Bài 1: Nhiều giải pháp để đạt mục tiêu 15 bác sỹ/vạn dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 15 bác sỹ/vạn dân. Tuy nhiên, theo đánh giá đến thời điểm này, chỉ tiêu trên được xếp vào diện “khó đạt” |
Thời gian qua việc triển khai thực hiện Chương trình số 08-Ctr/TU đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 6.227.000 đồng/người/tháng (bằng 103,7% so với năm 2021). Thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đến nay đã có 14/27 chỉ tiêu đã được hoàn thành sớm trước 2 năm theo kế hoạch cả nhiệm kỳ, trong đó có nhiều chỉ tiêu rất quan trọng như: Tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp. Có 9 chỉ tiêu đang triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ.
Nhưng, hiện vẫn còn 3 chỉ tiêu khó cần tập trung chỉ đạo thực hiện gồm: Chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân; chỉ tiêu số bác sỹ/vạn dân; chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường” (được điều chỉnh thành Chương trình sức khỏe học đường).
TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, đạt 15 bác sỹ/vạn dân. Tuy nhiên, theo đánh giá đến thời điểm này, chỉ tiêu trên được xếp vào diện “khó đạt”. Ngành y tế Thủ đô đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ.
Mỗi năm cần tăng thêm khoảng 75 bác sỹ
Hiện Hà Nội đạt 13,7 bác sỹ/vạn dân. Để đạt mục tiêu còn thiếu 367 bác sỹ, chia bình quân 5 năm, mỗi năm cần tăng thêm khoảng 75 bác sỹ.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, về chỉ tiêu số bác sỹ/vạn dân, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 353/KH-UBND về phát triển nguồn nhân lực ngành y tế Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, TP sẽ duy trì chỉ tiêu 26,4 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y/10.000 dân và 8,4 dược sỹ đại học/10.000 dân; 100% trạm y tế có bác sỹ làm việc, trong đó, 95% trạm y tế có bác sỹ cơ hữu tại trạm; phấn đấu 41% viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập có trình độ đại học và sau đại học; 100% cán bộ trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước theo quy định.
Kế hoạch cũng xác định 4 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch phát triển giường bệnh cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; bảo đảm đến năm 2025, dự kiến tăng thêm tối thiểu 4.704 giường bệnh. Khi tuyển dụng đủ nhân lực theo quy định với số giường bệnh trên, sẽ có thêm 5.610 người, trong đó có 1.555 bác sỹ; 2.595 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; 338 dược sỹ và 1.122 cán bộ khác.
Cùng với đó, Hà Nội cũng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức, tuyển dụng lao động hợp đồng hàng năm, bảo đảm bố trí đủ số lượng và cơ cấu nhân lực cho các cơ sở y tế hiện có trên địa bàn thành phố. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng khối ngành sức khỏe thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đăng ký dự tuyển vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế sau khi tốt nghiệp; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ được cử đi học đại học, sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và các chuyên khoa lao, tâm thần, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh, pháp y.
Tăng cường công tác quản lý và hướng dẫn các cơ sở hành nghề y dược tư nhân nâng cao chất lượng hoạt động, phối hợp với hệ thống y tế công lập thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Bên cạnh đó, động viên các cán bộ y tế mới nghỉ hưu còn đủ sức khỏe tiếp tục đăng ký hành nghề tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập…
Cùng định hướng thực hiện những mục tiêu đã đề ra, ngày 10/2/2023, Sở Y tế Hà Nội ban hành Kế hoạch số 485/KH-SYT về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 1/2/2023 của UBND TP trong lĩnh vực y tế.
Tại kế hoạch, ngành y tế xác định tập trung thực hiện 4 chỉ tiêu được thành phố giao và 2 chỉ tiêu phấn đấu của ngành.
Cụ thể, các chỉ tiêu thành phố giao gồm giảm 0,1% tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước; giảm 0,1% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân so với năm trước; duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; duy trì chỉ tiêu tỷ lệ chất thải y tế nguy hại 100% được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. 2 chỉ tiêu ngành phấn đấu thực hiện là tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 27,5 giường bệnh/vạn dân (gồm 20% số giường bệnh của bộ, ngành trên địa bàn thành phố); tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 14,3 bác sỹ/vạn dân.
Y tế công phải giải được bài toán “chảy máu” nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo nhận định của UBND TP Hà Nội, dù có hiện tượng nhân viên y tế công lập thôi, nghỉ việc nhưng số lượng nhân lực làm chuyên môn y tế tại các đơn vị có xu hướng tăng nhẹ, cơ cấu nhân lực khá ổn định.
Theo UBND TP Hà Nội, chế độ đãi ngộ đối với ngành y còn hạn chế nên tuyến y tế cơ sở vẫn thiếu bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ có kinh nghiệm, chuyên khoa sâu. Nhân lực của một số chuyên ngành như Lao, Tâm thần, Truyền nhiễm, Giải phẫu bệnh, Pháp y chưa đủ... |
Nhân lực y tế khối công lập và tư nhân ở Hà Nội gần tương đương nhau, khoảng 26.500 và 24.800, với hơn 5.000 bác sỹ cho mỗi khối, số liệu tính tới hết năm 2021.
Tại Hà Nội, tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học ở khối tư nhân cao hơn so với khối công lập. Cụ thể, hơn một nửa cán bộ tại cơ sở y tế tư nhân có trình độ đại học và sau đại học, trong khi tỷ lệ này ở khối công lập là hơn 40%. Tỷ lệ này ở tuyến y tế cơ sở càng thấp hơn.
Một trong 4 nhóm giải pháp chủ yếu được đặt ra là Thủ đô sẽ tuyển dụng nguồn nhân lực thay thế nguồn nhân lực có biến động tại các cơ sở y tế công lập (nghỉ hưu, chuyển việc, thôi việc...); động viên cán bộ y tế mới nghỉ hưu còn đủ sức khỏe tiếp tục đăng ký hành nghề tại các cơ sở trong và ngoài công lập. Theo kế hoạch, nguồn kinh phí để tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2022-2025 là gần 500 tỷ đồng.
Hiện, hơn 88% trạm y tế xã/phường ở Hà Nội có bác sỹ cơ hữu (biên chế tại trạm). 66 trạm y tế còn lại phải đưa bác sỹ từ trung tâm y tế tuyến quận/huyện luân phiên về. Hà Nội phấn đấu tới năm 2025 sẽ nâng lên 95%.
Theo UBND TP Hà Nội, chế độ đãi ngộ đối với ngành y còn hạn chế nên tuyến y tế cơ sở vẫn thiếu bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ có kinh nghiệm, chuyên khoa sâu. Nhân lực của một số chuyên ngành như Lao, Tâm thần, Truyền nhiễm, Giải phẫu bệnh, Pháp y chưa đủ.
Hơn thế, việc đào tạo y tế cần thời gian dài, khối lượng kiến thức lớn, trong khi học phí cao, không phù hợp với thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, nguồn thu của các đơn vị tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, ảnh hưởng tới việc cử cán bộ đi đào tạo dài hạn.
Các cơ sở y tế công lập phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao với các cơ sở y tế ngoài công lập, các cơ sở y tế Trung ương, bộ, ngành, theo UBND TP. Nếu không có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch phù hợp, các đơn vị sẽ khó thu hút, giữ chân người lao động có chuyên môn cao.
Bên cạnh đó, một số cán bộ y tế được cử đi đào tạo, sau khi hoàn thành khóa học có nguyện vọng chuyển công tác tới các bệnh viện tuyến cao hơn gây khó khăn cho một số bệnh viện, bởi thực hiện tự chủ tài chính các bệnh viện rất cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút người bệnh.
Nghị quyết 30 giải tỏa lo lắng cho người bệnh và các bệnh viện công lập | |
Giải pháp để các trạm y tế cấp xã, phường phát huy hiệu quả hoạt động |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại