Trưởng thành hơn từ những chuyến đi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChập chững những bước đi đầu tiên với nghề báo cách đây khoảng 10 năm, tuy nhiên trong một thời gian dài tôi chưa được làm báo đúng với tính chất vốn có. Mặc dù lòng yêu nghề vẫn luôn cháy bỏng theo năm tháng nhưng có lẽ tôi chỉ thực sự được làm báo kể từ khi bước vào gia đình Pháp luật & Xã hội. Từ một cậu phóng viên trẻ với bao thứ non nớt và thực sự có đôi chút “ngựa non háu đá”, tôi được các anh chị trong Chi hội hướng dẫn những thứ nhỏ nhất từ tin bài cho tới cách sống. Gần 2 năm không phải là thời gian dài nhưng cũng đủ để khiến tôi cảm thấy mình đã có nhiều chuyển biến và ngày càng trưởng thành hơn. Dần dần, tôi cũng được Chi hội Báo tin tưởng và trao cơ hội qua những chuyến đi công tác.
Tác giả trong chuyến thay thu quân và chúc tết các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa tết Canh Tý 2020 |
Chuyến đi lớn đầu tiên trong cuộc đời làm báo và cũng có lẽ là một trong những chuyến đi lớn nhất trong suốt cuộc đời tôi là hành trình tới Trường Sa. Trước khi đi, các anh chị trong Chi hội Pháp luật & Xã hội đã hướng dẫn tôi nhiều việc từ chuẩn bị đồ đạc cho tới hướng khai thác đề tài. Chuyến đi đó thực sự đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó có thể quên cho tới hàng chục năm nữa. Điều tôi nhớ nhất trong suốt hành trình có lẽ là khoảnh khắc những phút cuối cùng, tức tốc làm bài và gửi ảnh về tòa soạn trước khi con tàu ra xa khỏi đất liền và mất sóng điện thoại trong suốt 18 ngày tiếp theo. Sau đó là tình cảm đồng nghiệp cùng tàu, cách con người chia sẻ khó khăn khi tác nghiệp và cả chia sẻ về cách sống nữa. Một lẽ dĩ nhiên, khi tác nghiệp thì sẽ phải tự chủ động mọi thứ, đề tài đặt ra có thể sẽ phải thiên biến vạn hoá để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Khai thác sao cho khác lạ… có những điều chỉ có thể học được qua những chuyến đi như thế.
Cán bộ Hội Nhà báo Hà Nội trong chuyến công tác tại Lai Châu |
Hoàn thành chuyến đi 19 ngày lênh đênh trên Trường Sa, tôi quay lại với cuộc sống thường nhật của một phóng viên với những “hành trình” mới ngay giữa Thủ đô. Đã từ lâu, việc đi tìm kiếm những điều bình dị giữa cuộc sống đã trở thành niềm vui nhỏ của tôi khi làm nghề. Thay vì những điều quá đao to búa lớn thì tôi lại thích đi mò mẫm những tấm gương người tốt việc tốt. Chi hội cũng rất ủng hộ và khuyến khích những đề tài này bởi lẽ lan truyền đi những thông tin tốt sẽ nhân ra thêm những điều tốt và đó cũng là một trong những nhiệm vụ của báo chí. Trong quá trình tìm đề tài, tôi cũng được tiếp xúc với biết bao những tấm gương bình dị trong cuộc sống: đó là những tài xế công nghệ cấp cứu người tai nạn giao thông giữa đêm, những tấm lòng giữa đại dịch Covid-19, người giữ hồn nghề, hay đơn giản là một chàng trai cưu mang hàng chục chú mèo thương tật…
Các chiến sỹ hải quân đọc báo Pháp luật & Xã hội |
Chuyến đi cuối năm đến Lai Châu là lần đầu tiên tôi được tham gia trong một chuyến công tác của Hội Nhà Báo TP Hà Nội. Mặc dù tác nghiệp trong TP cũng có nhiều cơ hội gặp gỡ đồng nghiệp nhưng cùng đồng hành trong những chuyến đi, cùng chia sẻ kinh nghiệm làm báo lại là một trải nghiệm khác. Chuyến đi không thực sự hoàn hảo khi phần lớn những mục tiêu đặt ra cho tuyến bài đều không đến nơi, nhưng chính lúc này tôi mới được học hỏi gần hơn cách những nhà báo xoay chuyển tình thế, tùy cơ ứng biến với đề tài và hiện trạng tại địa phương. Đề tài chung được đặt ra lúc đó là “Phát triển nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc”, trong tình thế tư liệu hình ảnh tại cơ sở không đủ, cách tốt nhất để làm tuyến bài phản ánh là hãy thể hiện được 3 khía cạnh: Thực trạng, nguyên nhân, giải pháp. Đó cũng là cách đơn giản mà đầy đủ nhất, hợp lý nhất đối với dạng bài phản ánh, đó cũng là bài học mà chẳng có trường lớp nào dạy, chỉ có thể học được từ những chuyến đi như thế.
Tôi thầm cảm ơn quãng thời gian gần 2 năm vừa qua khi được bước vào Chi hội, tôi được sống với nghề, thêm yêu nghề và trưởng thành hơn qua những chuyến đi.
Những tác phẩm đạt giải báo chí năm 2020 của Báo Pháp luật & Xã hội
Những thiên thần áo xanh cấp cứu người tai nạn giao thông ở Hà Nội, tác giả Khánh Huy, đạt giải Giải C, Giải báo chí viết về Gương NTVT của TP Hà Nội năm 2020;
Biên cương mùa nước nổi, tác giả Tuyết Mai, đạt giải Giải C, Giải báo chí viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng;
Chuyện những người tình nguyện dấn thân vào vùng nguy hiểm, tác giả Thịnh An, đạt giải Khuyến khích, Giải báo chí Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ hai năm 2019;
Đổi mới sau sáp nhập xã, phường - tác giả Văn Biên, đạt giải Khuyến khích, Giải báo chí về Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Hà Nội 2020;
“Hà Nội với nhiều biện pháp linh hoạt trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”, tác giả Khắc Hạnh, đạt giải Khuyến khích, giải Báo chí Ngô Tất Tố TP Hà Nội năm 2020;
“Hiểm họa từ những dịch vụ… “cấp phép giết người”, tác giả Phương Tâm, Việt Khuê, đạt giải Khuyến khích, giải Báo chí Ngô Tất Tố TP Hà Nội năm 2020;
Động lực mới cho thúc đẩy du lịch ở Lai Châu - Thành tựu đầu tư nông nghiệp nông thôn mới, tác giả Khánh Huy, đạt giải Khuyến khích Giải báo chí “Xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc”
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại