Thứ năm 23/01/2025 10:57

"Thư cho em": bài học về tình yêu, sự hy sinh và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những năm tháng non sông chưa nối liền một dải, tình yêu của vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan đã phủ lên thời đại gian nan ấy những ấm áp và lãng mạn. Để đến hôm nay, câu chuyện đẹp ấy lại xuất hiện, nuôi dưỡng cho những tâm hồn về tình yêu đôi lứa, song hành cùng những khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước.
Cuốn sách “Thư cho em” của tác giả Hoàng Nam Tiến. Ảnh: Hồng Nhung

Kể từ khi cuốn sách “Thư cho em” ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2024, câu chuyện tình yêu quá đỗi lãng mạn và anh hùng của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ là bà An Vinh đã chạm đến trái tim độc giả nhiều lứa tuổi.

Thế nhưng, không chỉ là một câu chuyện tình, đó còn là cả kiếp người. Vậy nên, mỗi khi bàn về cuốn sách, tác giả Hoàng Nam Tiến (con trai của ông Hoàng Đan và bà An Vinh) và độc giả đều có những điều mới muốn kể, những tâm đắc chưa nguôi.

Trong buổi tọa đàm do Nhã Nam phối hợp cùng Thư viện Quân đội tổ chức với chủ đề “Những lá thư từ hậu phương”, tác giả Hoàng Nam Tiến cùng các khách mời và bạn đọc đã có thêm nhiều chia sẻ thú vị xoay quanh cuốn sách “Thư cho em”. Đặc biệt, tại đây có nhiều bài học về tình yêu đôi lứa được khơi gợi, nhắc nhở cho các bạn trẻ về những giá trị lịch sử và nhân văn sâu sắc.

Hậu phương vững chắc của người lính trong thời chiến

Mối tình của ông Hoàng Đan và bà An Vinh nảy mầm khi đất nước còn đang bị chiến tranh chia cắt. Trong những năm tháng yêu rồi cưới bà An Vinh, ông Hoàng Đan có mặt trên khắp các chiến trường, từ chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào đến Trị Thiên, Thượng Đức, chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 cho tới cuối cùng là chiến tranh biên giới.

Nói về tầm quan trọng của hậu phương đối với người lính trong chiến tranh, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ: “Những người lính là những thanh niên trẻ. Họ sẵn sàng ra đi, sẵn sàng đổ máu, sẵn sàng hi sinh bởi vì chính hậu phương thân yêu. Như cha tôi đã bảo, đàn ông mà không ra đi chiến đấu thì đến thời các con cũng lại phải đi. Sự yên tâm về hậu phương đã làm cho những người lính thực sự chú tâm, dành tất cả tâm huyết, tinh thần, sức lực để chiến đấu".

Trong lá thư ngày 24/11/1967, Thiếu tướng Hoàng Đan viết thư cho vợ con: “Chúng ta tạm xa nhau để vì hạnh phúc chung của Nhân dân. Trong đó có hạnh phúc riêng của chúng ta cùng con cái”.

Bức thư 1/4/1975, 30 ngày trước ngày hòa bình thống nhất đất nước, thiếu tướng Hoàng Đan đã viết cho bà An Vinh: “Hẹn em ngày chiến thắng”. Đó không chỉ thể hiện nhãn quan, dự cảm nhạy bén, tài tình của một vị tướng; đó còn là lời hẹn thề với người yêu, với chính mình - nhất định phải chiến thắng trở về vì còn hậu phương đang chờ đợi.

Về phía bà An Vinh, chi tiết bà “một tay cõng đứa con nhỏ trên lưng, một tay giữ con nhỏ 2 tuổi đến lớp học chính trị vào buổi tối” đã gây xúc động mạnh mẽ với bạn đọc. Ban ngày, người phụ nữ ấy chăm lo chu đáo cho cha mẹ già và đàn con thơ, đến tối sau khi xong xuôi công việc lại đi học. Đến 11, 12h đêm sau khi kết thúc mọi việc thì viết thư cho chồng.

Đối với người phụ nữ, cửa sinh là cửa tử, thế nhưng cả ba lần sinh con, bà An Vinh đều không có chồng ở bên cạnh. Nhưng bà vẫn kiên cường, không than trách. Trong những lá thư bà gửi cho chồng đều là những dòng tâm tình ấm áp, để chồng vững tin chiến đấu. Trong một bức thư gửi thiếu tướng Hoàng Đan, bà viết: “Anh cứ tin rằng suốt đời em chỉ có anh thôi, vì anh đã chiếm hết tâm hồn, lý trí của em rồi. Do đó, tuy anh đi đâu nhưng lúc nào em cũng nghĩ như là có anh bên cạnh vậy”.

Các diễn giả giao lưu tại tọa đàm “Những lá thư từ hậu phương”. Ảnh: Hồng Nhung

Chiến sự khốc liệt, mỗi lần người thương chia tay ra chiến trường lại là một lần lo lắng khôn kể đối với người phụ nữ. Bởi ai cũng hiểu, ra chiến trường, cơ hội trở về rất mong manh. Thế nhưng, vượt qua tất cả, bà An Vinh trở thành hậu phương vững chắc cho tướng Hoàng Đan. Trong thời gian chồng đi thực hiện nhiệm vụ với Tổ quốc, bà cũng không ngừng học tập, trở thành cửa hàng trưởng cửa hàng mậu dịch số 5 Nam Bộ và sau này là Đại biểu Quốc hội.

Bài học cho thế hệ trẻ về tình yêu đôi lứa và khát vọng cống hiến

Có thể thấy rằng, ngày nay, nhờ sự phát triển của truyền thông mà thế hệ trẻ được tiếp cận với nhiều câu chuyện, nhiều cuộc đời hơn mà không bị cản trở bởi khoảng cách địa lý. Cũng chính bởi vậy, trong họ đã nảy sinh không ít định kiến sai lệch về tình yêu đôi lứa.

Cuốn sách “Thư cho em” của tác giả Hoàng Nam Tiến giúp các bạn đọc trẻ có thêm niềm tin vào tình yêu đôi lứa, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển bản thân.

Không chỉ trong lịch sử, trong thời bình hiện nay cũng có nhiều mối tình đẹp, thầm lặng và giàu hy sinh. Theo ông Hoàng Nam Tiến, rất nhiều người lính, rất nhiều cán bộ chiến sĩ vẫn đi xa nơi biên giới, hải đảo… Dù thời nào, làm người lính cũng đều gian khổ. Chính sự chung thủy, sự thấu hiểu và sẻ chia của gia đình, đặc biệt là người vợ đã trở thành nguồn động viên to lớn đối với các chiến sĩ.

Ông chia sẻ: “Tôi có rất nhiều nhân viên làm việc ở xa, ở Mỹ, ở các nước châu Âu… Mỗi năm họ chỉ về quê một lần. Họ mang sức trẻ và trí tuệ Việt Nam tới New York, tới Paris, tới London… Họ có mặt tại khắp năm châu, với niềm tin từ hậu phương vững chắc ở quê nhà. Với tôi, họ đúng chất là những công dân toàn cầu”.

Khi được hỏi: “Làm sao để khát vọng cống hiến cho đất nước; khát vọng phát triển bản thân, cống hiến cho sự nghiệp cũng có thể song hành với sự nuôi dưỡng tình yêu đôi lứa?”. Biên tập viên Hoàng Diệu Thủy bày tỏ: “Làm sao để duy trì, phát triển tình yêu cá nhân trong tình yêu đất nước, theo tôi, đó là sự cân bằng. Tôi luôn dạy con mình rằng: Con hãy trở thành một người độc lập, độc lập sẽ khiến con trở nên tử tế và hạnh phúc. Mỗi cá nhân khi có thể mạnh mẽ, độc lập, biết yêu thương bản thân thì sẽ yêu và sưởi ấm được cho người khác. Và tình yêu đó lớn hơn nữa sẽ phát triển thành tình yêu Tổ quốc. Giống như tướng Hoàng Đan, ông đi chiến đấu là vì hòa bình, là vì để đứa con mình không phải ra trận nữa”.

Ông Hoàng Nam Tiến cũng gửi lời khuyên đến các bạn trẻ hãy không ngừng học tập, trau dồi, làm mới bản thân. Chỉ khi chúng ta trở nên ưu tú hơn, đẹp hơn, quyến rũ hơn thì tình yêu mới có thể lâu dài.

Phát triển văn hóa đọc giúp nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực
Sách và khát vọng cống hiến
Hồng Nhung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động