Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Nghiên cứu làm rõ hơn các quy định liên kết vùng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quốc hội |
Ngày 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Các đại biểu đã có nhiều phát biểu góp ý về phát triển Thủ đô, cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội và phát triển vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng.
Xây dựng và phát triển Thủ đô là trái tim của cả nước
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ nhất trí việc cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, quy định tại Dự thảo Luật lần này phải giải quyết được 3 nhóm vấn đề lớn về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, về xây dựng và phát triển một địa phương đặc thù, đô thị đặc biệt; xây dựng và phát triển Thủ đô là hạt nhân liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tuy nhiên, theo đại biểu, Dự thảo Luật mới tập trung cho nhóm vấn đề về xây dựng và phát triển một địa phương đặc thù, đô thị đặc biệt; một số vấn đề khác chưa tập trung đúng mức và chưa rõ nét về biện pháp thực hiện. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo hài hòa các mục tiêu được đề ra.
Ngoài ra, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, việc quy hoạch và lộ trình quy hoạch Thủ đô phải được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, cần quy hoạch Thủ đô với tầm nhìn chiến lược và lộ trình thực hiện phải do Trung ương chỉ đạo việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu. Ảnh: Quốc hội |
Nghiên cứu cơ chế đặc thù về liên kết vùng
Cùng góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thống nhất với quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô; dự thảo luật đã quy định tương đối đầy đủ 9 nhóm chính sách với nhiều nội dung mang tính đột phá đặc thù có kế thừa bổ sung và phát triển so với luật hiện hành. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, dự thảo luật chưa thể hiện rõ nét riêng có của văn hóa Thủ đô, chưa làm rõ nội hàm văn hiến, văn minh hiện đại, thành phố di sản sáng tạo và là nguồn lực phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Về quy định liên kết phát triển vùng Thủ đô quy định tại Chương 5, theo đại biểu, vấn đề liên kết phát triển vùng nói chung là một nội dung khó chưa được pháp lý hóa một cách rõ ràng cụ thể đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Việc điều phối hoạt động đầu tư phát triển của các vùng kinh tế - xã hội nói chung và vùng Thủ đô nói riêng cần rõ ràng về cơ chế đầu tư cơ chế tài chính cơ chế quản lý điều hành xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong vùng. Do vậy, để xây dựng các quy định về liên kết phát triển vùng Thủ đô trong luật hiệu quả, khả thi, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định đầy đủ, cụ thể hơn một số nội dung.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 46 quy định cùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế - xã hội tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia. Quy định này chưa đầy đủ bởi khi được đề cập đến hạ tầng kỹ thuật phải song song với hạ tầng xã hội và quy định này hẹp hơn, chưa đồng bộ với Kết luận số 45 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và về định hướng quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh cả những hoạt động kinh tế - xã hội của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có quy định giao Thủ đô có vai trò chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung làm rõ nét hơn, cụ thể hơn các quy định đặc thù khác liên quan đến vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng trong dự thảo như thẩm quyền về đầu tư các dự án có tính chất vùng được đầu tư sang địa bàn tỉnh khác của các địa phương, các ưu đãi đầu tư, cơ chế đặc thù về liên kết vùng, quản lý dân cư… đảm bảo hiệu quả và thực chất.
Đẩy mạnh phân quyền cho Hà Nội là một bước đột phá quan trọng Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại