Thứ năm 23/01/2025 21:27
Trạm trưởng y tế bị tố "vòi tiền" mới ký giấy cho F0 đi viện:

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo phân tích của luật sư, việc trạm trưởng Y tế ở Hải Phòng đòi 1,5 triệu mới cho F0 đi viện là sự việc nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trạm Y tế lưu động phường Trại Cau
Trạm Y tế lưu động phường Trại Cau

Mấy ngày qua, dư luận đang xôn xao trước sự việc trưởng trạm Y tế phường Trại Cau (quận Lê Chân, Hải Phòng) bị tố đòi 1,5 triệu đồng mới ký giấy cho F0 sức khỏe yếu đi viện. Sau đó, vị trưởng trạm Y tế phường Trại Cau đã mang số tiền trên trả lại cho người dân. Sự việc trên sau khi được báo chí đăng tải đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Có nhiều người đặt ra câu hỏi việc "vòi tiền" của vị trưởng trạm y tế rồi mang trả lại có vi phạm pháp luật hay không? Dưới góc góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín cũng như những nỗ lực không biết mệt mỏi của ngành y tế và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể, hiện nay điều trị Covid-19 được thực hiện miễn phí theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 năm 2007 và các văn bản dưới luật mới nhất có liên quan. Người bệnh không phải nộp bất cứ một khoản chi phí nào khi khám, điều trị Covid-19 tại Việt Nam.

Hành vi vòi vĩnh nhận quà khi đang thực hiện hoạt động khám chữa bệnh, đang thực hiện các thủ tục y tế liên quan đến khám chữa bệnh là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Thậm chí có thể còn là hành vi cưỡng đoạt tài sản nếu như có những lời lẽ có tính chất đe dọa, khiến cho người nhà nạn nhân lo sợ phải đưa tiền...

Do vậy, Trưởng Trạm Y tế có thể bị đình chỉ công tác, đồng thời CQĐT khẩn trương vào cuộc làm rõ diễn biến hành vi của các bên, làm rõ yêu cầu đưa tiền là của nhân viên y tế hay gia đình nạn nhân chủ động?

“Vấn đề mấu chốt ở đây là số tiền và mục đích đưa tiền, trên cơ sở đó xác định hành vi là đưa nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn, lạm quyền hay hành vi cưỡng đoạt tài sản để giải quyết theo quy định của pháp luật. Kết luận sự việc phải căn cứ vào chứng cứ, căn cứ vào quá trình xác minh của cơ quan chức năng”, luật sư Thái nêu quan điểm.

Theo đó, trường hợp kết quả xác minh cho thấy cán bộ y tế đã có những lời lẽ, hành vi có tính chất đe dọa, uy hiếp tinh thần của người nhà bệnh nhân (như từ chối điều trị nếu như không đưa tiền, nói ra tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân) để yêu cầu người nhà đưa tiền, khiến người nhà bệnh nhân sợ hãi phải đưa tiền thì đây được xác định là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Dù số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng nhưng Điều 170 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) nêu rõ người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” với chế tài là phạt tù từ 1-5 năm.

Nếu chưa đủ căn cứ để xử lý về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, nhưng có bằng chứng, dấu hiệu cho thấy cán bộ y tế đã có hành vi ép buộc người nhà bệnh nhân phải đưa 2 triệu đồng mới cho phép chuyển viện, cấp cứu cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì đây là hành vi ép buộc đưa hối lộ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy, người nhận tiền (nhận hối lộ) chưa đến 2 triệu đồng, chưa từng bị kết án, chưa từng bị phạt hành chính về hành vi này thì có thể bị phạt hành chính mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu trường hợp mới nhận số tiền chưa đến 2 triệu đồng nhưng mong muốn sẽ nhận đủ số tiền từ 2 triệu đồng trở lên và tiếp tục vòi vĩnh gia đình nạn nhân thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Nhận hối lộ”.

Luật sư Thái cho rằng, hiện số ca nhiễm Covid-19 tại nhiều địa phương tăng lên nhanh chóng khiến các trạm y tế thực sự quá tải, thậm chí cả trạm là F0, nhân viên y tế phường vừa tự điều trị vừa làm việc. Do đó, sự việc xảy ra ở TP Hải Phòng rất đáng tiếc và đáng buồn cho ngành y tế khi vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp để trục lợi trên nỗi sợ hãi, yếu thế của người bệnh cũng như trên uy tín của đồng nghiệp.

Trước đó, ngày 4-3, trên một trang mạng xã hội FB có đăng tin tuyên truyền về công tác khai báo y tế. Ngay sau đó, bài viết trên thu hút nhiều lượt độc giả vào bình luận với nhiều ý kiến khác nhau phản ánh công tác tiếp nhận khai báo y tế ở cơ sở. Đặc biệt, trong số đó có tài khoản FB Thang Nguyen bức xúc phản ánh vụ việc gia đình có người thân già yếu trong tình trạng cần cấp cứu đưa sang BV Việt Tiệp cơ sở 2 nhưng bị nhân viên y tế phường Trại Cau, quận Lê Chân đòi chi 1,5 triệu đồng mới viết giấy chuyển viện.
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động