Thứ năm 23/01/2025 13:56

Cha mẹ cần sớm nhận biết và can thiệp khi con trẻ có dấu hiệu trầm cảm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trầm cảm là nguyên nhân dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ vị thành niên. Ngoài những biểu hiện “kín” khó nhận biết thì trẻ cũng có nhiều dấu hiệu bất thường, nếu để ý cha mẹ và người thân dễ dàng cảm nhận được và sớm có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh được những tổn thương, mất mát đau lòng.
Cháu bé có ý định nhảy từ tầng 15 đã được lực lượng PCCC&CNCH “giải cứu” kịp thời
Cháu bé có ý định nhảy từ tầng 15 đã được lực lượng PCCC&CNCH “giải cứu” kịp thời

Chiều 21/2, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - CA quận Hoàng Mai, Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn bé gái định nhảy từ tầng 15 chung cư xuống đất. Theo đó, khoảng 15h20 cùng ngày, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - CA quận Hoàng Mai, Hà Nội nhận được tin báo từ người dân tại ban công tầng 15 chung cư B15 đường Nguyễn Cảnh Dị, quận Hoàng Mai, có 1 bé gái biểu hiện không bình thường. Bé ngồi trên ban công tầng 15 của chung cư.

Nhận tin báo, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH CA quận Hoàng Mai đã điều động 1 xe cứu nạn cứu hộ và 1 xe thang cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Tại đây, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã triển khai bơm đệm hơi dưới sân chung cư và cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng CA phường sở tại để thuyết phục, động viên nạn nhân.

Đến hơn 16h cùng ngày, lực lượng chức năng đã khống chế được cháu, đưa vào nhà an toàn và bàn giao cho CA phường Đại Kim xử lý. Qua xác minh ban đầu, nạn nhân là cháu P, SN 2012, sống trong tòa nhà, do có mâu thuẫn với gia đình nên cháu có bất ổn về tâm lý.

Trước đó cũng có những vụ việc tương tự, cụ thể: Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, Viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 13 tuổi ở Hà Nội được gia đình đưa đến khám, nhập viện điều trị trong tình trạng chán nản, hay khóc, tự ti, bi quan, cảm thấy chán sống và có ý tưởng tự sát.

Bản thân bệnh nhân từng giải tỏa căng thẳng bằng cách tự gây thương tích (dùng mảnh thủy tinh cứa vào cổ tay gây chảy máu). Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân có hội chứng trầm cảm, có ý tưởng tự sát và hành vi tự hủy hoại.

Gia đình cho biết, con từng học giỏi, trong đội tuyển. Tình trạng bất thường về sức khỏe xuất hiện trong quãng thời gian con học online kéo dài, con không theo kịp, không tập trung, có yêu đương qua mạng; cha mẹ thấy con học hành giảm sút lại ép con học nhiều hơn…

Tiến sĩ- bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó khoa Sức khoẻ vị thành niên, BV Nhi Trung ương cho biết, BV Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên tự tử liên quan đến mâu thuẫn trong gia đình và trường học. Một số lý do vì bị cha mẹ đánh, cha mẹ chưa hiểu mình nên uất ức, tủi thân, bị bạn bè trêu chọc, điểm kém mà trẻ đã có ý định từ bỏ cuộc sống của mình.

Cô Nguyễn Hương Giang, giáo viên Văn tại một trường THCS cho biết, hàng ngày được tiếp xúc với các con ở độ tuổi vị thành niên, cô nhận thấy các em có những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc khiến các bạn trở lên nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Các em dễ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống”.

Những áp lực vô hình trong cuộc sống hàng ngày, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực ngày càng lớn. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý và làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên.

“Bên cạnh đó, tư duy muốn con phải nghe lời tuyệt đối của nhiều cha mẹ cũng dễ gặp phải sự chống đối ở trẻ. Với những trẻ không chống đối, sự dồn nén tâm lý lâu ngày có thể đưa đến những hành vi phản ứng không ngờ”, cô Giang đưa ra suy nghĩ.

Một số trẻ tự tử vì không giải tỏa được cảm xúc, cảm giác lạc lõng trong cuộc sống, một số khác tự tử vì “giận cha mẹ”, uất ức, tủi thân, một số vì lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng của người khác, thậm chí có trường hợp tự tử chỉ vì muốn gây sự chú ý của người khác, để mọi người mãi nhớ đến mình.

Vì vậy, cha mẹ cần tập cho con kỹ năng tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định một số vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cần luôn dõi theo con để kịp thời can thiệp, giúp đỡ con giải tỏa những lo âu, thay đổi những suy nghĩ lệch lạc của con.

Ngoài ra, cha mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cha mẹ nên biết nguyện vọng của con như thế nào, để hướng cho con đi đúng theo sở thích, niềm đam mê của con. Đừng cố áp đặt con theo mong muốn của bản thân.

Đặc biệt, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để lắng nghe, giải thích cho con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng. Cha mẹ tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ.

Để hạn chế hành vi tự tử ở trẻ và thanh thiếu niên, các chuyên gia cũng cho biết vai trò của gia đình, nhà trường và toàn xã hội cực kỳ quan trọng, sự quan tâm, thấu hiểu sẽ đem lại hiệu quả nhất định trong việc hạn chế vấn đề tự tử ở trẻ.

Người phụ nữ “bắt cóc” bé gái lớp 1 có dấu hiệu bị trầm cảm sau khi con gái qua đời
Cha mẹ cần dạy con biết lựa chọn một tình yêu trong sáng
Những dấu hiệu cảnh báo trẻ cần nhập viện khi mắc cúm B
Hành vi tàn nhẫn không chỉ có dấu hiệu tội “Giết người”
Linh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động