Thứ năm 23/01/2025 06:12

Có nên đốt vàng mã theo phong tục “trần sao âm vậy”?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phong tục đốt vàng mã dâng cúng người đã khuất đã trở thành thói quen của khá nhiều gia đình ở nhiều vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, gần đây, nhiều gia đình đã dần từ bỏ thói quen này vì cho rằng, đốt vàng mã gây lãng phí về tài chính và khiến môi trường bị ô nhiễm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trên thực tế, có những chuyện “dở khóc dở cười” vì tranh cãi về việc đốt vàng mã. Hiện nay, những người làm nghề vàng mã sản xuất rất nhiều mẫu hàng mã như thật với quan niệm “trần sao âm vậy”. Từ nhà cửa, ô tô, điện thoại di động, máy tính... cái gì cũng có.

Tuy nhiên, có người đặt ra một số câu hỏi khá thú vị như: “biếu các cụ ô tô sao không biếu cây xăng, người lái xe? Biếu các cụ điện thoại di động, máy tính nhưng liệu dưới âm có wifi để dùng không?”.

Ngay trong gia đình tôi, chuyện đốt tiền vàng dâng cúng cũng xảy ra tranh cãi khi có người cho rằng, chỉ biếu tiền xu và vàng lá loại cổ xưa chứ đốt tiền đô-la với tiền mệnh giá bây giờ thì các cụ sao mà tiêu được.

Mấy năm gần đây, tôi đã tìm ra giải pháp, dâng cúng gia tiên bằng tờ tiền thật, rồi dùng tiền đó mua hoa quả đồ lễ ngày rằm mùng một, góp quỹ từ thiện, đóng góp xây dựng đình chùa.

Tôi tìm hiểu được biết, trong cuốn “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính chỉ viết về phong tục thắp hương tưởng nhớ người đã khuất và không đề cập đến việc phải đốt vàng mã. Ngày nay, Nhà nước không cấm đốt vàng mã, tuy nhiên trong những năm qua, các cơ quan quản lý đã có nhiều văn bản về việc hạn chế đốt vàng mã, rải tiền vàng trong đám tang.

Ngày 30/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Đặc biệt, công điện nêu rõ: “không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường”. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam từ nhiều năm nay cũng khuyến cáo đại chúng không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Hiện nay, dù đã có những quy định xử phạt hành chính về hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định, song thực trạng đốt vàng mã vẫn đang là vấn nạn trong mùa lễ hội. Tôi cho rằng, việc đốt vàng mã tùy tiện, số lượng lớn gây lãng phí về tiền bạc và ẩn chứa nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Mỗi người chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, không cần phải đốt vàng mã mà nên dùng tiền đó để làm từ thiện, đóng góp kiến thiết cảnh quan nơi thờ tự. Tôi tin rằng, khi tâm sáng, làm việc thiện, ắt phước báu, may mắn sẽ đến, mọi việc đều hanh thông.

Công an khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy khi thắp hương, đốt vàng mã
Khách Tây thích thú xem người Hà Nội đốt vàng mã ngày ông Táo
Tết Giáp Thìn 2024 nên cúng hóa vàng vào ngày nào?
Tường Vy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động