Thứ năm 23/01/2025 03:02

Để trẻ em dưới 10 tuổi ngồi ghế trước ô tô có bị xử phạt?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô thì không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.
Để trẻ em dưới 10 tuổi ngồi ghế trước ô tô có bị xử phạt?
Nhiều quốc gia đã áp dụng cấm trẻ em ngồi ở ghế trước xe ô tô. Ảnh minh họa

Trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước ôtô

Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe có hiệu lực từ 1/1/2025. Trong đó, có một số quy định các lỗi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2026 theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 53, Nghị định 168/2024/NĐ-CP có quy định cụ thể các lỗi vi phạm sau đây sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026: chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định áp dụng đối với người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Mức phạt đối với lỗi vi phạm này là phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe theo điểm m khoản 3 Điều 6, Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Liên quan đến điểm mới trong Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ về việc trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp, Ths. Dương Kim Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng cho biết, việc sở hữu ô tô ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.

Tại Hà Nội có tỷ lệ tăng sở hữu ô tô con là 113,7% mỗi năm giai đoạn 2014-2018 và tỷ lệ sở hữu là 60 xe/1.000 dân vào năm 2018. Tuy nhiên việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em lại không tương xứng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thương vong ở trẻ em khi tham gia giao thông trên ô tô gia tăng.

Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương cho thấy, hiện nay chỉ có 1,3% ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Trong số đó, 2,6% tại TP Hà Nội, 1,1% tại TP Hồ Chí Minh và 0% ở TP Đà Nẵng. Thống kê cũng cho thấy có 22,8% xe có trẻ em ngồi một mình; 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn.

Chuyên gia cho biết, vị trí này sẽ chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm, dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn, gây mất tập trung cho người lái xe. Trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi trẻ em dùng được dây an toàn khi đủ chiều cao xấp xỉ 1,5m khi số liệu thống kê cho thấy sử dụng thiết bị này có thể giảm tới 90% số ca tử vong và chấn thương nặng.

Nhiều quốc gia đã áp dụng

Quy định về việc cấm trẻ em ngồi ở hàng ghế trước đã được nhiều quốc gia áp dụng trong thời gian dài. Tại Anh, trẻ em từ 3-12 tuổi hoặc cao dưới 1,35 m phải ngồi ở ghế trẻ em nếu muốn ngồi phía trước hoặc bắt buộc ngồi ở hàng ghế sau, thắt dây an toàn đúng quy định. Trẻ em dưới 3 tuổi chỉ được ngồi hàng ghế trước nếu xe có một hàng ghế và người lái phải tắt hoạt động của túi khi khu vực ghế phụ.

Tại bang California (Mỹ), trẻ em dưới 8 tuổi hoặc cao dưới 1,44 m không được ngồi ở hàng ghế phụ. Quy định tương tự được áp dụng ở bang Georgia hay Nebraska. Một số bang như Missouri, Montana, Arkansas hay Hawaii không có luật quy định cụ thể nhưng đã đưa ra khuyến cáo hàng ghế trước chỉ nên dành cho trẻ từ trên 13 tuổi.

Tại Trung Quốc, theo quy định của Quản lý Giao thông Đường bộ Thành phố Thượng Hải, từ 2017, trẻ em dưới 12 tuổi cũng không được ngồi ở hàng ghế trước. Trẻ em dưới 4 tuổi bắt buộc phải ngồi trên ghế an toàn dành riêng cho trẻ nếu muốn tham gia giao thông.

Quy định tương tự diễn ra tại Thái Lan. Theo Nation Thailand, trẻ em bắt buộc ngồi ở hàng ghế sau nếu ôtô có 4 chỗ ngồi. Trẻ dưới 6 tuổi hoặc dưới 1,35 m phải được ngồi trong ghế an toàn để đảm bảo an toàn. Việc không cho trẻ em ngồi ở hàng ghế trước bên cạnh tài xế nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ khi xảy ra va chạm. Khu vực hàng ghế sau được bảo vệ tốt hơn khi tai nạn xảy ra, đặc biệt nếu trẻ em được ngồi trong ghế thiết kế riêng và gắn vào ô tô.

Trong khi đó tại Việt Nam, trẻ em thường được ngồi chung với người lớn ở hàng ghế trước, hàng ghế sau và nhiều người không sử dụng seatbelt cho trẻ. Quy định mới kèm mức phạt được hi vọng sẽ giúp an toàn cho trẻ được cải thiện.

Ngoài ra, tại Điều 46 của Luật này quy định việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh. Theo đó, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh hoặc ô tô kinh doanh vận tải kết hợp hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh. Đồng thời, phải có thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.

Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ôtô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.

Ths. Dương Kim Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng cho biết: “Áp dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là biện pháp quan trọng để bảo vệ an toàn cho trẻ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc ban hành luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn có thể mang lại hiệu quả tích cực. Việt Nam đã có quy định tiến bộ cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để triển khai các chính sách hiệu quả về thiết bị an toàn”.

Xử phạt ô tô đi vào đường cấm nhờ tin báo của người dân Xử phạt ô tô đi vào đường cấm nhờ tin báo của người dân

Ngày 17/11, Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, cơ quan ...

Nguy cơ tiềm ẩn từ đồ chơi túi mù đến sức khỏe trẻ em Nguy cơ tiềm ẩn từ đồ chơi túi mù đến sức khỏe trẻ em

Đồ chơi trong túi mù, hay còn gọi là "mystery bag" hoặc "blind bag," đã trở thành một trào lưu phổ biến, thu hút nhiều ...

Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động