Thứ năm 23/01/2025 20:19

Gắn bó với nghề sau khi nghe những câu chuyện xưa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dù có gặp áp lực trong công việc, nhưng nhìn những vết thương còn hằn trên da thịt, nghe những người có công kể lại câu chuyện chiến tranh, chị Nguyễn Thị Vân cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với công việc.
Chị Nguyễn Thị Vân đang chăm sóc người có công.	Ảnh: Công Phương
Chị Nguyễn Thị Vân đang chăm sóc người có công. Ảnh: Công Phương

Bỡ ngỡ thuở đầu

Chị Nguyễn Thị Vân, Phó Phòng Y tế - Điều dưỡng, Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội cho biết, cách đây 13 năm, như bao người học ngành Y, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp, chị mong muốn vào một cơ sở y tế làm việc để đúng với chuyên môn của mình. Tuy nhiên, sau khi nghe một người cô đang công tác tại trung tâm chia sẻ về công việc hàng ngày của cô có ý nghĩa nhân văn, mang lại nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.

Sau đó, khi trung tâm có đợt tuyển viên chức, chị Vân đã nộp hồ sơ và may mắn trúng tuyển. Thời gian đầu, do tuổi trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nên chị Vân có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, áp lực bởi đối tượng chăm sóc là người tuổi cao, sức khỏe yếu, bệnh tật đa dạng.

“Lúc đó tôi còn trẻ, những công việc chưa bao giờ va chạm như khi có cụ mất đi, tự tay cán bộ phải lo mai táng, thay quần áo cho các cụ. Tôi thấy bỡ ngỡ, nhiều cái áp lực bởi ở ngoài đời sống thực tôi cũng chưa từng làm. Bên cạnh đó, nhiều cụ tuổi cao nên trí tuệ không còn minh mẫn, hay cáu kỉnh, quát mắng,…

Tôi đã có suy nghĩ hay mình xin chuyển sang công việc khác bởi thấy áp lực. Tuy nhiên, quá trình tiếp xúc với các cụ, được nghe các cụ chia sẻ về quá khứ, thời trẻ khi chồng, con tham gia chiến trường rồi thời bình thì không trở về. Các cụ cứ lặng lẽ ở như vậy cho đến khi tuổi già khiến các cụ cảm thấy cô đơn. Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, các cụ đã được đưa về trung tâm để nuôi dưỡng. Tại trung tâm, các cụ được gặp nhau, chia sẻ hoàn cảnh với nhau để vơi bớt nỗi buồn” - chị Vân thông tin.

Coi trung tâm như ngôi nhà của mình

Với người có công nuôi dưỡng thường xuyên, các cụ coi trung tâm như ngôi nhà thứ hai của mình và nhân viên ở trung tâm là con, cháu của mình. Vì vậy, các anh chị em chăm sóc phục vụ các cụ đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề thực sự thì mới hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.

Khi các cụ không may ốm đau, bệnh tật phải đi viện thì cán bộ phòng Y tế - Điều dưỡng phải thay phiên nhau, túc trực tại bệnh viện chăm sóc 24/24 giống như người thân trong gia đình. Có những trường hợp các cụ ốm đau, nằm nhiều, bị loét da thịt thì anh em phải thường xuyên thay rửa vết thương, tắm rửa, vệ sinh cho các cụ, chăm lo cho các cụ từng thìa cháo, thìa sữa với mong muốn các cụ mau khỏe.

Thời gian dịch Covid-19 bùng phát, cán bộ trong trung tâm phải thường trực ở 21 ngày liên tục, không được ra ngoài, đảm bảo các cụ không bị Covid-19 tấn công. Và may mắn thời gian đấy, các cụ không ai bị nhiễm Covid-19.

Tại trung tâm cũng chia làm mấy vòng đảm bảo. Hàng ngày, nhân viên y tế thăm, chăm sóc các cụ và thấy cụ nào có biểu hiện nghi ngờ là phải đưa các cụ sang phòng riêng, cử cán bộ chăm sóc riêng, tách biệt tránh lây chéo. Do đó, sau này khi tiêm vaccine phòng ngừa cho các cụ rồi mới có cụ bị nhiễm Covid-19, tỉ lệ lây chéo ít.

Để đảm bảo sức khỏe cho các cụ, nhân viên trung tâm cố gắng chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ; nắng nóng thì các cụ có điều hòa, mùa đông lạnh thì có máy sưởi, đồng thời bổ sung thuốc bổ, tăng cường sức đề kháng cho các cụ.

“13 năm làm việc tại trung tâm, qua thời gian trò chuyện với các cụ, tôi được nghe các cụ chia sẻ nhiều câu chuyện về chiến tranh, mất mát mà chưa được nói trên báo đài. Các cụ là những người trực tiếp tham gia chiến trường, trực tiếp chiến đấu.

Sau những câu chuyện đó, tôi thấy công việc của mình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mình đang thực hiện công việc mà Đảng và Nhà nước giao cho, chăm sóc các cụ, giúp các cụ có bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe,… Mặc dù, không thể bù đắp hết cho các cụ nhưng bằng tinh thần, tâm huyết, tôi cảm thấy mình đã góp phần nhỏ bé vào chăm sóc các cụ, đảm bảo an sinh xã hội của Nhà nước” - chị Vân tâm sự.

Vĩnh Phúc: Giải pháp nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tâm thần
Nữ điều dưỡng hàng ngày chăm sóc người có công
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động