Thứ năm 23/01/2025 03:10

Triển khai kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 6/12/2024, công bố kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ nhằm tối ưu hóa hoạt động quản lý và điều hành.
Triển khai kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ
Phiên họp thường kỳ của Chính phủ. (Ảnh: VGP)

Giảm mạnh đầu mối, nâng cao chất lượng quản lý

Theo kế hoạch, tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ sẽ được tinh gọn, giảm ít nhất 15%-20% đầu mối. Các tổ chức có chức năng chồng chéo sẽ được hợp nhất hoặc tái cấu trúc để đảm bảo không trùng lặp nhiệm vụ. Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện theo quy định riêng của Bộ Chính trị.

Quá trình sắp xếp sẽ đi đôi với giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới.

Rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy của Chính phủ để có giải pháp đề xuất xử lý trong quá trình sắp xếp; xây dựng dự thảo quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Định hướng cải tổ bộ máy cấp bộ và cơ quan ngang bộ

Trong lộ trình cải tổ, 14 bộ và cơ quan ngang bộ sẽ được sắp xếp hoặc hợp nhất, bao gồm:

- Bộ Tài chínhBộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến hợp nhất thành Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

- Bộ Giao thông Vận tảiBộ Xây dựng sẽ hợp nhất thành Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn.

- Bộ Tài nguyên và Môi trườngBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.

- Bộ Thông tin và Truyền thôngBộ Khoa học và Công nghệ dự kiến hợp nhất thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Bộ Nội vụ sẽ hợp nhất thành Bộ Nội vụ và Lao động.

- Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương; đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.

- Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp để tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.

- Bộ Nội vụ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ; phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.

- Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.

Tái cấu trúc các cơ quan trực thuộc Chính phủ

- Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về các Bộ quản lý ngành và nghiên cứu mô hình tổ chức trực thuộc Chính phủ.

Đối với Đảng bộ một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam,... chuyển tổ chức đảng về trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.

- Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan.

Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển nhiệm vụ của Ủy ban về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính (gồm: chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng). Trong điều kiện các luật chuyên ngành đang giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành thực hiện chức năng giám sát chuyên ngành (Bộ Tài chính giám sát thị trường chứng khoán, bảo hiểm; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giám sát hoạt động ngân hàng), cần thành lập tổ chức phối hợp liên ngành do Lãnh đạo Chính phủ làm người đứng đầu để chỉ đạo hoạt động điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính.

- Sắp xếp 2 Viện Hàn lâm khoa học và 2 Đại học Quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy được nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo

- Đối với 2 Viện Hàn lâm: Phương án 1: Hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam; Phương án 2: Duy trì 2 Viện Hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.

- Đối với 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý.

- Kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam và xây dựng Đề án cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.

- Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện sắp xếp, tinh gọn, giảm mạnh đầu mối tổ chức bộ máy bên trong và biên chế; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên cho các hoạt động.

- Chuyển Ban Quản lỷ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng

- Cơ cấu Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

Sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tổ chức lại thành 01 đầu mối độc lập thuộc Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển). Thực hiện phương án này, về cơ bản vẫn tạo điều kiện cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ có tính độc lập như hiện nay; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng quản lý bảo hiểm (hiện nay do Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch) chỉ đạo công tác quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được hiệu quả (thu gọn được 01 đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ).

Đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới

Kế hoạch nhấn mạnh, việc cải tổ không chỉ dừng lại ở tinh gọn tổ chức mà còn tập trung vào nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả hoạt động, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Việc sắp xếp, hợp nhất các bộ và cơ quan sẽ được thực hiện trên cơ sở đảm bảo ổn định và phù hợp với thực tiễn, đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với bộ máy quản lý hiệu quả hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: quyết tâm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý Thủ tướng Phạm Minh Chính: quyết tâm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý
Tuấn Khang
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động