Thứ năm 23/01/2025 06:08
Vận tải hành khách công cộng:

Bước chuyển đổi lớn về chất lượng dịch vụ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh tại Hà Nội đạt 100% tổng số phương tiện được chuyển đổi.
Bước chuyển đổi lớn về chất lượng dịch vụ
Xe bus điện E07 Long Biên – Bờ Hồ – khu đô thị Vinhomes Smart City. Ảnh: T.L

90% hành khách Thủ đô hài lòng với xe buýt điện

Tuyến xe buýt điện đầu tiên mang số hiệu E03 (khu đô thị Ocean Park-Mỹ Đình) được Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus đưa vào khai thác từ tháng 12/2021. Tuyến có lộ trình kết nối phía Đông và phía Tây TP Hà Nội, đi qua các phố trung tâm.

Đến nay, Vinbus đã vận hành tổng cộng 10 tuyến buýt điện trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc phát triển loại hình vận tải công cộng sử dụng năng lượng sạch.

Theo số liệu từ phòng Kế hoạch vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội), qua theo dõi, đánh giá, các tuyến xe buýt điện vận hành 3 năm qua cho thấy hiệu quả toàn diện. Vào những khung giờ cao điểm, hệ số sức chứa vượt 100%. Chất lượng dịch vụ của xe buýt điện hoàn thiện hơn so với xe buýt thông thường.

Nhiều đối tượng khách hàng khác nhau sử dụng xe buýt điện. Trong đó, 80%-85% hành khách đi lại bằng vé tháng thường xuyên của VinBus là công chức, viên chức, người làm văn phòng - nhóm mà trước đây ít khi di chuyển bằng xe buýt, thường chỉ với tỷ lệ 25%-30%.

Trưởng phòng Kế hoạch vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội) Phạm Đình Tiến cho biết, qua khảo sát, 90% hành khách Thủ đô hài lòng với xe buýt điện. Sau 3 năm, xe buýt điện của Hà Nội đã vận chuyển gần 100 triệu hành khách, giảm phát thải 41.000 tấn CO2, tương đương trồng hơn 1,9 triệu cây xanh.

Sẽ sử dụng 100% xe buýt điện, năng lượng xanh…

Theo "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP Hà Nội" đã được TP Hà Nội phê duyệt. Đề án nhằm đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp chuyển đổi, phát triển và đạt được tỷ lệ 100% phương tiện sử dụng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2035. Theo phương án chuyển đổi, trong đầu năm 2025, có 4 đơn vị vận tải (gồm Tổng công ty vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần Vận tải Newway, Công ty liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) sẽ đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện, với 76 xe (11 xe buýt nhỏ, 65 xe trung bình), để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.

Bước chuyển đổi lớn về chất lượng dịch vụ
Nhiều hành khách Thủ đô tỏ ra hài lòng với xe buýt điện. Ảnh: T.L

Đối với các tuyến buýt hết hạn thầu trong năm 2025, dự kiến TP sẽ chuyển đổi phương tiện động cơ diezel lớn hết khấu hao sang xe buýt điện lớn (tuyến buýt số 34 với tổng số dự kiến 27 xe). Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, bằng 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.

Từ năm 2026, dự kiến TP Hà Nội sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) trên từng tuyến.

Số lượng phương tiện chuyển đổi dựa trên các chỉ tiêu khai thác của tuyến và phạm vi hoạt động trong ngày của các chủng loại xe buýt điện hiện có trên thị trường. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2026-2030 là 1.813 xe.

Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện được chuyển đổi. Giai đoạn 2031-2035, tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi là 238 xe. Dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% tổng số phương tiện được chuyển đổi.

Để thực hiện đề án này, TP Hà Nội sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu bài học kinh nghiệm phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên thế giới và sử dụng các phương pháp thống kê, phân tích, khảo sát và kinh nghiệm chuyên gia để đề xuất các giải pháp.

Theo các chuyên gia giao thông, việc triển khai đề án còn là một bước chuyển đổi lớn về chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng để thu hút mạnh mẽ người dân sử dụng xe buýt góp phần thực hiện chỉ tiêu đã đặt ra (tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35% và năm 2035 đạt 50-55% và sau năm 2035 đạt 65-70%).

Nhằm góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, qua đó hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng dễ dàng hơn. Một số ý kiến cho rằng, để phát huy tất cả các thế mạnh của vận tải hành khách công cộng, Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông. Hệ thống đường sắt đô thị được hoàn thiện và kết nối với xe buýt, xe đạp công cộng sẽ thu hút nhiều người dân tham gia, giảm thiểu phương tiện cá nhân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Thủ đô.
Hà Nội: vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện trong năm 2025 Hà Nội: vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện trong năm 2025
Xe buýt điện Hà Nội vận chuyển gần 100 triệu lượt hành khách sau 3 năm Xe buýt điện Hà Nội vận chuyển gần 100 triệu lượt hành khách sau 3 năm
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động