Thứ năm 23/01/2025 06:15
Luật Thủ đô 2024

Xây dựng, giám sát thực hiện cơ chế điều phối hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TS. Bùi Việt Hương cho rằng, việc nhận diện những thách thức mà quá trình thực thi Luật Thủ đô có thể gặp phải sẽ góp phần vào việc chuẩn bị các giải pháp phù hợp, chuẩn bị tốt hơn cho việc thực thi Luật, tăng cường khả năng điều chỉnh linh hoạt của Luật.
Hình ảnh khu vực phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: N.M
Hình ảnh khu vực phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: N.M

Một số thách thức bảo đảm tính hiệu quả của Luật Thủ đô

Tham luận trong hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 14/11, TS. Bùi Việt Hương, Phó Viện trưởng Viện quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận về những thách thức trong việc bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả của Luật Thủ đô.

TS. Bùi Việt Hương cho biết thêm, trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô 2024 sẽ gặp một số thách thức như khả năng thích ứng của Luật Thủ đô 2024 với sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn. Bởi lẽ, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng về dân số, Hà Nội đang trải qua những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế, hạ tầng đô thị, đời sống xã hội. Tốc độ tăng dân số và dòng di cư từ các địa phương khác vào Hà Nội làm tăng gánh nặng lên các dịch vụ công và hạ tầng đô thị trong suốt nhiều năm qua.

Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương đông dân thứ hai cả nước nhưng dân số phân bổ không đồng đều, tập trung vào phần lõi của đô thị. Trong nhiều năm, hệ thống giao thông, điện nước, y tế, giáo dục và môi trường vẫn phải đối mặt với nguy cơ không theo kịp tốc độ phát triển và quy mô dân số ngày càng tăng.

Luật Thủ đô 2024 đã tập trung tháo gỡ những hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải trong suốt thời gian vừa qua về vấn đề huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội,... Do đó, để thực hiện Luật Thủ đô đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với quy trình quản lý, giám sát khoa học, hiệu quả. Do vậy, trong quá trình thực thi Luật Thủ đô, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đều rất rõ ràng nhưng mỗi cơ quan quản lý có thẩm quyền riếng đối với các lĩnh vực khác nhau. Nhiều lĩnh vực cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên khác nhau nhưng kinh nghiệm cho thấy vẫn có khả năng tồn tại việc thiếu sự phối hợp trong quá trình xử lý các vấn đề phức tạp về đô thị hóa, quy hoạch và bảo vệ môi trường,...

Giải pháp phù hợp cho việc thực thi Luật Thủ đô

TS. Bùi Việt Hương cho rằng, giải quyết những thách thức trên cần có sự nỗ lực đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và địa phương. Theo đó, thúc đẩy phát triển kinh tế phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.

Đồng thời, cần nâng cao năng lực và quyền lực cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là các cơ quan thực thi tại địa phương. Điều này bao gồm việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý chuyên môn, trang bị công nghệ hiện đại và cung cấp đủ nguồn lực tài chính để thực hiện công việc. Cần xây dựng và giám sát việc thực hiện cơ chế điều phối hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện luật, cải tiến cơ chế giám sát bao gồm việc sử dụng công nghệ và tăng cường sự giám sát của cộng đồng. Có thể xem xét đến việc thành lập các ban chỉ đạo liên ngành hoặc các cơ chế phối hợp đặc thù cho các dự án lớn về phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và quy hoạch có thể giúp tăng cường sự phối hợp.

Để bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả của Luật Thủ đô cần tăng cường sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội. Việc người dân và các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình phản biện, giám sát cũng sẽ giúp bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong thực thi pháp luật. Chính quyền cần tổ chức các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng, nhằm giúp người dân hiểu rõ các quy định của luật, tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật trong bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản, phát triển đô thị.

"Việc nhận diện những thách thức mà quá trình thực thi Luật Thủ đô có thể gặp phải sẽ góp phần vào việc chuẩn bị các giải pháp phù hợp, chuẩn bị tốt hơn cho việc thực thi Luật, tăng cường khả năng điều chỉnh linh hoạt của Luật. Từ đó, nâng cao tính sáng tạo và đổi mới trong chính sách, bảo đảm rằng Luật Thủ đô có thể phát huy tối đa vai trò và giá trị của nó trong quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội" -TS. Bùi Việt Hương chia sẻ.

Khai mạc Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội
Bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động