Bài cuối: Sáng tác mỹ thuật thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Họa sĩ Hội Trần giới thiệu về tác phẩm ''Duyên'' của mình. Ảnh: An Nhiên |
Tôn vinh những giá trị tốt đẹp
Trong không gian trầm mặc, cổ kính của ngôi đình Yên Thái (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), triển lãm nghệ thuật “Sắc Lụa” (diễn ra từ 4/4-4/7/2025) đã và đang thu hút rất nhiều người dân, du khách trong và ngoài nước. Đây là hoạt động đặc sắc nằm trong khuôn khổ Lễ hội kỷ niệm 981 năm ngày sinh của Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan và kỷ niệm 30 năm đình Yên Thái được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Triển lãm mang đến cho du khách 20 tác phẩm độc đáo được bày trí sáng tạo, nhằm tôn vinh giá trị của nghề dệt lụa do công đức truyền dạy của Nguyên phi Ỷ Lan cho dân làng Yên Thái xưa kia. Họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các sáng tác trên chất liệu lụa của các họa sĩ tên tuổi, các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật như một nguồn năng lượng mới mẻ đầy màu sắc, tô điểm cho vẻ đẹp trầm mặc sâu lắng của ngôi đình ẩn mình trong khu phố cổ. Các tác phẩm tuy đều có một điểm chung khi sử dụng chất liệu lụa, nhưng nội dung và hình thức biểu đạt rất đa dạng, từ tranh lụa hội hoạ truyền thống cho tới sắp đặt lụa, sắp đặt ánh sáng với lụa, kết hợp với những cách thực hành vẽ nhuộm với màu nước, mực nhuộm… tạo nên những tác phẩm đầy ngẫu hứng và độc đáo.
“Hy vọng triển lãm “Sắc Lụa” lần này sẽ như một mạch nguồn sáng tác với chất liệu lụa cho nhiều thế hệ hoạ sĩ tiếp theo, khơi gợi cảm hứng viết tiếp những đối thoại nghệ thuật với một di sản quý báu trong lòng phố cổ. Từ đó, góp phần nối dài bản đồ nghệ thuật hình thành trong khu phố cổ khi gắn kết với hệ thống các ngôi đình và các không gian văn hoá nghệ thuật đậm chất di sản trước đó”, họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh.
Để hoàn thành tác phẩm “Duyên” được trưng bày tại khu vực trung tâm của triển lãm, họa sĩ trẻ Hội Trần đã phải dày công nghiên cứu, tìm hiểu các yếu tố văn hóa, lịch sử liên quan đến đề tài. Theo nữ họa sĩ, tác phẩm “Duyên” khắc họa hình tượng Mẫu, chính là Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan.
“Phía trên cùng của tác phẩm là chiếc nón với các họa tiết văn hóa của thời Lý, tiêu biểu là họa tiết rồng mềm mại, cũng là nét văn hóa phật giáo nổi bật thời kỳ đó. Dưới lớp nón là những họa tiết trang trí biểu tượng của hoàng triều. Tiếp theo là kén tự nhiên được lắp đèn sáng bên trong. Phía dưới, bộ 5 tranh gồm tranh giữa là tranh vẽ Nguyên phi Ỷ Lan, 4 tranh bên cạnh là tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông để nói đến sự giao hòa của con người và tự nhiên. Phía dưới là 5 bức về con đường tơ lụa từ kén thành tơ, tơ sống, tơ chết rồi thành phẩm lụa. Tôi hy vọng rằng, tác phẩm sẽ lan tỏa những giá trị di sản nghề dệt lụa tơ tằm, nghệ thuật sáng tạo tranh lụa và niềm tin, sự tự hào về những giá trị mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam”, họa sĩ Hội Trần chia sẻ.
Dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, công chúng yêu mỹ thuật được dịp thưởng thức Triển lãm “Lớp Love Hà Nội” trưng bày các tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc đặc sắc của 17 họa sĩ trẻ, về vẻ đẹp và chiều sâu của Thủ đô Hà Nội. Họ sáng tác bằng góc nhìn riêng biệt, đầy tươi trẻ, cùng tình cảm chân thành dành cho Hà Nội. Đại diện nhóm tác giả cho biết: “Các tác phẩm của “Lớp Love Hà Nội” tạo cảm xúc thân thuộc cho người xem qua việc khắc họa những hình ảnh chân thực và đời thường, từ những ngôi nhà, những góc phố, những công trình đến con người Hà Nội.
Các tác phẩm đều mang một phong cảnh trẻ trung với chất liệu, màu sắc đa dạng, cách thức thể hiện chân thực. Đặc biệt, nhờ có sự gắn kết giữa giá trị văn hóa và nghệ thuật, cuộc đối thoại giữa người thưởng lãm và hoạ sĩ được truyền tải đa chiều. Chúng tôi mong muốn thể hiện một thành phố không chỉ có bề dày lịch sử mà còn là một đô thị năng động và giàu tiềm năng, đồng thời thúc đẩy ý thức bảo vệ và gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử trước những biến động không ngừng”.
Xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn các loại hình mỹ thuật
PGS.TS Phạm Hùng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp nhận định, thời gian qua, sáng tác mỹ thuật đã hòa nhập dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, phản ánh chân thực lịch sử, đất nước và công cuộc đổi mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, các loại hình mỹ thuật, như hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, nghiên cứu lý luận phê bình mỹ thuật phát triển khá đồng đều và đa dạng, nhiều sắc thái từ bút pháp đến phong cách, tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới và kế thừa thành tựu của các thế hệ đi trước. Nhiều nghệ sĩ trẻ không chỉ khẳng định được tài năng trong nước mà còn hướng đến thị trường thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, hội họa còn thiếu tác phẩm giá trị cao, phản ánh vấn đề lớn của lịch sử và xã hội một cách sâu sắc. Nhiều tác phẩm chưa thể hiện được tính tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, lý tưởng xã hội - thẩm mỹ, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp. Một số nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của đời sống xã hội,…Bên cạnh đó, mảng lý luận, phê bình còn yếu, chưa thực sự làm tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác,…
Trước những tồn tại đó, PGS.TS Phạm Hùng Cường cho rằng, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động mỹ thuật. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các loại hình mỹ thuật; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nghệ sĩ. Cùng với đó, xác định rõ phương hướng của hoạt động mỹ thuật là sáng tác các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội.
Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về mảng đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, phê bình mỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác mỹ thuật. Nâng cao trình độ chính trị, quan điểm sáng tạo nghệ thuật cho đội ngũ nghệ sĩ. Tăng cường giáo dục tư tưởng song hành cùng giáo dục và đào tạo hướng nghiệp trong các nhà trường và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đặc thù văn hóa, nghệ thuật. Đẩy mạnh hoạt động giao lưu và trao đổi mỹ thuật với các hội, các tổ chức mỹ thuật ở khu vực và các nước trên thế giới…

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại