Thứ ba 15/04/2025 16:04

Giao thông xanh, góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc tích cực chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh, sạch thân thiện môi trường và tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng (GTCC) sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân và môi trường Thủ đô Hà Nội.
Giao thông xanh, góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô
Tuyến xe buýt điện E06 – Khu đô thị Smart City – Bến xa Nước Ngầm. Ảnh V.B

Ưu tiên sử dụng phương tiện GTCC

Đã 2 năm nay, chị Hoàng Thị Sinh (quận Hà Đông, Hà Nội) sử dụng tàu điện trên cao để di chuyển đến nơi làm việc. Chị Hoàng Thị Sinh chia sẻ, chị sử dụng tàu điện trên cao để đi làm một phần vì thuận tiện tuyến đường (nhà chị gần với ga La Khê, còn nơi làm việc thì đối diện với ga Hoàng Cầu) và phần còn lại để góp phần bảo vệ môi trường (BVMT).

“Tôi đánh giá cao tính thân thiện của tàu điện trên cao, bởi lẽ nó đã hạn chế lượng lớn khí thải từ nhiên liệu xăng, dầu ra môi trường. Hàng ngày trải nghiệm đi tàu điện tôi đều rất hài lòng, không chỉ vì phương tiện thân thiện với môi trường mà còn vì sự phục vụ chu đáo của nhân viên tại các ga” - chị Hoàng Thị Sinh cho biết.

Anh Vũ Huy Phương (phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho rằng, việc đi xe buýt khá tiện lợi và nhanh chóng. Hơn 1 năm nay, kể từ khi công ty anh chuyển về gần bến xe Nước Ngầm, anh Phương đã chọn xe buýt điện làm phương tiện đi làm, bởi lẽ xe buýt điện vừa sạch vừa thoải mái, nhân viên làm dịch vụ trên xe rất thân thiện và mến khách.

Trong vài tháng trở lại đây, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức xấu, đạt ngưỡng nồng độ PM2.5 trong không khí gấp 10 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO (theo IQAir).

Theo các chuyên gia môi trường, khí xả thải từ các phương tiện ô tô, xe máy chiếm phần lớn nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Tổng phát thải trực tiếp và gián tiếp của mỗi chiếc xe máy dùng xăng thường gấp đôi so với xe điện sạc ắc quy, trong khí xả thải sử dụng động cơ đốt trong có các thành phần chính như: carbon monoxit, oxit nito, lưu huỳnh dioxit, hơi xăng dầu, bụi PM 10, bụi đường và nhiều loại chất khác.

Với lượng tiêu thụ xe máy ngày càng nhiều, ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động trong thời gian dài có thể gây ngột ngạt và các bệnh về đường hô hấp. Đứng trước những nguy cơ đó, nhiều người dân Thủ đô như chị Sinh, anh Phương đã chọn sử dụng những phương tiện giao thông xanh, thân thiện với môi trường để di chuyển đã góp phần nâng cao sức khỏe, BVMT sống của Thủ đô.

Giao thông xanh, góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô
Xe buýt điện tuyến E03 hoạt động trên đường phố Hà Nội, Ảnh Phạm Hùng

Tích cực chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh

Trong những năm qua, công tác BVMT Thủ đô luôn là vấn đề trọng tâm, được Trung ương và lãnh đạo TP Hà Nội đặc biệt quan tâm chỉ đạo hàng đầu. Điều này được thể hiện trong nhiều văn kiện quan trọng của Trung ương, TP Hà Nội và được tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt trong thời gian qua.

Hiện nay, công tác BVMT trong tình hình mới, nhất là trong lĩnh vực giao thông đô thị tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, nặng nề, cấp bách cần nhiều giải pháp đột phá, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết số 47/2024/NQ-HĐND ngày 12/12/2024 của HĐND TP Hà Nội quy định thực hiện Vùng phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô, để triển khai một số nhiệm vụ cấp bách ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị, Ban An toàn giao thông TP Hà Nội đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, hướng dẫn phối hợp với cơ quan liên quan vận động Nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ tích cực chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh, sạch và tham gia GTCC.

Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, nhất là phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, góp phần BVMT Thủ đô trong lĩnh vực giao thông đô thị.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tăng cường công tác giáo dục học sinh các cấp về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc BVMT. Đưa nội dung giáo dục giao thông xanh trong công tác giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhà trường.

UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ… xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng Nhân dân trong việc tích cực chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh, sạch thân thiện môi trường và tích cực sử dụng phương tiện GTCC.

Đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng khu vực, từng địa bàn, lứa tuổi. Ưu tiên dành thời lượng hàng ngày, xây dựng chuyên mục hàng tuần trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để tuyên truyền các cơ chế, chính sách pháp luật, công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng, các mô hình, kinh nghiệm giải quyết ô nhiễm môi trường trên thế giới và trong nước nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, sự đồng thuận và thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân về công tác BVMT , đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đô thị.

Thủ đô Hà Nội đã chọn 2 quận trung tâm, là: Ba Đình và Hoàn Kiếm để thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) từ năm 2025 và năm 2031 trở đi TP Hà Nội sẽ áp dụng phát thải thấp ở hầu hết các quận. Phải khẳng định chuyển đổi xanh đã và đang trở thành xu thế bắt buộc của thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài. Là trung tâm chính trị - kinh tế của cả nước, Thủ đô Hà Nội phải đóng vai trò đi đầu trong lĩnh vực này, trước mắt là thí điểm thành công LEZ tại quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình.
Triển khai các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn
Phát triển giao thông theo hướng xanh – chuyển đổi số
Hà Nội: khai trương 4 tuyến xe buýt điện
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động