Thứ năm 23/01/2025 12:09

Xây dựng thương hiệu Việt cần gắn liền với phát triển xanh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các chuyên gia cho rằng, cần tìm giải pháp để phát triển thương hiệu Việt trong bối cảnh thương mại xanh. Để DN Việt ngày càng “xanh” hơn, rất cần sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành; cần sự tiếp tục xây dựng và cập nhật khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn…
Ảnh 1: May 10 là doanh nghiệp đi đầu trong việc xanh hóa sản xuất để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu  Ảnh: Khắc Kiên
May 10 là doanh nghiệp đi đầu trong việc xanh hóa sản xuất để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Khắc Kiên

Thương hiệu của DN Việt Nam còn thiếu

Phát biểu tại Hội thảo Thương hiệu-Nội lực “mềm” cho DN Việt được tổ chức vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Nguyễn Anh Đức, dẫn số liệu của Bộ Công Thương cho biết, ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay có quy mô thị trường bán 142 tỷ đô-la và dự báo có thể tăng 350 tỷ đô-la vào năm 2025. Hiện nay, ở thị trường trong nước, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, hàng Việt đang được đầu tư phát triển về chiều sâu, lan tỏa và có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Trong nước, thương mại hiện đại và thương mại điện tử đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hàng Việt phát triển theo đúng xu thế trên thế giới. Những đầu tư về logistics, cơ sở hạ tầng giao thông cũng đóng góp quan trọng đối với năng lực cung ứng của hàng Việt, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đối với thị trường thế giới, hàng Việt cũng vượt khó và từng bước chinh phục thị trường thế giới bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh. Hàng Việt cũng đang dần theo hướng “xanh” rất mạnh mẽ. Hàng Việt cũng đã tận dụng được những cơ hội mới, như các hiệp định thương mại tự do.

Theo Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Phạm Văn Trường, Việt Nam đã vươn lên top 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Với sự phát triển nội tại của từng DN, cùng với lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều năm, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng tích cực thì từ nhiều năm nay, hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản đang phải “vay thương hiệu” để xuất khẩu. Thống kê từ Bộ Công Thương chỉ rõ, có đến 70 - 80% là xuất thô, giá trị gia tăng thấp.

Điển hình, như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình.

Sản phẩm Việt tại siêu thị MM Mega Market ngày càng đa dạng và chiếm ưu thế về chất lượng, giá cả. Ảnh: Phúc Nguyễn
Sản phẩm Việt tại siêu thị MM Mega Market ngày càng đa dạng và chiếm ưu thế về chất lượng, giá cả. Ảnh: Phúc Nguyễn

Cần có quy hoạch tổng thể

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn cho rằng, để DN Việt ngày càng “xanh” hơn, rất cần sự chung tay vào cuộc của các bộ ngành; cần sự tiếp tục xây dựng và cập nhật khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn; cần mô hình thí điểm, vai trò dẫn dắt của DN đầu ngành; lồng ghép các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào các chương trình mục tiêu Quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành, địa phương.

Ở góc độ DN, Giám đốc Tiếp thị phát triển thị trường Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn, Vương Ngọc Dũng chỉ ra rằng, bằng cách hướng tới nền kinh tế xanh, DN không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường, mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Việc tuân thủ tiêu chuẩn xanh giúp DN Việt tiếp cận được các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản… là những thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhằm nâng cao năng lực cung ứng và vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước và trên thế giới, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Nguyễn Anh Đức đề xuất: “Cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương, sản phẩm OCOP cũng cần được quy hoạch rõ ràng. Bên cạnh đó, định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu Quốc gia, thậm chí toàn cầu. Đồng thời, phải có sự thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành cung ứng hậu cần, thương mại điện tử và số hóa, hiện đại hóa, tập trung vào sản xuất, lưu thông, phân phối hàng Việt”.

Theo Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Đồng Nai, Trần Nhật Thoại, giải pháp bảo vệ thương hiệu Việt là nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về thương hiệu sản phẩm, không mua hàng giả, hàng nhái; nâng cao sự hiểu biết cho DN; khuyến khích DN không ngừng đổi mới. DN nên đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm mình sản xuất; cần tạo lập liên kết với các hệ thống phân phối uy tín lớn để quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Thị trường smartphone Việt Nam: Cánh cửa nào cho thương hiệu Việt? Thị trường smartphone Việt Nam: Cánh cửa nào cho thương hiệu Việt?

Dù không còn tăng trưởng mạnh như 5 năm trước nhưng thị trường smartphone tại Việt Nam vẫn còn hấp dẫn. Cơ hội mở ra ...

Bảo vệ “thương hiệu Việt Nam an toàn” giữa thời điểm COVID-19 lan rộng Bảo vệ “thương hiệu Việt Nam an toàn” giữa thời điểm COVID-19 lan rộng

Thủ tướng cho rằng nếu cần thiết vẫn phải tiếp tục hy sinh một số quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ ...

Phúc Nguyễn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động