Chỉ rõ rào cản để phát triển nhà ở xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều DN mong muốn được hỗ trợ về thủ tục, nguồn vốn để có thể triển khai thuận lợi các dự án nhà ở xã hội. Ảnh: Hoàng Linh |
Đây là một chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay (thiếu nguồn cung, thiếu dòng tiền, thừa nhà ở trung và cao cấp nhưng thiếu phân khúc bình dân, giá nhà đất cao…), với định hướng rõ ràng là hướng tới sản phẩm nhà ở xã hội để tạo thêm nguồn cung, định hình lại mặt bằng giá bất động sản mới phù hợp hơn với nhu cầu của người dân.
Đối chiếu với thực tế thì thấy rằng, đây là một mục tiêu rất cao. Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Xây dựng ngày 24/4, bộ này cho biết, đến thời điểm đó cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7,9 triệu m2.
Như vậy, trong khoảng 7 năm tới phải hoàn thành thêm 905.100 căn, tương đương trung bình mỗi năm có 129.300 căn nhà ở xã hội mới. Điều này có nghĩa là từ nay đến 2030, mỗi năm phải cho ra đời số lượng nhà ở xã hội bằng khoảng 80% tổng số nhà ở xã hội hiện có.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang rất chậm chạp. Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản” do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Như vậy là đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025 nhưng số căn hộ hoàn thành thực tế chỉ đạt 4,5% so với kế hoạch.
Trong một cuộc họp bàn vấn đề này giữa Chính phủ và Bộ Xây dựng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, quá trình triển khai nhà ở xã hội vẫn còn không ít vướng mắc về bố trí quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương; quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạp, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội khó khăn… Vì vậy, một số DN đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay) với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.
Tại Hà Nội, để bảo đảm cho người dân ở Thủ đô Hà Nội có chỗ ở, "an cư lạc nghiệp", UBND TP Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp… Cũng theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội có 40 dự án được triển khai, trong đó 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 với khoảng 870.000m2 sàn, dự kiến hơn 12.000 căn hộ. Và 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 22.400 căn hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại