Viết tiếp hành trình tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Anh Lê Văn Phúc được Thành đoàn Hà Nội trao tặng danh hiệu “Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu” trong lĩnh vực tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Ảnh: Tuyết Linh |
Tiên phong ý tưởng phục dựng ảnh liệt sĩ
Những ngày tháng 4 lịch sử, anh Lê Văn Phúc (SN 1989, trú tại Hà Nội) với vai trò Trưởng nhóm tình nguyện viên dự án “Màu hoa đỏ” và Phó nhóm những bạn trẻ phục dựng ảnh Skyline vẫn miệt mài công việc hỗ trợ phục dựng ảnh liệt sĩ. Đây là công việc được anh Lê Văn Phúc thực hiện suốt 5 năm qua, đến nay đã phục dựng hàng nghìn bức ảnh liệt sĩ để trao tặng từng thân nhân, gia đình liệt sĩ ở quê nhà. Đằng sau mỗi bức ảnh là tâm huyết, tri ân đến những thế hệ người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Theo anh Lê Văn Phúc, cơ duyên anh gắn bó với công việc phục dựng ảnh xuất phát từ gia đình có bác là liệt sĩ nhưng không có bức ảnh nào để thờ. Thấu hiểu nỗi đau của các thân nhân, gia đình liệt sĩ, anh Lê Văn Phúc đã sẵn sàng dành thời gian thường nhật để phục dựng các bức ảnh liệt sĩ. Với tâm nguyện phục dựng ảnh sao cho chân thực nhất, như món quà tri ân trao tặng các thân nhân, gia đình liệt sĩ.
Hành trình của Lê Văn Phúc được chắp cánh từ đợt phát động của Thành đoàn Hà Nội trong dự án “Phục dựng ảnh liệt sĩ trao tặng các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024” dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đến nay, nhóm “Màu hoa đỏ” đã phục dựng và trao gần 200 di sản liệt sĩ trên địa bàn TP Hà Nội. Công việc ý nghĩa đã thu hút hàng trăm bạn đoàn viên, thanh niên am hiểu công nghệ số, đồng hành phục vụ dự án.
Anh Lê Văn Phúc cho biết: “Khi những thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh để giành lại độc lập cho dân tộc, bản thân tôi là một người trẻ, được sống trong thời bình, tôi luôn cảm thấy được thôi thúc để làm một việc gì đó thật ý nghĩa, báo đáp công ơn của các thế hệ đi trước. Gia đình tôi cũng có bác ruột là liệt sĩ, bác hy sinh năm 1971. Đến nay, phần hài cốt của bác vẫn chưa được tìm thấy và ngay cả một bức ảnh để tưởng nhớ bác cũng không còn. Vậy nên, tôi rất đồng cảm với những gia đình có người con nằm lại ở chiến trường”.
Hành trình phục dựng hàng nghìn bức ảnh mờ nhạt, ố vàng ban đầu thành các bức ảnh chân dung chân thực là công việc tốn nhiều công sức. Trong đó, không ít liệt sĩ gia đình không còn lưu giữ bức ảnh, hoặc những tấm ảnh đã bị hư hỏng nặng, nhóm dự án phải trao đổi kỹ lưỡng với gia đình để thu thập thông tin về ngũ quan, thần thái, hoặc để tìm kiếm nét tương đồng giữa gương mặt của liệt sĩ với những người thân trong gia đình, có nét nào giống để phác họa lại.
![]() |
Anh Lê Văn Phúc phục dựng ảnh liệt sĩ bằng công nghệ số. Ảnh: NVCC |
Nghĩa cử đẹp chạm đến trái tim mỗi người
Đối với Lê Văn Phúc, đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện cảm động. Trong đó, kỷ niệm về dự án phục dựng ảnh 64 liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma và trao tận tay cho các gia đình những bức ảnh liệt sĩ được phục dựng đã nhận những cảm xúc đặc biệt.
Anh Lê Văn Phúc kể lại: “Nhóm dự án đã đến với gia đình liệt sĩ Trần Văn Phòng (quê Thái Bình). Khi nghe tin nhóm mang ảnh con đến, mẹ của liệt sĩ đã đợi từ lâu. Bà xúc động nói: “Họ đã mang con trai về bên mẹ, trẻ trung, đẹp đẽ như ngày con tạm biệt mẹ lên đường làm nhiệm vụ”. Hay hình ảnh của cô Mai Thị Đào - em gái liệt sĩ Mai Văn Tuyến (quê Thái Bình) ôm di ảnh anh trai và bật khóc. Tất cả những người anh, em trong gia đình đều rưng rưng nước mắt. Chứng kiến những khoảnh khắc đó đã ghi sâu vào trí nhớ, khiến tôi không thể nào quên”.
Với sự phát triển của công nghệ đã mang đến những thay đổi đáng kể trong lĩnh vực phục dựng ảnh so với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, anh Lê Văn Phúc khẳng định, dù công nghệ số AI có hiện đại thì nếu không có sự hiện diện của con người, những bức ảnh sẽ không tạo cảm xúc và chạm đến trái tim của mỗi con người.
Hành trình 5 năm qua, anh Lê Văn Phúc và nhóm cộng sự đã phục dựng hơn 7.000 ảnh liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trong đó, phục dựng 200 di ảnh liệt sĩ trên địa bàn TP Hà Nội, 220 di ảnh liệt sĩ tại Hải Dương, 70 tấm ảnh tỉnh Phú Yên, 30 chân dung Anh hùng LLVT Nhân dân tỉnh Điện Biên. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai tổ chức chương trình “Nét ảnh vượt bão” trao 32 tấm ảnh gia đình và kêu gọi ủng hộ 100 triệu đồng cho các gia đình bị thiệt hại bởi cơn bão Yagi tại thôn làng Nủ…
Với dự án ý nghĩa cho cộng đồng, anh Lê Văn Phúc được vinh danh “Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu” năm 2024 do Thành đoàn Hà Nội trao tặng.
![]() | Nữ cán bộ cơ sở tận tâm, trách nhiệm |
![]() | Sản phụ được Cảnh sát giao thông giúp đỡ đến bệnh viện kịp thời đã “mẹ tròn con vuông” |
![]() | Cảnh sát giao thông Hà Nội trao trả ví tiền, điện thoại cho người dân |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại