Thứ năm 23/01/2025 06:23

Toạ đàm trực tuyến “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 13/12, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”.
Toạ đàm trực tuyến “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”

Tham dự toạ đàm có Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn; Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp; Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm; Giám đốc Siêu thị Saigon Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, Tết Nguyên đán Ất Tỵ là dịp để mỗi gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Việc chọn lựa những sản phẩm chất lượng, an toàn, mang đậm bản sắc văn hóa Việt để phục vụ gia đình là điều hết sức quan trọng.

Với mục đích, ý nghĩa trên, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”.

Toạ đàm “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025” là dịp để cùng nhìn lại những thành quả đã đạt được trong việc thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, vai trò của các cơ quan chức năng trong đó có Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, báo Kinh tế và Đô thị trong việc thúc đẩy phủ sóng hàng Việt đến khắp mọi miền đất nước và vươn tầm quốc tế.

“Đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng nhau tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng…” - Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

Toạ đàm trực tuyến “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”
Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại toạ đàm

Tại toạ đàm, các đại biểu, đại diện cho các sở ngành, hệ thống phân phối bán lẻ sẽ cùng đánh giá những kết quả đã đạt được trong việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Xác định những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Các đại biểu cũng thảo luận, tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt trong thời gian tới, tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ số. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để hàng Việt tiếp tục là sự lựa chọn tin cậy và đầu tiên trong các quyết định mua sắm của người dân.

Cũng theo Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi, trong thời đại số, thương mại điện tử đã trở thành kênh phân phối hàng hóa vô cùng quan trọng. Việc ứng dụng công nghệ số giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với lượng lớn khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong bối cảnh đó, các kênh truyền thông, trong đó có báo Kinh tế và Đô thị đã và đang tích cực tuyên truyền để Cuộc vận động ngày càng phát huy hiệu quả và ý nghĩa.

Toạ đàm trực tuyến “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”
Ban tổ chức tặng hoa các đại biểu tham dự toạ đàm

“Đồng hành cùng Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhiều năm nay trong tuyên truyền đưa hàng Việt ngày càng đến gần và gắn bó hơn với người tiêu dùng, chúng tôi đã liên tục đa dạng các kênh truyền thông bằng nhiều hình thức từ tin bài đến tọa đàm, hội nghị, hội thảo, triển lãm, truyền thông trên các kênh mạng xã hội của Báo. Chúng tôi cũng đã tính toán đến việc mở những shop online trên các nền tảng trong hệ sinh thái của Báo để đồng hành và hỗ trợ cùng người dân, các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp trao đổi, mua bán hàng Việt…” - Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi chia sẻ.

Điểm lại kết quả triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết, qua 15 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã tạo bước chuyển biến tích cực, lan tỏa rộng rãi. Các tầng lớp nhân dân đã ý thức, ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, sức tiêu thu hàng Việt Nam đã sôi động hơn, tâm lý tiêu dùng hàng nội địa trở thành thói quen của người dân.

Các giải pháp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần phát triển nhiều mô hình, điển hình tốt trong sản xuất kinh doanh, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, cân đối cung cầu hàng hóa. Từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, góp phần cùng Đảng và Nhà nước kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Toạ đàm trực tuyến “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”
Các đại biểu tham dự toạ đàm

Năm 2024, với sự kiên trì, linh hoạt trong công tác vận động, kết nối của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP, các chương trình kết nối giao thương, chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, người dân được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau; hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân được đáp ứng đầy đủ, phong phú. Qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp theo hướng xanh, bền vững; góp phần vào sự phát triển của Thủ đô trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Các ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, tổ chức các hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kế nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố; giới thiệu, kết nối nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm mùa vụ, có khó khăn trong việc tiêu thụ… của các tỉnh, thành phố vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm…; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố đến các quận, huyện, thị xã… Qua đó, góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp hàng Việt, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển.

Toạ đàm trực tuyến “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”
Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn thông tin tại toạ đàm

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.

Để Cuộc vận động tiếp tục phát huy tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, phát triển thị trường, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP Hà Nội đề ra nhiều giải pháp như: tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và doanh nghiệp về ý nghĩa Cuộc vận động, phát huy vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, kết nối, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích cần đẩy mạnh thông tin tiếp thị, quảng bá thương hiệu, kết nối phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, đáp ứng niềm tin tưởng của người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn mong muốn, thông qua tọa đàm hôm nay sẽ nhận được nhiều ý kiến, kinh nghiệm đến từ các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố để có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, ổn định thị trường, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển.

Toạ đàm trực tuyến “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thế Hiệp

Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, hoạt động thương mại thường sôi động. Xin ông cho biết, việc cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết sắp tới được chuẩn bị như thế nào?

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thế Hiệp: Theo thông lệ, vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa của người dân tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phục vụ hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương Hà Nội từ sớm đã chủ động ban hành kế hoạch đảm bảo bình ổn thị trường với hàng hóa thiết yếu. Ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…

Sở Công Thương tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2024, phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có thiên tai trên địa bàn, góp phần ổn định thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết, đảm bảo hàng hóa cung ứng cho người dân trong trường hợp xảy ra mưa, bão úng ngập những tháng cuối năm 2024.

Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, để tạo thuận tiện cho người dân Thủ đô tiếp cận, mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn…

Đặc biệt, Sở Công Thương cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm; Tổ chức các chợ hoa Xuân… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngoài ra, Sở cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa để tránh những vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng phục vụ người dân dịp Tết.

Bên cạnh đó, Sở cũng làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về sự chuẩn bị về nguồn hàng, từ đó có tinh thần mua sắm văn minh, an toàn. Mặt khác, thông qua tuyên truyền để doanh nghiệp có sự chủ động trong công tác chuẩn bị về việc cung cấp nguồn cung, chủ động cung cấp nguồn hàng có chất lượng.

Toạ đàm trực tuyến “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”

Để đảm bảo nguồn cung ứng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, đoanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa như thế nào?

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm: Nhu cầu tiêu dùng Tết năm nay dự kiến tăng khoảng 30%. Hapro đã có nhiều năm tham gia Chương trình bình ổn giá và dự trữ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán hàng năm do Sở Công Thương Hà Nội phát động, triển khai tại 3 hệ thống siêu thị: BRGMart, Hapromart, Haprofood.

Để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, ngay từ đầu tháng 10/2024, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp để lên kế hoạch nguồn cung sản phẩm các loại. Chúng tôi đã chủ động tăng sản lượng hàng Tết lên 30% so với cùng kỳ năm 2024.

Hiện doanh nghiệp có khoảng 20 mặt hàng bình ổn giá, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao như: gạo ST 25 (công ty có vùng nguyên liệu sản xuất), các loại hạt đóng lọ để đóng vào giỏ quà Tết.

Các sản phẩm mang thương hiệu Hapro do các công ty, đơn vị trong Tổng công ty trực tiếp sản xuất đã có uy tín trên thị trường: Gạo Hapro Đồng Tháp; Hạt điều rang Hapro; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt gà, thịt ba chỉ xông khói; bộ sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà..., trong đó lấy sản phẩm trọng tâm là Gạo Hapro Đồng Tháp.

Chúng tôi cũng liên kết với công ty thực phẩm Hà Nội có kinh nghiệm hơn 50 năm về sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm.

Bên cạnh đó, trên các kệ hàng, quầy hàng tại siêu thị trưng bày hợp lý, bắt mắt để người tiêu dùng thuận lợi lựa chọn; đồng thời tung ra các chương trình khuyến mại với giá cả ưu đãi, hấp dẫn nhằm kích cầu nhu cầu mua sắm của người dân.

Chúng tôi cũng tích cực tham gia vào việc đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ngoại thành Hà Nội để phục vụ Tết cho bà con.

Toạ đàm trực tuyến “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”

Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội có những định hướng như thế nào trong công tác truyền thông, vận động để người tiêu dùng hiểu đúng về chất lượng hàng Việt, từ đó nâng cao sức tiêu thụ, sản xuất của các mặt hàng trong nước?

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn: Để người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố đã triển khai nhiều nội dung. Trong đó, công tác tuyên truyền là một trong những nội dung chúng tôi đẩy mạnh triển khai, để tăng độ phủ sóng của hàng Việt, để khách hàng ngày càng tin tưởng và tìm đến sử dụng hàng trong nước.

