Thứ sáu 24/01/2025 07:42

Cụ ông nguy kịch, phải thở máy do kháng kháng sinh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mang trong mình bệnh lý nền đái tháo đường, gút, khi bị viêm phổi, cụ ông 71 tuổi ở Ninh Bình đã được điều trị theo phác đồ và kháng sinh nặng nhưng không cải thiện. Bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên nhưng vẫn trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy.

Đây chỉ là 1 ca bệnh trong số rất nhiều bệnh nhân kháng kháng sinh được chuyển đến BV Bạch Mai trong thời gian qua. Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Chi, phụ trách khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao một cách đáng báo động theo từng năm. Những năm trước, tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh từ tuyến dưới chỉ gặp vài ca, nhưng đến nay, nhiều ca chuyển từ tuyến dưới lên BV Bạch Mai khi được cấy vi khuẩn ngay từ lúc vừa mới tiếp nhận đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc.

“Như vậy, tình trạng bệnh nhân kháng thuốc xảy ra nhiều BV chứ không chỉ ở trung tâm lớn. Trong vòng một năm gần đây, ghi nhận tại BV Bạch Mai có khoảng 40%-60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng nhiễm trùng tăng lên nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện”, TS. Nguyễn Văn Chi nói.

cu ong nguy kich phai tho may do khang khang sinh
Bệnh nhân kháng kháng sinh nguy kịch phải thở máy do không đáp ứng thuốc điều trị viêm phổi. Ảnh:T.M

Với trường hợp bệnh nhân 71 tuổi ở Ninh Bình, bác sỹ Nguyễn Hữu Quân, khoa Cấp cứu A9 cho biết, bệnh nhân đến viện trong tình trạng khá nặng, phải thở máy và sử dụng thuốc vận mạch hỗ trợ. Ở BV tuyến dưới, bệnh nhân đã được dùng kháng sinh mạnh nhưng tình trạng nhiễm trùng không cải thiện.

Tại BV Bạch Mai, các bác sĩ phải làm kỹ thuật đặc biệt định danh vi khuẩn, đánh giá xem vi khuẩn có kháng kháng sinh không từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả hơn. “Bệnh nhân nhiễm trùng nặng, viêm phổi, phụ thuộc máy thở nên chúng tôi đã lấy đờm bệnh nhân ra cấy xem có vi trùng kháng thuốc không. Đồng thời, chúng tôi cũng sử dụng kỹ thuật cao hơn như PCR đa mồi để tìm các mầm bệnh từ phổi. Sau đó đánh giá xem kháng sinh nào có thể giá trị cho bệnh nhân này”, bác sĩ Quân cho biết.

Theo bác sĩ Quân, hiện nay tình trạng tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị của người dân rất đáng báo động. Đặc biệt với những người mắc bệnh mãn tính, dễ nhiễm trùng như người có tiền sử đái tháo đường, gút như bệnh nhân này thì khi đã tự ý sử dụng kháng sinh điều trị nhiều, khi có bệnh lý do vi khuẩn sẽ rất dễ kháng kháng sinh.

Cho đến nay, kháng thuốc là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Thế giới mỗi năm có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ đô la cho kháng thuốc.

Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi.

Thông tin về tình trạng kháng thuốc trên toàn cầu, PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh-Bộ Y tế cho biết: Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020 cho thấy, trên toàn thế giới, tỷ lệ đề kháng cao của vi khuẩn với kháng sinh được sử dụng thường xuyên để điều trị các bệnh nhiễm trùng (đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và một số dạng tiêu chảy…) cho thấy chúng ta đang hết thuốc kháng sinh hiệu quả.

Ví dụ, tỉ lệ đề kháng với ciprofloxacin (1 loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, thay đổi từ 8,4% đến 92,9% đối với Escherichia coli và từ 4,1% đến 79,4% đối với Klebsiella pneumonia).

Để phòng chống kháng thuốc, các chuyên gia khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng kháng sinh. Mỗi người dân lưu ý chỉ uống kháng sinh đúng theo đơn bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị; khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động