Thứ năm 23/01/2025 20:19

Cặp đôi làm lộ đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT bị xử lý như thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngoài thí sinh ở Cao Bằng thì vụ làm lộ đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 còn có hai thanh niên, là nữ sinh của một trường ĐH ở Hà Nội và bạn trai của nữ sinh này.
Cặp đôi làm lộ đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT bị xử lý như thế nào?
Đề môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Quá trình làm lộ đề thi Ngữ văn như thế nào?

Theo thông tin ngày 1/7 từ Công an tỉnh Cao Bằng, thí sinh làm lộ đề thi Ngữ văn trú tại phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng. Thí sinh này quen một nữ sinh đại học, SN 2003, trú cùng phường, đang học tại Hà Nội. Tối 27/6, thí sinh và sinh viên thỏa thuận về việc sinh viên sẽ hỗ trợ em này làm bài thi môn Ngữ văn.

Sáng 28/6, lúc 7h45, tức sau khi tính giờ làm bài được 15 phút, thí sinh đã dùng điện thoại iPhone 11 chụp và gửi ảnh đề thi qua ứng dụng messenger cho sinh viên. Người này đã giải và gửi lại câu 1 và 4 phần Đọc hiểu, câu 1 phần Làm văn, rồi xóa tin nhắn.

Tuy nhiên, do giám thị coi thi nghiêm ngặt, thí sinh trong phòng thi không dám dùng lại điện thoại để xem đáp án.

Cùng lúc đó, bạn trai (SN 2002, quê Phú Thọ) của sinh viên kia truy cập vào tài khoản Facebook của người yêu, thấy nội dung cuộc trò chuyện và hình ảnh chụp đề thi môn Ngữ văn. Nam thanh niên này đã đăng tải hình ảnh đề thi lên Facebook và xóa sau vài phút, nhưng vẫn bị lan truyền trên mạng.

Cơ quan Công an cho biết việc thí sinh Cao Bằng chụp, gửi ảnh đề thi môn Ngữ văn cho nữ sinh đại học xuất phát từ quan hệ quen biết, không có thỏa thuận và tiền thù lao. Hai người trước đó thường xuyên liên hệ, trao đổi về bài tập trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT. Việc chuyển trái phép đề thi này được xác định chỉ liên quan đến ba người nói trên.

Làm lộ đề thi sẽ bị xử lý như thế nào?

TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, khi thông tin đề thi đã được bóc, mở niêm phong, phát cho các thí sinh bài, đề thi này không còn là tài liệu mật thuộc dạng tuyệt mật. Tuy nhiên, thí sinh chụp ảnh phát tán đề thi ra bên ngoài đã vi phạm quy chế thi, còn người tiếp tục phát tán đề thi trên mạng Internet là vi phạm pháp luật.

Theo TS.Luật sư Đặng Văn Cường, đối với nữ sinh viên nhận giải đề thi văn sau khi được "tuồn" từ phòng thi ra, đã có hành vi vi phạm, gây ra gian lận trong kỳ thi này. Nữ sinh này cũng sử dụng mạng viễn thông để truyền thông tin đề thi, đáp án cho thí sinh đang thi.

"Đây là hành vi bị cấm theo quy định của luật an ninh mạng, bởi vậy nữ sinh viên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt cao nhất có thể tới 15. 000.000 đồng", TS.Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Cũng theo TS.Luật sư Đặng Văn Cường, nam thanh niên là bạn trai của nữ sinh viên tham gia đăng tải ảnh chụp đề thi lên mạng xã hội cũng vi phạm pháp luật.

"Nam sinh này khi phát hiện ra hành vi gian lận thi cử nhưng không báo với cơ quan chức năng mà còn đăng tải lên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, phát sinh hệ lụy, tiêu cực cho xã hội. Nam sinh này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, do hành vi vi phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện.

Theo kết quả xác minh ban đầu, việc lộ đề không ảnh hưởng đến hoạt động của điểm thi này. Do vậy, hai đối tượng tham gia cấu kết làm lộ đề thi sẽ bị xử lý kỷ luật và bị xử phạt vi phạm hành chính tùy theo mức độ", TS.Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Theo Luật sư Cường, với những thông tin bị cấm, thông tin đang ở mức độ bảo mật bị đưa lên mạng internet, người đưa thông tin có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tới 15.000.000 đồng đối với cá nhân và tới 30.000.000 đồng đối với tổ chức theo quy định tại khoản 2, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.

Cũng theo Luật sư Cường, ngoài các trường hợp vi phạm được phát hiện trên đây, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ có sự cấu kết giữa thí sinh với những người bên ngoài để thực hiện các hoạt động gian lận thi cử hay không. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ có việc cấu kết, giúp sức của những người có chức vụ quyền hạn để các đối tượng thực hiện hành vi hay không.

Trường hợp có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái công vụ gây thiệt hại đến uy tín của ngành giáo dục, của Nhà nước, có thể xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.

Đặc biệt đối với các phòng thi xuất hiện các hiện tượng gian lận, cơ quan chức năng cũng phải xem xét trách nhiệm của giám thị coi thi, có tiếp tay dung túng cho hành vi sai phạm hay không. Nếu giám thị có lỗi, phải xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc có những chế tài nghiêm khắc hơn.

Trường hợp hành vi vi phạm của thí sinh là do tinh vi, đã áp dụng mọi biện pháp mà vẫn không thể ngăn chặn phát hiện thì cũng cần phải rút kinh nghiệm để tăng cường các biện pháp giám sát, ứng dụng công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy chế thi, những hành vi gian lận trong thi cử để đảm bảo các kỳ thi quốc gia diễn ra an toàn, lành mạnh, công bằng đúng quy chế và tuân thủ pháp luật.

Nữ sinh viên có bị trường đại học xử lý hay không?

Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, hành vi nữ sinh viên tham gia giải đề cho đối tượng phán tán đề thi là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm quy chế thi. Tuy nhiên kỳ thi này không trực tiếp liên quan đến quá trình học tập của sinh viên này, không phải kỳ thi của cơ sở đào tạo mà nữ sinh viên tham gia nên trường đại học đang quản lý sinh viên này sẽ không xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là buộc thôi học. Nếu sinh viên này gian lận trong các kỳ thi của trường mình đang học, thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, có thể là đình chỉ học một năm.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên có hành vi phạm quy chế, kỷ luật thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình hoặc chịu các hình thức xử lý kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập có thời hạn, buộc thôi học.

Trường hợp hành vi của nữ sinh viên này được xác định có vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục, gây ra dư luận xấu sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật ở mức độ mà pháp luật có quy định là khiển trách hoặc cảnh cáo, tùy thuộc vào nhận thức và hậu quả cụ thể.

Sinh viên có hành vi vi phạm quy chế, kỷ luật mà bị xử lý kỷ luật từ mức độ cảnh cáo trở lên thì bị lưu lại hồ sơ quản lý sinh viên và thông báo cho gia đình sinh viên. Nếu bị kỷ luật dưới hình thức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc bị buộc thôi học thì cơ sở giáo dục phải gửi thông báo cho địa phương và gia đình sinh viên biết để phối hợp quản lý, giáo dục.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động