Chúng tôi cũng tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm kết nối cung – cầu, đưa thông tin hàng Việt đến người tiêu dùng, tập trung tìm kiếm phát hiện hàng Việt Nam có chất lượng cao phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của từng địa phương. Từ đó, phối hợp với nhà sản xuất biên tập tài liệu, tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến nhân dân nhằm kết nối, cung cấp đến tận địa phương, cơ sở. Tiếp tục tuyên truyền các sản phẩm, dịch vụ được tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.

Nhằm đưa hàng Việt chất lượng cao đến đông đảo người tiêu dùng Thủ đô, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố đã giao Sở Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình bình ổn giá, đặc biệt ngay trong dịp Tết Ất Tỵ 2025; tổ chức đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố; phối hợp với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tổ chức phiên chợ hàng Việt, những chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm.

Tiếp tục tuyên truyền vận động để các doanh nghiệp, các làng nghề nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có trách nhiệm với sản phẩm do mình làm ra, từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa tại thị trường trong nước, thị trường khu vực và thế giới...

Bên cạnh đó, nghiên cứu nội dung về hệ thống bán lẻ hàng Việt trong hội nhập; đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2015 - 2020. Tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công; quy chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.

Với sự cố gắng, tích cực của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố, sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị thành viên, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều hơn với hàng Việt chất lượng cao, hàng Việt sẽ chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Khi đó, “niềm tự hào hàng Việt” sẽ không còn là khẩu hiệu suông.

Toạ đàm trực tuyến “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”
Giám đốc Siêu thị Co.op mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung

Tết Ất Tỵ, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng cũng như những chương trình khuyến mãi phục vụ nhu cầu mua sắm như thế nào, đặc biệt trên kênh online đang được nhiều người dùng lựa chọn hiện nay. Việc đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, ngoại thành Hà Nội của các doanh nghiệp để phủ sóng hàng Việt có gì khó khăn không?

Giám đốc Siêu thị Co.op mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung: Co.op Mart Hà Đông mang đến thị trường Tết Ất Tỵ 2025 những mẫu giỏ quà kết hợp duyên dáng giữa cổ truyền và hiện đại, với giá đa dạng, dao động từ 99 ngàn đồng đến 1,4 triệu đồng, nhằm phục vụ mọi nhu cầu từ trưng bày đến biếu tặng cá nhân, đoàn thể.

Đặc biệt, năm nay, Co.opmart, Co.opXtra ra mắt giỏ quà Tết hoàn toàn mới, độc quyền của nhà “Co.op”: giỏ quà rau củ là sự kết hợp giữa các loại gia vị Á – Âu như tỏi Hải Dương, hành tím Vĩnh Châu, hành tây New Zealand… với giá chỉ từ 31.500 đồng.

Co.op Mart Hà Đông cũng triển khai Chương trình “Gắn kết tình thân – Tết xa thêm gần” năm nay với nhiều điểm mới, đó là không dừng lại ở giỏ quà bánh kẹo, nhu yếu phẩm như hàng năm, năm nay chương trình nhận đặt và giao các giỏ trái cây, thực phẩm tươi sống; khách hàng được chọn thời gian phù hợp nhất để siêu thị trao quà. Thời gian nhận và giao giỏ quà Tết từ nay đến hết 22/1/2025 nhằm 23 Âm lịch.

Bên cạnh đó, Co.op Mart Hà Đông hàng năm cũng thực hiện khoảng 2.000 chuyến hàng Tết để tặng các giỏ quà thiết yếu cho bà con vùng sâu, vùng xa, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Với hệ thống siêu thị Co.op Mart, chúng tôi có phòng chức năng ban thương mại điện tử, có bộ phận phụ trách dịch vụ nhận đơn online của khách. Chúng tôi nhận đặt hàng ở bất kỳ điểm nào để giao tới mọi nơi trên cả nước. Chúng tôi phục vụ cho rất nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn… đều đặt hàng online hết. Chúng tôi đảm bảo chất lượng. Doanh số hàng online của chúng tôi tăng 50% cho thấy khách hàng dịch chuyển sang mua bán trực tuyến rất nhiều.

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm: Sau đợt dịch Covid-19, thị hiếu người tiêu dùng dần chuyển sang mua sắm trực tiếp sang mua online. Để đáp ứng nhu cầu này, Hapro đã xây dựng các trang panpage, zalo và thông qua những trang giới thiệu của Sở Công Thương, trang báo điện tử để giới thiệu các mặt hàng, chương trình khuyến mại của doanh nghiệp.

Mặt khác, tập đoàn cũng có liên kết với các ngân hàng xây dựng nhiều chương trình chiết khấu mở thẻ tiêu dùng để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm thuận tiện hơn.

Trên thực tế, qua nhiều năm mua hàng online, người tiêu dùng đã quen và kiểm tra được chất lượng hàng hóa, nên yên tâm hơn trong việc mua sắm online. Phòng bán hàng của Hapro cũng update liên tục hàng mới, chương trình khuyến mại… để người tiêu dùng thuận tiện theo dõi khi có nhu cầu mua sắm. Đặc biệt, trong dịp Tết Ất tỵ 2025, Hapro cũng có các chương trình bán hàng không lợi nhuận để tri ân khách hàng như: Chương trình Rồng rắn lên mây; Săn ngay đón Tết…

Việc kiểm soát, giám sát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 được cơ quan quản lý, doanh nghiệp triển khai như thế nào?

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thế Hiệp: Trong dịp trước trong và sau Tết, tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại diễn ra phức tạp, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết. Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác kiểm soát chất lượng hàng hoá chuẩn bị phục vụ Tết, TP Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn đều tăng cường phối hợp, triển khai biện pháp đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, vi phạm ATTP.

Trong đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội chủ trì kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm…, dịp trước, trong và sau Tết; Các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác đảm bảo ATTP đối với các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý theo phân công, phân cấp.

Về phía ngành Công Thương Hà Nội, Sở đã chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa gắn với công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết 2024; Chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị nguồn hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ phục vụ nhân dân; Tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định đối với các hoạt động khuyến mại, công tác đảm bảo ATTP lĩnh vực Công Thương; Chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố kiểm tra công tác đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2025 trên địa bàn 7 quận, huyện.

Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nội dung đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn khi có yêu cầu phối hợp.

Phó Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm: Tiêu chuẩn đầu vào của các mặt hàng, sản phẩm hàng hóa đưa vào kinh doanh tại hệ thống bán lẻ của Hapro luôn phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Đơn cử như nông sản, thực phẩm phải đạt độ tươi phù hợp, phải chuyển đến siêu thị trong vòng 8-36 giờ kể từ thời điểm thu hái, đánh bắt, và phải được bảo quản trong điều kiện tối ưu. Sản phẩm không được cấn dập, hư hỏng, không côn trùng, không nhiễm tạp chất, kích cỡ đạt chuẩn…

Công ty đã thành lập tổ kiểm tra an toàn thực phẩm thường xuyên kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập chặt chẽ; đảm bảo sản phẩm hàng hóa đều truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo quy chuẩn an toàn thực phẩm trước khi trưng bày trên kệ của hệ thống siêu thị và trước khi đến tay người tiêu dùng. Đối với hàng trong nước thì phải có biên lai mua hàng và khi nhập ghi vào sổ mua hàng. Đối với hàng nhập khẩu phải có tem phụ bằng tiếng Việt, phải có bộ chứng từ kèm theo.

Ngoài ra, các hệ thống siêu thị của Hapro cũng có các tổ có nhiệm vụ kiểm tra chéo nhau giữa ngành hàng trong hệ thống để đảm bảo tuyệt đối không có hàng cận date, hết date hoặc hàng không đảm bảo chất lượng, mẫu mã trưng bày trên quầy hàng của siêu thị. Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của TP Hà Nội thực hiện kiểm tra thường kỳ, đột xuất việc kinh doanh hàng hóa tại các hệ thống siêu thị của công ty.

Tọa đàm trực tuyến Tọa đàm trực tuyến "Kinh tế Hà Nội -70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững"
Tọa đàm trực tuyến “Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng” Tọa đàm trực tuyến “Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng”
KTĐT
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động