Có vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThầy lang Vũ Trọng Hải (đứng) hành nghề không có giấy phép |
Khó có thể xử lý hình sự thầy lang
Liên quan đến vụ thầy lang chữa bệnh hiếm muộn bị tố cưỡng dâm khiến bệnh nhân mang thai và đẻ 2 người con tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Theo thông tin sự việc cho thấy người phụ nữ này và chồng là những người hiếm muộn, đã chữa trị nhiều nơi nhưng chưa thể sinh con, bởi vậy đã tìm đến thầy lang này để được bốc thuốc, điều trị vô sinh”.
“Nếu là một người bình thường thì sẽ nhận thức được rằng việc chữa bệnh đông y bằng cách bấm huyệt, uống thuốc nam, chứ không có phương pháp chữa bệnh nào bằng hình thức quan hệ tình dục trực tiếp với người bệnh”, luật sư Nguyên phân tích.
Cũng theo luật sư Nguyên, kết quả giám định ADN cho thấy hai đứa trẻ không phải là con của người chồng mà chính là con của thầy lang với người phụ nữ. Thầy lang cũng đã thừa nhận về sự việc. Điều này cho thấy hành vi quan hệ tình dục giữa hai người diễn ra nhiều lần, ở nhiều thời điểm khác nhau và dẫn đến kết quả mang thai và sinh ra hai cháu bé.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyên cho rằng người phụ nữ trong tình huống này cho rằng mình không tự nguyện quan hệ tình dục với thầy lang thì có quyền đưa sự việc ra pháp luật để làm rõ hành vi có được coi là cưỡng dâm hay không.
Nếu có đơn thư tố cáo, tố giác, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, làm rõ hành vi quan hệ tình dục đã diễn ra như thế nào, ý chí của thầy lang và người phụ nữ này như thế nào? Người phụ nữ này có biết hành vi của thầy lang là quan hệ tình dục hay không, nhận thức của người phụ nữ này như thế nào đối với hành vi quan hệ tình dục và hoạt động chữa bệnh? Để xử lý hình sự về tội cưỡng dâm, CQĐT cần thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh mối quan hệ giữa hai bên, làm rõ có sự lệ thuộc nào về vật chất, tinh thần giữa thầy lang này với người phụ nữ không?
Ngôi nhà nơi thầy lang sử dụng làm nơi chữa bệnh hiếm muộn |
Người phụ nữ có tự nguyện?
Theo luật sư Nguyên, hoạt động khám chữa bệnh và quan hệ tình dục nam nữ là hoàn toàn khác nhau, không thể có chuyện người phụ nữ đã có gia đình nhầm lẫn trong việc bấm huyệt và quan hệ tình dục! Một người phụ nữ bình thường có thể phát hiện ra hành vi chữa bệnh bất thường của thầy lang này bằng lời nói, cử chỉ, hành động chứ chưa cần phải chờ đến lúc có quan hệ…
Bởi vậy, để chứng minh người phụ nữ này bị lệ thuộc, phải miễn cưỡng quan hệ tình dục với thầy lang là một chuyện rất khó có thể xảy ra trên thực tế. Để nói rằng việc quan hệ tình dục là do bị miễn cưỡng, ép buộc, thậm chí nhiều lần như vậy thì rất khó có cơ sở để chứng minh. Khi người phụ nữ tố cáo, CQĐT cũng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để có kết luận và giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Ở một khía cạnh khác luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc vợ chồng anh X đến nhà thầy lang là tự nguyện với mong muốn chữa hiếm muộn. Trường hợp việc quan hệ tình dục được sự đồng ý của vợ anh X thì là cả 2 bên tình nguyện, không đặt vấn đề về tội phạm tình dục xảy ra ở đây. Tuy nhiên, vợ anh X đã kết hôn, hành vi này có thể vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình.
Trường hợp, vợ anh X không tự nguyện quan hệ tình dục, phía thầy lang sử dụng những thông tin giả về hành động của mình, lợi dụng sự lệ thuộc của bệnh nhân để thực hiện quan hệ tình dục thì thầy lang có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng dâm theo tại Điều 143 BLHS.
Luật sư Thái cũng cho biết, vấn đề trách nhiệm đối với 2 đứa trẻ cũng là một vấn đề cần xem xét. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, con là con chung vợ chồng khi thuộc một trong các trường hợp: con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân; người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, về mặt pháp lý thì vợ chồng anh X là bố mẹ của 2 cháu bé. Tuy nhiên, việc kết quả xét nghiệm cho thấy 2 cháu bé là con của thầy lang. Do đó, có căn cứ cho rằng thầy lang là bố ruột của 2 cháu bé, vấn đề cấp dưỡng được đặt ra. Nếu người mẹ yêu cầu thầy lang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì thầy lang có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ.
Ngoài ra, thầy lang hành nghề không có giấy phép, trình độ không được kiểm chứng. Đây là hành vi vi phạm quy định của Luật khám chữa bệnh. Theo đó, đối với hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại