Thứ sáu 24/01/2025 07:39

“Thêm một cuộc gọi sớm, một cuộc đời ở lại”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không trực bệnh viện thì trong mấy ngày Tết, các bác sĩ và tình nguyện viên trong mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cũng không ngơi nghỉ. Những cuộc gọi dù ngắn ngủi cho bệnh nhân nhưng với họ, “thêm một cuộc gọi sớm, một cuộc đời ở lại”…
“Thêm một cuộc gọi sớm, một cuộc đời ở lại”
“Thêm một cuộc gọi sớm, một cuộc đời ở lại”

Những ký ức đau thương với Thành phố Hồ Chí Minh

Câu chuyện đầu năm với Tiến sĩ – Bác sĩ Tạ Quang Thành, bác sỹ điều trị thuộc khu vực 017, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cứ nhẩn nha, chậm rãi có lúc nghẹn lại với những bi thương, rồi lại vui vẻ, thảnh thơi nhưng không kém phần tất bật.

Anh kể, đầu tháng 8 Hà Nội vẫn nóng như đổ lửa. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến Hà Nội dập dình co lại, thế nhưng trong Thành phố Hồ Chí Minh đã nóng rẫy với số lượng bệnh nhân mỗi ngày lên đến vài nghìn ca, số ca tử vong cũng khiến người dân choáng váng. Các bệnh viện Hà Nội dành chỗ chuẩn bị cho điều trị bệnh nhân Covid-19, các bác sỹ “bỗng dưng” thất nghiệp. Chẳng muốn ngồi im chịu trận, anh đã tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, “chi viện” cho miền Nam.

Nhớ những ngày đầu, khi mới qua 1, 2 buổi tập huấn ngắn ngủi các bác sĩ và tình nguyện viên của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã lao vào “cuộc chiến”. Nhóm bệnh nhân điều trị tại nhà đầu tiên được tiếp cận đó là nhóm bệnh nhân tại Tp HCM. “Lúc ấy mạng lưới vẫn trong quá trình hoàn thiện, phần mềm để thực hiện những cuộc gọi còn lúc được lúc không… Thế nhưng sự khốc liệt của “giặc” Covid-19 đã hiện hữu.” – bác sĩ Thành kể.

Đọc báo, nghe đài, xem tivi thấy lúc ấy Tp HCM và Bình Dương thật tang thương, thế nhưng có lao vào cuộc chiến mới biết thực tế nó xót xa đến độ thế nào. Ít có ngòi bút, ít có trang viết nào có thể lột tả được hết câu chuyện về Tp HCM thời điểm ấy. Không trực tiếp trên tuyến đầu như các y, bác sĩ đang lăn lộn ở các bệnh viện dã chiến tại Tp HCM, nhưng trên mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, “cuộc chiến” hàng ngày với các cuộc gọi cũng đủ những đau thương, xót xa không kém…

Bác sĩ Thành kể, thời gian ấy, hầu hết các bác sĩ, tình nguyện viên trong nhóm của anh đều thực hiện các cuộc gọi đến quên ăn, quên ngủ… Thời gian Hà Nội giãn cách, mọi việc đình trệ nhưng với các thành viên trong mạng lưới thời gian như đang chạy đua với họ. Có những khi chỉ cần nghỉ chút để ăn là đã thấy danh sách bệnh nhân lại tăng, chỉ lơ là chút đã thấy có bệnh nhân trở nặng…

Số ca Covid-19 tăng cao, hệ thống y tế quá tải, lượng bệnh nhân điều trị ở nhà người nhẹ người nặng cũng chẳng đủ nhân lực mà phân tầng. Có những lần sau khi sàng lọc, những bác sĩ ở tận Hà Nội lại cuống cuồng tìm số máy liên hệ của y tế địa phương, liên hệ các hội nhóm, lên mạng xã hội kêu gọi để tìm kiếm cho bệnh nhân hỗ trợ an sinh, thuốc men, bình Oxy và khó khăn nhất vẫn là xe cứu thương để đưa bệnh nhân nhập viện…

Hàng ngày, các bác sỹ phải thực hiện đến hàng trăm cuộc gọi, nghe – nói nhiều đến mức ù tai, khản giọng thế nhưng vẫn cứ thấy chưa đủ. Có những khi chỉ chậm trễ một chút là đã thấy cuộc sống của bệnh nhân vuột khỏi tay…

“Việc tư vấn chăm sóc và điều trị bệnh nhân qua các cuộc gọi khác rất nhiều với việc điều trị trực tiếp. Bởi điều trị trực tiếp được nhìn, được nghe, được chẩn đoán với sự hỗ trợ của máy móc nên nếu bệnh nhân trở nặng hoặc nguy kịch đều được tiên lượng trước… Còn qua các cuộc gọi chỉ nghe mô tả, nghe triệu chứng qua lời của chính bệnh nhân hoặc người thân, mà đôi khi bệnh nhân không đủ kiến thức y học để mà biết mình đau ở đâu, khó thở ra sao… nên việc điều trị cũng vô cùng hạn chế. Có những cuộc điện thoại mới hôm trước còn tư vấn dùng thuốc, còn động viên bệnh nhân cố gắng điều trị, còn nghe bệnh nhân nghẹn ngào nói lời cảm ơn. Mà đến ngày hôm sau gọi đã không có ai nghe máy. Cũng có cuộc gọi khi nghe chỉ thấy tiếng nức nở của người nhà thông báo bệnh nhân đã xuôi tay…” – bác sĩ Thành kể.

Anh nói, những khi ấy cảm thấy bất lực vô cùng, có những khi còn dấy lên cảm giác áy náy, day dứt... Giá như gọi sớm hơn một chút, giá như để tâm đến các triệu chứng tưởng như không quan hệ thêm một chút…

Trong những ngày tư vấn điều trị các bệnh nhân ở Tp HCM, sau đó là Bình Dương, những gì đã nghe, đã gặp, đã trải qua là những ký ức không thể quên trong cuộc đời chữa bệnh của họ.

Hàng nghìn cuộc gọi đã được thực hiện, rất rất nhiều bệnh nhân không kịp biết tên, biết mặt người bác sĩ đã từ xa hỗ trợ điều trị cho mình… Rất nhiều lời cám ơn của bệnh nhân chưa kịp gửi đến, các bác sĩ, tình nguyện viên ngày đêm với khúc ruột miền Nam, họ đã vội vã chạy đua với thời gian để tiếp tục các cuộc gọi hỗ trợ bệnh nhân khác. Cái các bác sĩ, tình nguyện viên trong mạng lưới Thầy thuốc nhận được, đó là sự ghi nhớ, lời nhắc nhở của bệnh nhân, và những ngôi sao vinh danh trong nhóm…

“Thêm một cuộc gọi sớm, một cuộc đời ở lại”
Tiến sĩ - Bác sĩ Tạ Quang Thành, khu vực 017 mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành"

Lo lắng Hà Nội

Sau mấy tháng ở TPHCM, Bình Dương, vài lời chia tay ngắn ngủi với những động đội chưa hề gặp mặt, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành lại triển khai ra Hà Nội vì cao điểm dịch lại về Thủ đô.

“Các bệnh nhân ở Hà Nội nhẹ hơn, ít triệu chứng hơn. Nhưng cũng lại có cái khó hơn bởi sau mấy đợt dịch trong TPHCM và Bình Dương nhiều bệnh nhân ngoài này tâm lý lo lắng hơn. Nhiều bệnh nhân khi biết mình dương tính đã rất sợ, khi không được nhập viện hoặc khó khăn khi liên hệ với y tế họ càng hoảng loạn. Có những bệnh nhân bỏ tiền ra mua những liều thuốc điều trị trên mạng với giá trên trời mà không hề có sự tư vấn của y, bác sĩ… Nên nhiều khi tư vấn rất khó. Với những bệnh nhân này, điều trị bệnh không chỉ là chữa bệnh, mà điều trị cả về tâm lý.” – bác sĩ Thành nói.

Ở Hà Nội, số bệnh nhân nặng và tử vong cũng ít gặp, thế nên câu chuyện cũng vui vẻ, nhẹ nhàng hơn. Anh cho biết, nhiều cuộc gọi gặp đúng người nhà của mình cũng là chuyện thường. “Đôi khi người nhà còn khó tư vấn hơn cả người ngoài. Như tôi cũng tư vấn cho bệnh nhân vốn là ông anh họ, bình thường không sao nhưng khi tư vấn anh không nên dùng thuốc theo các “bác sỹ mạng” anh còn căng thẳng với cả tôi. Đành phải “show” một loạt những hình ảnh “chiến tích” đã có trong các “chiến dịch” trong Sài Gòn, Bình Dương anh mới chịu đồng ý nghe tư vấn.” – anh kể.

Trong câu chuyện của mình, anh cũng chia sẻ những khó khăn mà hệ thống y tế cơ sở ở Hà Nội hiện đang gánh vác. Như trường hợp có bệnh nhân khó thở cần có thiết bị đo nhưng không thể liên hệ được, lúc ấy anh đã các bác sĩ trong nhóm phải liên hệ với y tế địa phương để họ hỗ trợ. “Mỗi cơ sở y tế phường, xã chỉ có 1, 2 máy đo, lượng bệnh nhân lại nhiều nên đôi khi cũng không đáp ứng được hết. Thế nên cũng nên nhìn nhận cái khó cho hệ thống y tế và thông cảm.” Anh quan điểm.

Ngày Tết, vốn người ta được nghỉ dài, nhưng với y bác sĩ các anh, các ngày nghỉ ngắt quãng bởi những phiên trực. Và khi tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành thì lại càng không có ngày nghỉ, bởi rằng bệnh nhân Covid-19 không… nghỉ Tết.

“Thêm một cuộc gọi sớm, một cuộc đời ở lại… Thấm thía cái slogan ấy từ lúc làm trong TPHCM và Bình Dương nên đến giờ không chỉ có tôi, tất cả các bác sĩ và tình nguyện viên trong mạng lưới đều hết sức cố gắng. Cho dù không có bất cứ một chế độ hay ưu ái gì, nhưng những đau thương đã qua khiến cho chúng tôi hiểu rằng, thiên chức của nhân viên y tế vốn là vậy. Lấy niềm vui của người bệnh để làm hạnh phúc ở đời. Vậy thôi!”

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động