát huy, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.
![]() |
Vườn bưởi ở làng Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cũng là điểm thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, thưởng lãm. Ảnh: Khánh Huy |
Lan toả nét đẹp, di sản làng nghề truyền thống với đông đảodu khách
Trong dự thảo Nghị quyết về khu PTTMVH đang đưa ra để lấy ý kiến nhân dân, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của khu PTTMVH quy định: ưu tiên thành lập khu PTTMVH tại các khu phố, tuyến phố, làng nghề, tuyến phố đi bộ, điểm dân cư nông thôn hiện hữu có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa.
Bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường tại khu phát triển thương mại và văn hóa cao hơn so với các quy định chung để thúc đẩy các hoạt động thương mại, sáng tạo gắn với phát triển văn hoá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và ngành, nghề truyền thống, thu hút, phát triển du lịch trên địa bàn. Tự nguyện, tự quản; bảo đảm sự đồng thuận của đa số đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình trong khu vực.
Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, cải thiện cảnh quan, môi trường của khu phát triển thương mại và văn hóa.
Về tổ chức hoạt động và quản lý khu PTTMVH, dự thảo quy định đầy đủ về hoạt động văn hoá; hoạt động thương mại; hoạt động du lịch và hoạt động xây dựng, bảo vệ và khai thác cảnh quan, không gian văn hoá, bảo vệ môi trường.
Góp ý về quy định này, chị Nguyễn Thị Tuyết (huyện Gia Lâm, Hà Nội) nhận định, Hà Nội được biết đến với 36 phố phường gắn với các nghề truyền thống, có hệ thống các làng nghề truyền thống có tiếng bao nhiêu thế kỷ nay. Nhiều du khách đến Hà Nội, ngoài việc thăm thú cảnh quan Thủ đô thì việc tìm hiểu văn hoá làng nghề, phố nghề cũng là trong những lý do khiến Hà Nội hấp dẫn du khách.
Tuy nhiên trong quá trình gìn giữ, phát triển những phố nghề, làng nghề truyền thống bên cạnh những thuận lợi, các làng nghề, nghệ nhân gặp những khó khănnhư nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, tiếp cận khách hàng. Nhiều làng nghề cũng đã chú trọng phát triển du lịch làng nghề, tuy nhiên còn manh mún, nhỏ lẻ. Đơn cử như làng Bát Tràng ở huyện Gia Lâm, mặc dù người dân đã chú trọng phát triển du lịch tại làng nghề nhưng còn nhỏ lẻ, những sản phẩm du lịch không có gì mới, thiếu hấp dẫn với khách.
Điều 21 của Luật Thủ đô 2024, cụ thể hơn là dự thảo Nghị quyết về khu PTTMVH trên địa bàn Thủ đô đang được lấy ý kiến đã có những quy định chi tiết và rõ ràng hơn. Dự thảo Nghị quyết cụ thể việc giao quyền trực tiếp cho người dân, người dân được bàn, được làm... Với những quy định như thế, chị Nguyễn Thị Tuyết cho rằng, khi gắn chặt quyền lợi của người dân vào với định hướng phát triển chung sẽ kích phát được những ý tưởng của người dân cũng như tìm được các cách làm hay để giải quyết những hạn chế đang tồn tại.
Đồng thời chị cho rằng, với sự hoạt động của khu PTTMVH sẽ kết nối được thật nhiều các di sản văn hóa của làng nghề, tạo những sân chơi bài bản, khuôn khổ hơn để lan toả nét đẹp, di sản làng nghề truyền thống với đông đảo người dân và du khách.
Khoản 8, Điều 21 Luật Thủ đô 2024 Việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa được thực hiện theo quy định sau đây: a) Khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập, tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản. Việc quản lý, điều hành hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa do Hội đồng quản lý gồm đại diện chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, đại diện của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cộng đồng dân cư trong khu vực thực hiện. b) Khu phát triển thương mại và văn hóa được quyết định các khoản thu trên cơ sở đề án đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt để bảo đảm chi trả cho việc quản lý, vận hành khu phát triển thương mại và văn hóa; chi trả cho việc cải tạo, chỉnh trang, bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự; chi trả các dịch vụ, tiện ích dành cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, người dân trong khu vực và khách hàng, hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hoạt động văn hóa và các hoạt động khác có liên quan; chi bù đắp cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng từ hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa. c) Việc thành lập, phạm vi, quy mô, mục tiêu phát triển khu phát triển thương mại và văn hóa; việc thành lập Hội đồng quản lý; các khoản thu, mức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm, cơ chế quản lý, chi tiêu tài chính; quy chế hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa phải được đa số đại diện của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình thường trú trong khu vực đó đồng thuận. d) Khu phát triển thương mại và văn hóa phải có cam kết với cơ quan nhà nước và cộng đồng dân cư về việc bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống. đ) Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt đề án thành lập, các khoản thu, mức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm, cơ chế quản lý, chi tiêu tài chính, quy chế hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa; ban hành quyết định cho phép thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; phê duyệt thành viên Hội đồng quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa. Ủy ban Nhân dân thành phố, Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có khu phát triển thương mại và văn hóa có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa theo quy định của Hội đồng Nhân dân TP. |
Cơ chế phát triển thương mại, văn hóa (BID) | |
Kinh nghiệm quốc tế về khu phát triển thương mại văn hóa |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại