Thứ năm 23/01/2025 05:08

Dự báo CPI bình quân cả năm sẽ không vượt quá 4%

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trên cơ sở tổng hợp, phân tích các yếu tố liên quan, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 có thể tăng khoảng 0,1 – 0,15% so với tháng 10 và CPI bình quân cả năm sẽ không vượt quá 4%.
Dự báo CPI bình quân cả năm sẽ không vượt quá 4%
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo CPI bình quân cả năm sẽ không vượt quá 4% bởi nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Ảnh; Nguyễn Đăng.

Dự báo CPI tháng 11/2024 có thể tăng khoảng 0,1 – 0,15%

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, nhưng tình hình kinh tế xã hội trong nước tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, tạo đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 10/2024 ước tăng lên trên 51 điểm, tăng mạnh so với 47,3 điểm của tháng 9 trước đó. Giá hàng hóa dịch vụ tiêu dùng ổn định ở mức thấp, nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua tiếp tục đà phục hồi, nhưng mức độ còn chậm.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho rằng, CPI được kiểm soát và dư địa kiểm soát lạm phát năm 2024 theo mục tiêu của Quốc hội vẫn còn khá lớn. Dự báo CPI bình quân cả năm sẽ không vượt quá 4% bởi nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ... Nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn khá dồi dào. Một yếu tố tác động lớn đó là sức cầu vẫn khá yếu, người tiêu dùng còn dè dặt trong chi tiêu.

Ngược lại, vẫn còn một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2024 như: Giá điện, giá dịch vụ giáo dục, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có thể được điều chỉnh tăng theo lộ trình. Giá thép, giá xi măng tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu có thể tăng nhẹ vào dịp Lễ hội cuối năm.

Từ phân tích các yếu tố ở trên, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo CPI tháng 11/2024 có thể tăng khoảng 0,1 – 0,15% so với tháng trước.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Nguyễn Quốc Việt, ước tính đến cuối năm 2024, lạm phát nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 1,5%. Đây là tín hiệu đáng lo ngại cho các quốc gia nhập khẩu như Việt Nam, khi lạm phát không chỉ gia tăng mà còn làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Nếu như các mặt hàng trong rổ hàng hóa tiếp tục tăng lên do chủ trương tăng lương cơ bản và lương tối thiểu từ 1/7; bình quân giá điện tăng 4,8% từ 11/10; và đến năm 2025 nhiều mặt hàng thiết yếu tăng hơn nữa cũng tạo ra cho áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội.

Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 10/2024, CPI tăng 0,33% so với tháng trước. Trong đó, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng do ảnh hưởng bởi mưa bão, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng so với tháng 9/2024.

Theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa

Tại Kết luận của cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 10 tháng đầu năm 2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng, những tháng còn lại của năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, việc điều chỉnh chính sách của các nước theo diễn biến chung sẽ có tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới; Việt Nam dự đoán cũng sẽ ảnh hưởng theo xu hướng chung của thế giới.

Trong nước, áp lực từ việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý; tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ vẫn ở mức cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu; rủi ro thiên tai, bão, lũ, thời tiết bất lợi cho sản xuất, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp cuối năm… Điều này gây thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra.

Vì vậy, để chủ động ứng phó với các thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, tại Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 06/11/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, các Công điện, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Thông báo số 36/TB-VPCP ngày 31/01/2024, Thông báo số 193/TB-VPCP ngày 03/5/2024, Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 24/6/2024.

Trong đó tập trung theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu khoảng 4%.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường. Chú trọng công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chủ động công tác dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán sắp tới.

Bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, tổ chức tốt các kênh phân phối, chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, khai thác tối đa thị trường trong nước.

Phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường, góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả trong nước. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, giúp tăng nguồn cung, giảm áp lực tăng giá…

Giáo dục và y tế đẩy CPI tháng 10 tăng cao
CPI tháng 10 của Hà Nội tăng nhẹ ở mức 0,09% so với tháng trước
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo CPI tháng 10/2024 tăng 0,3%
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động