Thứ năm 23/01/2025 06:24
Sửa chữa, bảo tồn di sản cầu Long Biên

Cần một phương án tổng thể, bền vững

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cầu Long Biên là một hình ảnh đẹp và độc đáo về văn hóa, lịch sử của người dân Hà Nội. Vì vậy việc bảo tồn cây cầu này đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Cần một phương án tổng thể, bền vững
Cầu Long Biên là biểu tượng lịch sử gắn liền với người dân Thủ đô.

Khảo sát nghiên cứu, trùng tu cầu Long Biên

Vững chãi vượt qua nhiều cuộc chiến bảo vệ Thủ đô, nhưng cầu Long Biên cũng không tránh được sự tác động của thời gian. Hạ tầng cầu xuống cấp không chỉ gây ảnh hưởng, hạn chế giao thông đi lại mà còn khiến diện mạo của cầu ngày càng già nua, cũ kỹ bởi nhiều hạng mục hư hỏng, cần thay thế.

Ông Vũ Quang Hưng, phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, Công ty Cổ phần đường sắt Hà Hải cho biết, qua lần kiểm định gần đây nhất, đối với cầu Long biên thì giá trị hoạt tải và một số điều kiện đảm bảo an toàn vẫn trong điều kiện cho phép. Nhưng để về lâu dài, vẫn cần có một dự án tổng thể để đảm bảo an toàn và đảm bảo cho cầu vì nó mang giá trị lịch sử.

“Hiện nay do cầu yếu, chỉ tàu hỏa, xe máy, xe đạp được qua cầu. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu chỉ 15 km/h. Vào đầu tháng 9/2024, khi nước sông Hồng dâng cao do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, cầu Long Biên đã cấm phương tiện qua cầu 3 ngày để đảm bảo an toàn. Tháng 10 và 11 là đợt cao điểm duy tu bảo dưỡng cầu. Công ty sẽ thay trên 400 thanh tà vẹt từ gỗ sang vật liệu comporit và duy tu dầm từ tháng 10 đến tháng 12” - ông Vũ Quang Hưng cho biết.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải đã trình UBND TP phê duyệt Văn kiện Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên với sự hỗ trợ, phối hợp của Đại sứ quán Pháp. Dự án đặc biệt nhấn mạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của cầu Long Biên.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Pháp tài trợ sẽ chia làm 3 hợp phần gồm: hợp phần 1: khảo sát chi tiết tổng thể công trình, thu thập dữ liệu để đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian ngắn hạn; hợp phần 2: kiểm định các kết cấu công trình để đề xuất phương án, giải pháp cải tạo phù hợp; hợp phần 3 là nghiên cứu các công năng sử dụng công trình trong tương lai khi hình thành mạng lưới đường sắt thay thế tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại.

Được biết, hiện hai bên mới đang nghiên cứu dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm đánh giá toàn diện hiện trạng cầu thời điểm hiện nay. Trên cơ sở đó, định hướng quy hoạch và công năng sử dụng cầu trong tương lai nhằm đề xuất giải pháp cải tạo, sửa chữa cầu. Theo kế hoạch, dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên” sẽ kéo dài đến hết năm 2025 với tổng kinh phí gần 780.000 USD, do cơ quan kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tài trợ.

Chọn lọc những giá trị tiêu biểu để bảo tồn

KTS Trương Ngọc Lân - Phó trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, cầu Long Biên đã xuống cấp nhiều, việc tu sửa là điều bắt buộc. Tuy nhiên, đây là một di sản, hình ảnh của cây cầu gắn liền với một phần của lịch sử của Hà Nội và đi vào kí ức của nhiều thế hệ người dân Thủ đô, vì vậy, nếu chúng ta tu sửa để giúp công trình an toàn, vững chắc, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng hiện nay và tương lai thì cũng cần phải thực hiện theo hướng tiếp cận bảo tồn di sản.

Đồng quan điểm, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng nhấn mạnh, đã đến lúc cần có một phương án tổng thể về việc bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn, phục dựng cầu cho hậu thế mai sau.

Quá trình bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên phải đứng trên góc độ coi cầu Long Biên như một di sản đô thị của Hà Nội. Cần tính toán làm sao để có thể giảm bớt công năng giao thông, đồng thời, tăng dần công năng văn hóa của cây cầu để vừa bảo tồn, tôn tạo, vừa phát huy được giá trị lịch sử của cây cầu di sản này.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, công tác duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên là một vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có một phương án tổng thể đúng với tầm vóc của cây cầu, bởi chưa thống nhất được các quan điểm duy tu, bảo dưỡng cây cầu. Đã đến lúc cần triển khai các chính sách bảo tồn, tôn tạo để lấy lại cho cây cầu những giá trị mới, lớn hơn giá trị hiện tại.

“Tôi cho rằng, sau khi có chủ trương, cơ quan chức năng nên trao đổi với các nhà khoa học và đặc biệt tổ chức hội thảo lấy ý kiến của người dân để đi đến thống nhất nên bảo tồn theo hướng nào. Đây là việc rất quan trọng. Có định hướng, có chủ trương nhưng cũng cần sự thống nhất về quan điểm duy tu, bảo dưỡng” - KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Cầu Long Biên được xây dựng năm 1899 và hoàn thành năm 1902. Cầu dàn thép dài 1691,15m gồm 19 nhịp (chiều dài nhịp từ 51,2 đến 130 m). Sau 122 năm đưa vào khai thác, sử dụng và trải qua hai cuộc chiến tranh, cầu Long Biên đã bị xuống cấp, chỉ còn lại 9 nhịp ở phía Hà Nội và 3.5 nhịp phía Gia Lâm giữ được kiểu dáng cũ, các nhịp khác do bị đánh phá đã được thay thế bởi nhịp dầm kiểu dáng khác. Giai đoạn 1995-2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng. Năm 2015, cầu được sửa chữa tổng thể với tổng đầu tư gần 300 tỷ đồng.

Vườn hoa cúc tuyệt đẹp dưới chân cầu Long Biên Vườn hoa cúc tuyệt đẹp dưới chân cầu Long Biên

Vườn hoa cúc tuyệt đẹp dưới chân cầu Long Biên đang là điểm đến được nhiều người truyền tai nhau. Những hình ảnh này như ...

Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động