Thứ sáu 24/01/2025 07:28
Vụ lật ca nô trên biển Cửa Đại khiến 17 người tử nạn:

Vì sao thuyền trưởng tự ý tháo thiết bị trên ca nô sau tai nạn?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
CQĐT cần làm rõ động cơ, mục đích của thuyền trưởng quay lại tháo thiết bị quan trọng trên ca nô sau khi lật chìm khiến 17 người chết.
Hình ảnh mũi ca nô chở 39 người gặp nạn bị vỡ mảng lớn sau vụ tai nạn
Hình ảnh mũi ca nô chở 39 người gặp nạn bị vỡ mảng lớn sau vụ tai nạn

Liên quan vụ lật ca nô trên biển Cửa Đại khiến 17 người tử nạn, ngày 3-3, Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam cho biết, CQĐT thu hồi thiết bị vô tuyến mà ông Lê Sen tự ý lấy ra khỏi ca nô. Ông Sen là người điều khiển ca nô chở du khách bị chìm ở biển Cửa Đại, TP Hội An, khiến 17 người chết xảy ra vào chiều ngày 26-2.

“Khi chúng tôi khám nghiệm phương tiện để điều tra thì đã thu giữ hết các thiết bị rồi. Lý do ông Sen tháo ra là sợ nước biển làm hỏng. Hiện tại CQĐT tiếp tục khám nghiệm hiện trường để xem chất liệu tại mũi tàu bị hỏng có đảm bảo chất lượng hay không. Người lái tàu hiện nay đang nằm trong vụ việc xác minh nên lực lượng CA đã thực hiện biện pháp cấm di chuyển khỏi nơi cư trú. Vụ việc đang trong quá trình thu tập thông tin, điều tra nên chưa thể kết luật cụ thể nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn này được”, Đại tá Nguyễn Hà Lai thông tin.

Trước đó, Cục Đường thủy nội địa cho biết, theo chứng nhận đăng kiểm, tàu cao tốc bị nạn QNa 1152 được trang bị thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS AIS (giám sát tọa độ, tốc độ di chuyển). Tuy nhiên, ca nô gặp nạn không bật thiết bị giám sát hành trình AIS nên Trạm thu phát tín hiệu AIS trên bờ không bắt được tín hiệu.

Ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa cho biết, đây là các thiết bị "rất quan trọng" trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cũng như xác định vị trí, tốc độ của phương tiện khi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, thuyền trưởng đã quay lại ca nô bị nạn lấy thiết bị vô tuyến điện khỏi phương tiện. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã đề nghị Sở GTVT Quảng Nam liên hệ với CQCA của địa phương để xử lý việc trên. "Cục Đường thủy nội địa cũng đã báo cáo Bộ GTVT về việc cho thu hồi thiết bị. Về nguyên tắc khi xảy ra tai nạn thiết bị vô tuyến phải được CQĐT thu hồi để làm rõ", ông Đạo nói.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đinh Thị Nguyễn, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, để có căn cứ xác định nguyên nhân vụ tai nạn giao thông đường thủy lật ca nô khiến 17 người chết, phải đợi kết quả điều tra từ phía CQĐT. Tuy nhiên, cần thiết phải trưng cầu giám định thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS trên ca nô để làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Với hệ thống nhận dạng AIS, người dùng có thể theo dõi, quan sát hành trình tàu ra/vào cảng. Đồng thời có thể kiểm tra vị trí, tốc độ, hướng di chuyển,… của bất kỳ tàu nào xuất hiện trên bản đồ, nhờ đó mà có thể kịp thời điều hành, quyết định chính xác tàu ra/vào cảng, hạn chế tối đa các va chạm trên biển.

Do đó, luật sư Nguyên cho rằng, thông tin AIS thu được là rất quan trọng cho điều tra tai nạn vì nó cung cấp dữ liệu chính xác về thời gian, nhận dạng, vị trí theo bản đồ GPS, định hướng la bàn, khoảng cách với đáy biển, tốc độ (log/SOG), và tần suất đổi hướng.

Theo luật sư Nguyên, CQĐT cũng cần làm rõ động cơ, mục đích của thuyền trưởng khi người này quay lại tháo thiết bị giám sát hành trình AIS. Bởi lẽ, thiết bị hành trình sẽ làm rõ được lái tàu có tuân thủ đúng tốc độ di chuyển cho phép, có đi đúng luồng quy định hay không.

Trong trường hợp có căn cứ xác định, lái tàu không tuân thủ đúng các quy tắc giao thông đường thủy sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, Khoản 3 Điều 272 BLHS với khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm.

CQĐT cũng cần xem xét đến việc cho phép ca nô hoạt động trong điều kiện thời tiết như vậy có đúng quy định hay không. Nếu có vi phạm tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 BLHS.

Ông Sen là thuyền trưởng lái ca nô gặp nạn ở biển Cửa Đại
Ông Sen là thuyền trưởng lái ca nô gặp nạn ở biển Cửa Đại
Trước đó, lúc 13g45 ngày 26-2, ca nô QNa 1152 của Cty TNHH MTV Phương Đông, do ông Lê Sen (52 tuổi) làm thuyền trưởng chở 39 người (36 hành khách và 3 lái ca nô) xuất bến thủy nội địa Cù Lao Chàm về Cửa Đại. Đến khu vực cách bờ khoảng 1,5 hải lý về hướng đông, ca nô bị lật. Lực lượng chức năng và người dân cứu được 22 người, 17 người chết.
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động