Thứ năm 23/01/2025 06:28

Chú trọng việc tái trồng cây xanh bị bật gốc, gãy, đổ sau cơn bão số 3 tại Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Hà Nội làm 17.000 cây xanh bị bật gốc, đổ, gãy, trong đó có nhiều cây xanh quý hiếm, cổ thụ, có giá trị cao về lịch sử và môi trường. Bên cạnh công tác phòng chống lũ lụt được ưu tiên hàng đầu hiện nay thì việc triển khai khắc phục thiệt hại về cây xanh, đảm bảo an toàn giao thông cũng cần được chú trọng.
Chú trọng việc tái trồng cây xanh bị bật gốc, gãy, đổ sau cơn bão số 3 tại Hà Nội

Ảnh chụp cây gẫy, đổ trên các tuyến phố Hoàng Diệu ngày 9/9/2024. Ảnh: Trịnh Thanh Phi

Qua công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn TP Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu: “Cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ, bởi vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian”

Trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão đổ bộ tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm, có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm chăm sóc, trồng lại vào các vị trí phù hợp, hoàn thành trước ngày 15/9/2024.

Đối với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy đổ cần thực hiện cắt cành, tán, đảm bảo cân đối phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định, hoàn thành trước ngày 20/9/2024.

Các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội nhận được đồng thuận cao của Nhân dân. Theo Đại tá, đảng viên Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong số những cây bị đổ, tuy gốc bị bật nhưng bộ rễ vẫn tốt, thân, cành vẫn bình thường, vì vậy việc dựng, cắt bớt tán lá cho cân đối, dựng cây, bổ sung đất gốc, chăm sóc đúng cách cây vẫn sẽ sống, hồi phục và phát triển.

Chú trọng việc tái trồng cây xanh bị bật gốc, gãy, đổ sau cơn bão số 3 tại Hà Nội
Hình ảnh cây xanh mới trưởng thành bị bật gốc, cần có phương án tái trồng sớm để cây sinh trưởng tốt. Ảnh: Trịnh Thanh Phi

Tuy nhiên, hầu hết những cây bật gốc đợt bão vừa qua có điểm chung là những cây trồng đã trưởng thành, gốc khá to, lấy từ vườn ươm hầu hết không có rễ cọc, bộ rễ yếu, trồng trên hè phố, hố trồng không đảm bảo độ sâu cần thiết, khó bén rễ, cùng với việc bị tác động bởi việc đào vỉa hè để đặt thiết bị ngầm như đường dây viễn thông, điện lực, đường ống dẫn, thoát nước…ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bộ rễ cây. Khi cây bén rễ, phát triển lá, cành, tán cây càng rộng thì tầng trên của cây càng nặng, mỗi khi có bão thường có mưa to, kéo dài, bị gió mạnh, gốc cây thấm nước do mưa nhiều dễ gãy, đổ.

Ông Trịnh Thanh Phi bày tỏ: “Đối với những cây mới trưởng thành bị bật gốc nếu trồng lại chính nơi đó, ngoài việc tỉa, cắt cành cần quan tâm đến việc đào hố sâu đủ diện tích đất cho bộ rễ phát triển, đồng thời bổ sung lượng đất màu đảm bảo cho cây phát triển tốt”.

Chú trọng việc tái trồng cây xanh bị bật gốc, gãy, đổ sau cơn bão số 3 tại Hà Nội
Cận cảnh gốc cây không có rễ cọc để bám đất. Ảnh: Trịnh Thanh Phi

Từng trực tiếp đi khảo sát tại các tuyến phố Điện Biên Phủ, Trần Phú, Hoàng Diệu... nhận thấy hầu hết các cây được trồng cách đây 5-6 năm (nằm trong Chương trình 1 triệu cây xanh Hà Nội) gồm hoa bằng lăng, hoa ban, sấu… Thời gian này, cành lá bắt đầu xum xuê, xanh tốt nhưng hầu hết bị bật gốc, đổ.

Nguyên nhân cơ bản là khi trồng gốc cây nông, bộ rễ cây bị xén đi khá nhiều, số rễ còn lại khá ít, các cây đều không có rễ cọc. Hơn nữa, đất lấp gốc cây chủ yếu là đất thịt, có lẫn nhiều cát, sỏi nhỏ, độ kết dính để giữ rễ cây kém.

“Là người dân sinh sống tại Hà Nội, tôi rất mong Công ty TNHH MTV Môi trường Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội và cơ quan chức năng liên quan, các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả cơn bão, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tái trồng cây xanh tại vị trí cũ nhưng cần chú ý đào sâu gốc, thêm nhiều đất và có giải pháp néo giữ cây cho chắc chắn.

Nếu không coi trọng khâu kỹ thuật, tái trồng cây mới có thể sinh trưởng nhưng đến thời kỳ phát triển lá cành tán rộng, gặp đợt mưa dầm dài ngày, cơn bão chưa đủ lớn cũng dễ dàng quật đổ cây, gây tốn kém, hiệu quả trồng cây không bền vững.

Ngày 8/9/2024, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 2963/UBND-ĐT về việc triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây xanh gãy, đổ sau cơn bão số 3 (Yagi) trên địa bàn TP. Ngày 11/9/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký Văn bản số 11065/VP-ĐT chỉ đạo các quận trên địa bàn phối hợp với các Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Công an TP Hà Nội phối hợp triển khai công tác khắc phục thiệt hại về cây xanh gãy, đổ sau cơn bão số 3, đảm bảo toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
Hà Nội: tập trung huy động lực lượng trồng lại cây xanh gãy, đổ, dọn vệ sinh môi trường Hà Nội: tập trung huy động lực lượng trồng lại cây xanh gãy, đổ, dọn vệ sinh môi trường
Hà Nội khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3 Hà Nội khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3
Mộc Miên (ghi)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động