Thứ năm 23/01/2025 20:25

Để Hà Nội phát triển xứng tầm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội đang tập trung cao độ để hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ tác động tới sự phát triển của TP mà còn đối với các vùng cũng như cả nước.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính

Trong quá trình triển khai, TP luôn chú trọng công tác tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức vào xây dựng định hướng Quy hoạch Thủ đô nói riêng và phát triển Thủ đô nói chung. Các ý kiến đóng góp tâm huyết, cụ thể sẽ giúp Hà Nội hoàn thành bản Quy hoạch với chất lượng cao, tạo nền tảng vững chắc để đưa Thủ đô phát triển xứng tầm.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính:

Gắn kết, đồng bộ giữa hai bản quy hoạch lớn

Có thể khẳng định, thời điểm này là cơ hội ngàn năm của Hà Nội khi vừa tiến hành lập Quy hoạch Thủ đô, vừa lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng trên cùng một phạm vi, diện tích. Hai bản quy hoạch mặc dù thực hiện song song nhưng Quy hoạch chung lại phụ thuộc vào đường hướng của quy hoạch đi trước là Quy hoạch Thủ đô.

Do đó, nhiệm vụ của Quy hoạch Thủ đô là cần làm rõ về vấn đề phát triển kinh tế đô thị, tổ chức không gian về mặt hành chính. Còn đối với điều chỉnh Quy hoạch chung phải quan tâm đến tổ chức không gian đô thị, kết nối đô thị, kết nối giao thông… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Để cuối cùng hai đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô có sự gắn kết, đồng nhất về nội dung nghiên cứu, bảo đảm tính đồng bộ để được phê duyệt trong cùng một thời điểm.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn về kinh tế. Do đó Quy hoạch Thủ đô cần quan tâm làm rõ vấn đề phát triển kinh tế đô thị của Hà Nội trong giai đoạn tới. Định hướng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật… như thế nào để đô thị Hà Nội phát triển ngang tầm quốc tế, phải được luận giải rất rõ trong đồ án quy hoạch này.

Hà Nội Thủ đô văn hiến nhưng hiện còn thiếu nhiều không gian, công trình văn hóa như hệ thống nhà hát, bảo tàng, thư viện, công trình văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, không gian xanh gồm các công viên lớn, công viên chuyên đề của Hà Nội cũng còn rất thiếu. Do vậy, trong điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tới đây, cần phải đặt vấn đề và xác định cụ thể các không gian cho phát triển những công trình này. Hà Nội có địa hình cảnh quan đa dạng với núi cao, sông sâu, nhiều làng nghề, di tích lịch sử độc đáo. Đây là những yếu tố quan trọng tạo nên tính văn hiến của Hà Nội mà trong quy hoạch không gian nông thôn của TP cũng cần làm rõ.

Về quy hoạch hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông cần nhấn mạnh phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Đây là việc quan trọng của Hà Nội cần quan tâm đặc biệt, nếu không làm được lúc này thì Hà Nội vẫn mãi đối mặt với tình trạng kẹt xe và không thể có phương tiện giao thông công cộng hiện đại. Ngoài ra, việc xây dựng sân bay thứ hai cho Hà Nội cũng cần phải được xác định trong quy hoạch lần này về quy mô, diện tích đất để quản lý phát triển và kết nối giao thông ngay từ bây giờ. Bên cạnh không gian sông Hồng, việc tổ chức không gian sông Đuống cũng cần được đề cập trong quy hoạch. Có như vậy mới đủ cơ sở để khai thác nguồn tài nguyên vô cùng quý giá cho phát triển đô thị Hà Nội, đó là hàng ngàn hécta đất hai bên sông.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS.KTS Phan Đăng Sơn:

Không gian ngầm phải là một nội dung trọng điểm

Để Hà Nội phát triển xứng tầm

Về nội dung chi tiết ý tưởng quy hoạch không gian tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, khu vực đô thị trung tâm nên nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để tránh việc xáo trộn nhiều về di cư và tăng dân số. Chúng ta đang xác định mô hình phát triển theo hướng văn hiến - văn minh - hiện đại, tuy nhiên chưa cụ thể phát triển hạ tầng văn hóa, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa. Trong quy hoạch cần khẳng định Hà Nội là đầu tàu cả nước trong vấn đề kết nối toàn cầu về văn hóa, dịch vụ nghệ thuật, khoa học công nghệ, nhấn mạnh yêu cầu tạo lập không gian đô thị đặc sắc văn hóa, xây dựng mô hình văn hiến, văn minh hiệu quả.

Trong quy hoạch cần xem xét không gian ngầm là một nội dung trọng điểm, nhấn mạnh phát triển hạ tầng ngầm, từ giao thông đến hệ thống thương mại, dịch vụ. Đây là một không gian rất quan trọng phát triển Hà Nội trong tương lai, nhất là giải pháp chính cho vấn đề giao thông của TP. Bên cạnh đó, về định hướng hạ tầng thoát nước thải, xử lý rác thải, nghĩa trang… cần nêu rõ những định hướng lớn cho những vấn đề này vì đây là vấn đề bức xúc dân sinh, nguy cơ rất lớn của Thủ đô.

Về không gian kiến trúc cảnh quan đô thị - nông thôn cần nhấn mạnh với hình thái kiến trúc đặc sắc, kết nối hài hòa. Đối với phát triển không gian xanh cần nghiên cứu các mảng xanh đưa vào từng khu vực cụ thể để Hà Nội có thể xanh mọi chỗ, chứ không chỉ chú trọng vào lý thuyết vành đai xanh, hành lang xanh mà trên thực tế triển khai không hiệu quả như thời gian qua.

Về không gian xây dựng, nên học tập Singapore, định hình rõ cao tầng cho từng khu vực. Hà Nội nên đưa ngay vào quy hoạch các khu vực phát triển khu vực cao tầng, mật độ nén để tạo diện mạo đô thị hiện đại, tạo sức hút, tránh tình trạng những tòa nhà biểu tượng cao tầng mọc lên xôi đỗ trong TP. Hệ thống đô thị phát triển theo mô hình đa tâm thì mỗi tâm cần được xác định thế mạnh đặc trưng và định hướng rõ cho phát triển. Có như vậy toàn bộ đô thị mới phát triển thành một tổng thể thống nhất trong đó có sự bổ trợ, kết nối giữa các khu vực.

Đối với khu vực nội đô, hồ sơ quy hoạch còn nhắc mờ nhạt về không gian Hồ Tây. Đây là viên ngọc quý giá, có thể tạo yếu tố đột phá cho Hà Nội nên cần có hẳn mục riêng về vấn đề này. Khu vực nông thôn, quy hoạch cần nhấn mạnh yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp cân bằng sinh thái. Cuối cùng là cần làm rõ hơn nữa chiến lược đề xuất để triển khai hiệu quả quy hoạch.

Trưởng Khoa Kế hoạch và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn:

Đổi mới mô hình tăng trưởng của Hà Nội

Để Hà Nội phát triển xứng tầm

Có thể nhận thấy mô hình tăng trưởng hiện nay của Hà Nội đã đến mức giới hạn. Để Hà Nội tiếp tục tăng trưởng cao, thể hiện vai trò dẫn dắt trong tương lai, TP cần đổi mới mô hình tăng trưởng.

Mô hình tăng trưởng của Hà Nội trong thời gian tới cần dựa vào những trụ cột chính như khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dựa vào kinh tế số và nền tảng phát triển các ngành công nghệ cao. Đặc biệt cần dựa vào một trong những khâu đột phá là nâng cao chất lượng thể chế quản trị của Thủ đô.

Theo tôi, thể chế quản trị cần đặc biệt chú trọng tới các quy định đặc thù vượt trội trong Luật Thủ đô, chất lượng của bộ máy hành chính công và các khía cạnh như Nhà nước pháp quyền, tiếng nói và trách nhiệm giải trình. Khi chất lượng thể chế tốt sẽ dẫn đến thuận lợi trong thực hiện các đột phá tiếp theo như thu hút nguồn nhân lực, nhân tài chất lượng cao; thu hút nguồn vốn đầu tư cho kết nối hạ tầng Vùng Thủ đô, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ khác… là những yếu tố quan trọng bảo đảm phát triển vượt bậc của Thủ đô Hà Nội thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần bổ sung khâu đột phá về môi trường bởi các vấn đề như xử lý rác thải, nước thải đã và đang được quan tâm đặc biệt. Việc đầu tư hạ tầng môi trường rất quan trọng, đặc biệt các ngành công nghiệp môi trường. Đây cũng là xu hướng được các nước trên thế giới phát triển, sử dụng công nghệ hiện đại để xử lý vấn đề về môi trường.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, KTS Tô Anh Tuấn:

Cần xử lý tốt mối quan hệ giữa Hà Nội với Vùng Thủ đô

Để Hà Nội phát triển xứng tầm

Quy hoạch Thủ đô không thể tách rời Hà Nội khỏi mối quan hệ với các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Nếu Hà Nội giữ vai trò đầu tàu trong Vùng Thủ đô với sự tham gia tích cực của các địa phương sẽ tạo ra sự phát triển hài hòa, có sự hỗ trợ lẫn nhau trong toàn Vùng. Chương trình phát triển Vùng mà yếu, tổ chức thực hiện kém thì sẽ xuất hiện xu hướng các tỉnh xung quanh sẽ thu hút đầu tư, cạnh tranh phát triển với Hà Nội.

Do vậy, trong Quy hoạch Thủ đô cũng như điều chỉnh Quy hoạch chung tới đây, chúng ta cần tập trung làm tốt, làm mạnh mẽ vai trò của Hà Nội đối với Vùng để trở thành đầu tàu dẫn dắt cho Vùng chứ không phải trở thành một trung tâm về danh nghĩa nhưng lại lu mờ, bị các tỉnh xung quanh cạnh tranh phát triển.

Nội dung quan trọng nữa cần quan tâm trong quy hoạch đó là việc phân bố dân cư cần phải phân tích cùng với việc phân bố hạ tầng, vốn đầu tư cho từng khu vực. Trong điều kiện của TP hiện nay, cần phải làm rất rõ nội dung này, có như vậy sau khi Quy hoạch được phê duyệt chúng ta mới có được một chương trình phát triển đô thị hài hòa, hợp lý và cân đối.

Phát triển các khu đô thị mới của Hà Nội hiện nay gần như đang bị động, phát triển các dự án theo đề xuất của DN, dẫn đến phát triển phân tán, chất lượng đô thị kém, hạ tầng không đồng bộ, gắn kết với xung quanh rất kém nên không thu hút được dân cư. Chính vì điều này mà mục tiêu giãn dân từ khu vực nội thành ra khu vực mới dường như rất khó. Tuy nhiên, nếu chúng ta thay đổi cách xử lý, cách tiếp cận vấn đề này thì mục tiêu giãn dân ra khỏi khu vực nội đô, nội đô lịch sử không phải là không thực hiện được.

Khâu tổ chức thực hiện quy hoạch của Hà Nội thời gian qua còn nhiều hạn chế. Do đó, bài học cần rút ra trong Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung lần này cần đặc biệt chú ý tới việc tổ chức thực hiện quy hoạch. Cần vạch ra đường hướng cụ thể để tổ chức thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả, phân kỳ đầu tư, kết hợp với kế hoạch sử dụng đất.

Một vấn đề nữa từ trước đến nay chúng ta còn ít chú ý đó là quy hoạch phải tạo ra được nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính để thực hiện chính quy hoạch đó. Khi một đồ án quy hoạch đưa ra được ý tưởng, giải pháp tốt sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư từ thế giới chứ không chỉ trông vào nguồn lực trong nước. Nhất là đối với quy hoạch lớn như TP đang xây dựng phải tập trung nâng cao chất lượng, tính toán nhiều đến khía cạnh làm sao tạo ra nguồn lực tài chính để thực hiện quy hoạch.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội PGS.TS Lê Quân:

Có cơ chế chính sách để bảo tồn và phát triển không gian xanh

Để Hà Nội phát triển xứng tầm

Trong những năm qua, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao, trong quá trình mở rộng và phát triển đô thị đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh của đô thị hóa, gia tăng nhanh chóng của dân số cơ học đã tạo ra nhiều thách thức về chất lượng môi trường sống.

Cụ thể, trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, hệ thống vành đai xanh, hành lang xanh được xem là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển hướng tới một đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Thế nhưng, hiện tại hệ thống vành đai xanh, hành lang xanh đang bị xâm phạm, bị chia cắt nhỏ, thiếu sự kết nối thành tuyến, trục, để tạo ra không gian xanh thực sự cho đô thị. Do đó, trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung lần này, TP cần phải hoạch định, có cơ chế chính sách nhất định giúp cho việc bảo tồn không gian xanh sẵn có trong đô thị và phát triển được hành lang xanh, các không gian xanh trong cấu trúc của hệ thống đô thị.

Bên cạnh đó, yếu tố mặt nước cần quan tâm đặc biệt bởi Hà Nội vốn là đô thị có hệ thống sông, hồ quan trọng với nhiều di sản như Hồ Tây, Hồ Gươm, hệ thống kênh rạch sông Tô Lịch, sông Nhuệ… Khi kết nối lại những hệ thống này sẽ tạo ra di sản không chỉ phát huy vai trò về kiến trúc cảnh quan mà còn đem lại giá trị có tính nhận diện đặc trưng cho đô thị Hà Nội. Ngoài ra, trong đô thị hiện nay cũng đang rất thiếu không gian công cộng. Do đó, cũng cần có cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống không gian công cộng có tính kết nối cao với không gian xanh, không gian mặt nước nhằm hình thành một mạng lưới có hiệu quả trong đô thị.

Một điều nữa cần nhấn mạnh trong xây dựng đồ án Quy hoạch quan trọng này, Hà Nội cần xác định rõ triết lý phát triển, lấy con người là trung tâm và coi trọng phát triển môi trường văn hóa. Vì xa rời văn hóa sẽ không kết nối được với lịch sử, trong khi Hà Nội vốn dĩ là đô thị có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến. Từ cơ sở này, việc xác định hướng phát triển cho một đô thị vừa phải bảo tồn bề dày trầm tích văn hóa với nhiều lớp lịch sử chất chứa trong mình lại phải tạo ra một cộng đồng đô thị hiện đại, lấy con người làm trung tâm là những tiêu chí giúp Hà Nội có bước phát triển vững vàng, bền vững.

Cần cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển xứng tầm vị thế Thủ đô
“Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Tập trung trí tuệ xây dựng Hà Nội sánh tầm khu vực và thế giới
Vũ Lê
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động