Thứ năm 23/01/2025 20:15

Đẩy mạnh xây dựng công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng đã được Đảng ta nhận thức và đề ra từ rất sớm. Tuy nhiên, đến Đại hội XIII của Đảng, chủ trương này mới được khẳng định một cách rõ nét và đầy đủ. Việc triển khai chủ trương này có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Đẩy mạnh xây dựng công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng
Sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z117 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng)

Phát triển Công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng

Phát triển Công nghiệp quốc phòng (CNQP) theo hướng lưỡng dụng là chủ trương quan trọng trong Chiến lược quốc phòng, được đặt ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 229, Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (năm 1974), đó là: “Kết hợp khả năng của công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân dụng, sử dụng một phần khả năng của công nghiệp quốc phòng phục vụ phát triển kinh tế. Kết hợp mục đích kinh tế với mục đích quốc phòng trong quy hoạch phát triển giao thông, bưu điện, xây dựng kho tàng và xí nghiệp quan trọng trong chủ trương, kế hoạch mở các vùng kinh tế mới,...”.

Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương chiến lược này tiếp tục khẳng định tính đúng đắn và có điều kiện để hiện thực hóa. Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ rõ: “Quan tâm đúng mức đến công nghiệp quốc phòng. Xây dựng các phương án và cơ chế huy động các ngành công nghiệp dân dụng phục vụ những nhu cầu quốc phòng một cách có hiệu quả. Đồng thời, tận dụng năng lực của công nghiệp quốc phòng để làm sản phẩm dân dụng góp phần đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống”. Với chủ trương này, CNQP không chỉ bó hẹp trong việc nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mà đã tích cực tham gia sản xuất các mặt hàng dân sự phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đến Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), quan điểm đó được triển khai cụ thể hơn: “Kết hợp kinh tế với quốc phòng nhằm đáp ứng những nhu cầu tối thiểu cần thiết trong từng thời kỳ”; đồng thời “Khai thác có hiệu quả tiềm năng của các cơ sở công nghiệp quốc phòng để tham gia xây dựng kinh tế. Có cơ chế, chính sách quản lý các xí nghiệp quốc phòng và lực lượng quân đội, công an làm kinh tế theo đúng pháp luật và phù hợp với tính chất đặc thù của quốc phòng và an ninh”.

Với tinh thần đó, đến Đại hội IX (năm 2001), Đảng ta chủ trương “Đầu tư thích đáng cho công nghiệp quốc phòng, trang bị kỹ thuật hiện đại cho quân đội, công an”; “Phát triển công nghiệp quốc phòng và kết hợp sử dụng năng lực đó để tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Coi trọng sản xuất một số mặt hàng vừa phục vụ kinh tế, vừa phục vụ cho quốc phòng, an ninh”.

Xây dựng công nghiệp quốc phòng trong hệ thống công nghiệp quốc gia

Nhất quán thực hiện chủ trương trên, định hướng xây dựng và phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng được Đại hội X của Đảng (năm 2006) xác định: “Xây dựng công nghiệp quốc phòng trong hệ thống công nghiệp quốc gia dưới sự chỉ đạo, quản lý điều hành trực tiếp của Chính phủ, đầu tư có chọn lọc theo hướng hiện đại, vừa phục vụ quốc phòng vừa phục vụ dân sinh”5. Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục chỉ rõ: “Mở rộng phương thức huy động nguồn lực xây dựng công nghiệp quốc phòng và nâng cao khả năng bảo đảm của công nghiệp quốc phòng”.

Đến Đại hội XII của Đảng (năm 2016), chủ trương phát triển CNQP lưỡng dụng đã được khẳng định một cách rõ ràng hơn và đây cũng là lần đầu tiên tính chất lưỡng dụng của CNQP được đưa vào văn kiện Đảng, đó là: “Đẩy mạnh xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng; tăng cường nguồn lực tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Kế thừa quan điểm đó, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh và thể hiện quan điểm mới: “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình khoa học - công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”.

Như vậy, chủ trương phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng đã được Đảng nhận thức và đề ra từ rất sớm. Mặc dù, cách gọi và mức độ thể hiện khác nhau trong mỗi văn kiện, nhưng tinh thần chung là kết hợp chặt chẽ CNQP với công nghiệp quốc gia; CNQP phải tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.

Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển CNQP, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp về phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần từng bước hiện đại hóa, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Cụ thể: Chủ trương, quan điểm phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng, hiện đại đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tổ chức lực lượng CNQP được củng cố, kiện toàn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội và ngày càng gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia.

Bên cạnh việc ưu tiên cho hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, Tổng cục CNQP nói riêng và ngành CNQP nói chung, đã kết hợp, tận dụng và phát huy được các nguồn lực về con người, thiết bị, công nghệ, tài chính để phát triển kinh tế đạt kết quả tốt. Sản xuất kinh tế có sự tăng trưởng khá cao ở một số lĩnh vực; cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị có bước chuyển biến tích cực về quản trị, cơ bản tạo được sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, bước đầu hội nhập kinh tế quốc tế...

Xây dựng Luật CNQP, An ninh và Động viên công nghiệp là cần thiết, phản ánh được chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành CNQP, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công nghiệp an ninh với chức năng, nhiệm vụ khác biệt và thời gian xây dựng ngắn, nên chưa cần thiết phải xây dựng thành luật. Để phát triển công nghiệp an ninh, trong thời gian tới trên cơ sở Nghị định 63, Bộ Công an nên đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Công nghiệp an ninh. Có thể thấy, mặc dù trong văn bản của Đảng, Nhà nước có đề cập đến CNQP, an ninh song đó là chủ trương chung, định hướng lớn. Trong quá trình thực hiện, trên cơ sở thực tiễn phải được cụ thể hóa và phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ, đặc thù từng ngành để triển khai phù hợp. Dựa trên những phân tích, luận giải trên đây, chúng ta khẳng định không thể hợp nhất công nghiệp an ninh vào trong Luật CNQP, An ninh và Động viên công nghiệp mà nên xây dựng là Luật CNQP và Động viên Công nghiệp.
Phát triển công nghiệp quốc phòng gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia
Thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển Công nghiệp Quốc phòng, An ninh
Công nghiệp quốc phòng là gì, quy định về cơ sở công nghiệp quốc phòng như thế nào?
Quang Trung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ dịp Tết Ất Tỵ 2025

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ dịp Tết Ất Tỵ 2025

Sáng 23/1, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Hà Nội tập trung lãnh đạo Đại hội Đảng bộ các cấp bảo đảm tiến độ

Hà Nội tập trung lãnh đạo Đại hội Đảng bộ các cấp bảo đảm tiến độ

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong vừa ký ban hành Kế hoạch số 292-KH/TU về triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Kết luận làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Tạo đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tạo đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Ngày 20/1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (T.Ư MTTQ) Việt Nam lần thứ hai, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huy hiệu Đảng tại quận Ba Đình

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huy hiệu Đảng tại quận Ba Đình

Sáng 22/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã trao Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Lương Tam Kỳ, đảng viên Đảng bộ phường Thành Công, quận Ba Đình.
Hà Nội tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đưa Thủ đô vững bước trong kỷ nguyên vươn mình

Hà Nội tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đưa Thủ đô vững bước trong kỷ nguyên vươn mình

Ngày 21/1, tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản đã trình bày Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Hà Nội: quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh môi trường

Hà Nội: quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh môi trường

Ngày 21/1, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, sau nửa ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã hoàn thành toàn bộ nội dung và chương trình đề ra.
Bài cuối: Chống lãng phí nên trở thành văn hóa ứng xử của mỗi công dân trong thời đại mới

Bài cuối: Chống lãng phí nên trở thành văn hóa ứng xử của mỗi công dân trong thời đại mới

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Một trong những yêu cầu quan trọng để biến cơ hội đó thành hiện thực là phải kiên quyết và triệt để phòng chống lãng phí.
Bài 3: Chống lãng phí phải quyết liệt như chống tham nhũng

Bài 3: Chống lãng phí phải quyết liệt như chống tham nhũng

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền tải thông điệp rất rõ ràng về chống lãng phí, tạo bầu không khí để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia vào mặt trận chống lãng phí thực sự có hiệu quả.
Bài 4: “Không gì là không giải quyết được khi chúng ta quyết tâm”

Bài 4: “Không gì là không giải quyết được khi chúng ta quyết tâm”

Đó là lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm tại sự kiện gặp mặt các đại biểu văn nghệ sĩ nhân dịp cuối năm 2024 diễn ra ngày 30/12/2024.

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động