Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Sinh viên Đại học Đà Nẵng nghiên cứu khoa học. Ảnh: UFLS |
Có 1.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo thông tin từ Sở Tài chính Hà Nội, tính đến hết quý I/2025, tổng số lượng DN đăng ký trên địa bàn TP Hà Nội là 407.798 DN, với 213.283 DN đang hoạt động, chiếm khoảng 23% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước (940.708 DN). Trong đó, DN nhỏ và vừa (DNNVV) của TP Hà Nội chiếm 98,2% tổng số DN đăng ký thành lập, tạo việc làm cho 55,1% lao động, đóng góp trên 40% GRDP cho TP.
DNNVV ngày càng phát huy vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển của TP, trở thành lực lượng chủ lực, là động lực quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN), tạo việc làm. Bên cạnh đó, TP Hà Nội hiện là nơi tập trung nhiều startup công nghệ và DN đổi mới sáng tạo (ĐMST) với khoảng 1.000 DN khởi nghiệp ĐMST (chiếm 26,32% DN ĐMST của cả nước), với 32 vườn ươm DN, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước); 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40% cả nước).
Về cơ cấu kinh tế trên địa bàn TP Hà Nội đến hết năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 17,83%; khu vực dịch vụ chiếm 69,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,13%. Cơ cấu thu ngân sách theo đơn vị hành chính cho thấy tại các quận, huyện phát triển công nghiệp và dịch vụ, có mức đóng góp cho ngân sách cao, tập trung tại 7 quận, huyện (Đống Đa, Hoàn Kiếm, Đông Anh, Cầu Giấy, Long Biên, Hai Bà Trưng và Nam Từ Liêm) chiếm 64,5% tổng số thu ngân sách của Hà Nội năm 2024.
Tuy nhiên, DNNVV trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Số DN rời hoặc tạm thời rời khỏi thị trường tăng bình quân 24,29%/năm - cao hơn khá nhiều mức tăng tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động (7,02%/năm); tỷ lệ số DN rời hoặc tạm thời rời khỏi thị trường trên tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động cũng tăng khá cao (từ 29,44% năm 2019 lên 58,79% năm 2023), vì vậy, tỷ trọng đóng góp số thu từ sản xuất kinh doanh trong tổng thu nội địa giảm (từ 50,78% năm 2019 giảm còn 44,75% năm 2023).
Chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo
Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách, nội dung và mức chi từ ngân sách TP để hỗ trợ DNNVV trên địa bàn TP Hà Nội. DNNVV, DNNVV KNST được xác định theo quy định tại Điều 5, Điều 20, Điều 21, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có trụ sở chính tại TP Hà Nội; các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, tổ chức hỗ trợ ĐMST trên địa bàn TP Hà Nội; các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến công tác hỗ trợ DNNVV trên địa bàn TP Hà Nội.
Ngân sách TP sẽ hỗ trợ 100% chi phí thực hiện với việc xây dựng, nâng cấp và vận hành hàng năm Hệ thống quản trị công tác hỗ trợ DNNVV tích hợp AI; phát triển Bộ tiêu chí đánh giá công tác hỗ trợ DNNVV trên địa bàn TP Hà Nội; thực hiện cung cấp thông tin, cập nhật dữ liệu lên Hệ thống quản trị về công tác hỗ trợ DN hàng năm.
Cùng với đó, ngân sách TP hỗ trợ 100% chi phí tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trong nước và nước ngoài cho việc phát triển, nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực khu vực công tham gia hỗ trợ DNNVV, đối tượng hỗ trợ là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia công tác hỗ trợ DNNVV trên địa bàn TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho các DNNVV như: các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp chủ lực; ngân sách TP hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu nhưng không quá 300 triệu đồng/DN/năm.
Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (KNST) với các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, tổ chức hỗ trợ ĐMST trên địa bàn TP Hà Nội, ngân sách TP hỗ trợ 50% kinh phí xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nhưng không quá 1 tỷ đồng/đơn vị/năm.
Hỗ trợ chi phí sử dụng trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, tổ chức hỗ trợ ĐMST trên địa bàn TP Hà Nội với DNNVV KNST, ngân sách TP hỗ trợ 100% chi phí thuê trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, tổ chức hỗ trợ ĐMST trên địa bàn TP Hà Nội nhưng không quá 50 triệu đồng/DN/năm. Thời gian hỗ trợ tối đa 03 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền.
Hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, tổ chức hỗ trợ ĐMST với DNNVV KNST, ngân sách TP hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng thuê mặt bằng tại các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, tổ chức hỗ trợ ĐMST trên địa bàn TP Hà Nội nhưng không quá 10 triệu đồng/tháng/DN. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền. Hỗ trợ đào tạo huấn luyện chuyên sâu với DNNVV KNST, ngân sách TP hỗ trợ 70% chi phí tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài nhưng không quá 100 triệu đồng/học viên/năm và không quá 2 học viên/DN/năm.
![]() |
Sinh viên Khoa Dược – Trường Đại học Thành Đô, huyện Hoài Đức trong giờ thực hành. Ảnh: Đô Thành |
Luật Thủ đô là văn bản pháp lý quan trọng đối với Hà Nội
PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương cho biết, Hà Nội đang tích cực phát triển hệ sinh thái ĐMST mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khởi nghiệp và thúc đẩy sự liên kết giữa các bên trong hệ sinh thái sáng tạo mở. Trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã xây dựng và ban hành thành công nhiều chủ trương, chính sách về phát triển hệ sinh thái ĐMST mở. Trong đó, Luật Thủ đô 2024 là văn bản pháp lý quan trọng đối với Hà Nội trong định hướng phát triển khoa học công nghệ và ĐMST của Hà Nội.
Luật xác định rõ cần phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học, công nghệ và ưu tiên nguồn lực để xây dựng Thủ đô thành trung tâm ĐMST, chuyển đổi số (Điều 23 khoản 1). Riêng đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Luật Thủ đô 2024 xác định vai trò then chốt của khu trong việc phát triển các hoạt động ĐMST cũng như hệ sinh thái ĐMST mở. Theo Luật Thủ đô 2024, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được xác định là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và ĐMST trọng điểm của đất nước và Thủ đô, là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước (Điều 24, khoản 2).
"Chính quyền Thủ đô cần đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt hoạt động đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng DN ĐMST mở. Đây là điều kiện quan trọng để hệ sinh thái ĐMST mở được phát triển và phát huy vai trò của mình. Hà Nội cũng cần mở rộng hợp tác quốc tế, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái ĐMST mở tại không chỉ Hà Nội và với các tỉnh, TP và vùng lân cận, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ĐMST mở" - PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương chia sẻ.
Trong kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, các DN KNST (startups) đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Các DN này giúp tạo ra sự đổi mới và đột phá, các startups thường mang đến những ý tưởng mới, sáng tạo và đột phá, giúp thay đổi cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp truyền thống. Họ thúc đẩy sự đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với đó, các startups tạo ra việc làm mới, đặc biệt là cho lực lượng lao động trẻ, có trình độ cao. Họ đóng góp vào tăng trưởng GDP thông qua việc tạo ra giá trị gia tăng và xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ. Họ thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tăng cường nguồn lực tài chính cho nền kinh tế. PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại