Thứ năm 23/01/2025 06:08

Di tích Nhà tù Hỏa Lò trưng bày chuyên đề “Bàng ơi!” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tổ chức Trưng bày chuyên đề “Bàng ơi!”.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò trưng bày chuyên đề “Bàng ơi!” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Trưng bày "Bàng ơi" ra mắt vào ngày 8/10/2024 và kéo dài đến ngày 31/12/2024, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Sở VH&TT Hà Nội

Trưng bày chuyên đề chủ đề "Bàng ơi...!'' giới thiệu nhiều câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò; tri ân công lao, tưởng nhớ các chiến sĩ yêu nước bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò được Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Trưng bày giới thiệu câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, bàng nơi đảo xa và bàng trong thơ ca, hội họa… Từ đó, thêm hiểu và yêu quý hơn loài cây bình dị, dù sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, vẫn mạnh mẽ vươn lên, tỏa bóng xanh mát.

Trưng bày cũng là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”, nhiều chiến sĩ đã tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cống hiến cho công cuộc giải phóng Thủ đô.

Trưng bày giới thiệu 2 nội dung: “Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò”; “Bàng ơi!”

Ở nội dung “Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò”, giới thiệu “Cây bàng hiệp sĩ”, theo thời gian, bàng lớn lên, gắn bó thân thiết và hữu ích với nhiều thế hệ tù chính trị Hỏa Lò.

Cây bàng trong sân trại nữ được trồng vào đầu xuân năm 2001, khi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đến thăm các cựu tù chính trị và tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Sản phẩm đặc trưng từ bàng chỉ riêng có tại Di tích Hỏa Lò mang thông điệp giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, giàu tính nhân văn.

Nội dung “Bàng ơi!” thể hiện, đối với người Việt Nam, bàng rất thân quen, gần gũi. Bàng xuất hiện trong những câu hát, vần thơ… Nơi hải đảo xa xôi, bàng trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của tù chính trị Nhà tù Côn Đảo, của chiến sĩ hải quân. Cùng với những cây bàng Côn Đảo, cây bàng vuông cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp, giá trị riêng có của bàng nơi biển xa.

Cành bàng được chế tạo thành tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm, nhạc cụ. Vỏ bàng được những người tù ngày ấy dùng để sắc nước uống, chữa bệnh đường ruột rất hiệu quả. Lá bàng được coi là nguồn dược liệu quý. Lá bàng non được dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy. Lá bàng bánh tẻ được hơ nóng, rồi chườm lên vết thương cho bớt đau nhức, mưng mủ. Quả bàng được nhặt về, chia cho những người bị đau ốm…

Ký ức một thời gian lao mà anh dũng ấy được tái hiện qua các trích đoạn chuyện kể của nhiều người tù chính trị từng bị giam giữ ở đây, trong đó có nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Huynh… Đến nay, tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, cây bàng với những sản phẩm đặc trưng từ bàng như trà bàng lá nếp, bánh lá bàng, thạch bàng, khung ảnh lá bàng in hình cổng chính Nhà tù Hỏa Lò, những lá bàng in thơ do các chiến sĩ cách mạng sáng tác… tiếp tục được gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa đối với người dân và du khách.

Trưng bày còn giới thiệu những sự thật thú vị về bàng, như: Mầm bàng xoắn ốc, công dụng chữa bệnh của bàng, cây bàng có tuổi thọ lớn nhất tại Việt Nam (năm 2020)… Tất cả, tạo nên một không gian trải nghiệm về sự sống động của bàng.

Trưng bày được thiết kế theo bảng màu chủ đạo với sắc xanh – vàng, lấy cảm hứng từ những gam màu của lá bàng. Pano Trưng bày được thiết kế sáng tạo bằng những hình tròn với phần giao thoa tạo thành hình chiếc lá. Điểm nhấn trong Trưng bày là những cây bàng được minh họa theo sắc bàng bốn mùa trong năm: Mùa xuân mơn mởn, mùa hè xanh mát, mùa thu ngả vàng, mùa đông chuyển đỏ. Ngoài ra, khu vực khối chữ “Bàng ơi!” với kích thước nổi bật, màu sắc đan xen, sẽ là điểm chụp ảnh thú vị. Trong Trưng bày còn có không gian mô tả cây bàng 3D, nơi giới thiệu các sản phẩm lưu niệm về bàng tại Hoả Lò, tạo nên một điểm nhấn thu hút khách tham quan.

Trưng bày ra mắt vào ngày 8/10/2024 và kéo dài đến ngày 31/12/2024, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Dấu ấn Thủ đô Hà Nội qua 70 năm lịch sử
Du lịch Thủ đô đón hơn 21 triệu lượt khách trong 9 tháng đầu năm 2024
Vân Lê
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động