Thứ bảy 17/05/2025 12:09

Doanh nghiệp tăng khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nội địa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong bối cảnh người dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp đã tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá để kích thích mua sắm. Những chiến lược này không chỉ tạo ra cơ hội tăng trưởng cho thị trường mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong những tháng tới.
Khách hàng đang mua sắm tại siêu thị Go! Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng.
Khách hàng đang mua sắm tại siêu thị Go! Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng

Sôi động thị trường bán lẻ

Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, nhiều siêu thị tại Hà Nội đã ghi nhận lượng khách hàng tăng vọt, doanh thu tích cực. Siêu thị GO! Thăng Long là một ví dụ điển hình khi không chỉ thu hút đông đảo người dân đến mua sắm mà còn ghi nhận tăng trưởng doanh thu ấn tượng. Với đà này, siêu thị tiếp tục thúc đẩy các chương trình khuyến mãi trong tháng 5 và tháng 6 như “Giảm giá chào hè”, “Mừng sinh nhật”, mở rộng phạm vi giao hàng miễn phí để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long, Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Chúng tôi đã và đang áp dụng chương trình giữ giá với khoảng 2.000 sản phẩm, giá luôn thấp hơn. Ngoài ra, chương trình “Chợ sớm giảm sung” vào buổi sáng và khuyến mại siêu cuối tuần đang được khách hàng đón nhận tích cực. Các mặt hàng giảm giá từ thực phẩm tươi sống đến hàng tiêu dùng nhanh, hàng gia dụng.... Cùng với đó, siêu thị tổ chức các lễ hội, sự kiện với sự đồng hành động của các nhãn hàng tạo ra không khí mua sắm hấp dẫn hơn”.

Không chỉ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, các doanh nghiệp điện máy cũng bước vào mùa cao điểm bán hàng. Bước vào mùa hè, mặt hàng như điều hòa, quạt điện, tủ lạnh luôn nằm trong danh sách được săn đón. Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Pico Retail, Nguyễn Quang Đức chia sẻ: “Ngay sau Tết, chúng tôi đã lên kế hoạch cho các nhà cung cấp để chuẩn bị hàng hóa cho mùa hè. Lượng hàng tồn tại kho tăng khoảng 100% so với cùng kỳ, trong đó các sản phẩm giải nhiệt mùa nóng vẫn được dự phòng nhiều hơn để tránh tình trạng cháy hàng”.

Không chỉ ở nỗ lực riêng của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng đang hướng tới nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Nguyễn Thế Hiệp, “Thực hiện kế hoạch hàng năm của UBND TP Hà Nội, ngành Công Thương cũng triển khai các hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Trong đó, phối hợp với các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các đơn vị bán lẻ lớn trên địa bàn TP để tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung. Mở rộng các đối tượng khuyến mãi cũng như tăng mức khuyến mãi".

Cùng với đó, với mục tiêu Chính phủ đề ra là tăng trưởng bán lẻ và doanh thu tiêu dùng đạt khoảng 12% trong năm nay, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế, trong đó chú trọng vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng mới. Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại, hội chợ thương mại, xúc tiến tiêu dùng tại các đô thị lớn và khu vực có tiềm năng tiêu thụ cao, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa các chương trình ưu đãi, giúp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng và gia tăng hiệu quả mua sắm.

Doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thích ứng, đổi mới

Theo số liệu công bố của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2025 ước tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau các con số tăng trưởng là sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng. Thay vì chi tiêu thoải mái như trước, người tiêu dùng hiện nay cẩn trọng hơn, ưu tiên những mặt hàng thiết yếu như thịt cá, rau củ và cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi lần mua sắm. Điều này buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách nhanh chóng và linh hoạt.

Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Mai Thị Thùy nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thị trường liên tục biến động, các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thích ứng, đổi mới và liên tục đưa ra chiến lược kinh doanh để nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại. “Doanh nghiệp sản xuất ngày nay không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn phải đầu tư vào mẫu mã, bao bì để chinh phục người tiêu dùng. Muốn người Việt quay trở lại với hàng Việt, thay vì ưa hàng ngoại, thì chính doanh nghiệp Việt phải nỗ lực hơn nữa”, bà Thùy chia sẻ.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần nhiều động lực để tăng trưởng, thị trường nội địa được xem là một trong những trụ cột vững chắc. Mục tiêu tăng trưởng tổng thể bán lẻ và thu tiêu dùng nội địa khoảng 12% trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi nếu các chính sách tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Với sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp cùng sự đồng hành từ các cơ quan quản lý, song song với khuyến mại, giảm giá không chỉ giúp thúc đẩy tiêu dùng mà còn tạo thêm niềm tin cho thị trường, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo đà cho sản xuất phát triển kinh tế.

Cần phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi, tác động và hỗ trợ trực tiếp nhà sản xuất, nhà phân phối: “Các doanh nghiệp phải có giải pháp bằng những cam kết cụ thể hay những ứng dụng số để có thể phát triển trong tương lai...

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Nguyễn Anh Đức

Tính chung 4 tháng đầu năm, CPI tăng 3,2%
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng
Giảm thuế VAT: kích cầu tiêu dùng, tiếp sức doanh nghiệp
Đăng Nguyễn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động