Thứ năm 23/01/2025 20:20

Hà Nội: Huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong giai đoạn 2022-2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu giảm từ 25-30% số hộ nghèo hàng năm. Phấn đấu đến cuối năm 2025 TP Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo; giảm 10% số hộ cận nghèo hàng năm.
Tính đến đầu năm 2022, Hà Nội có 10 quận và 4 huyện không còn hộ nghèo là: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức.
Tính đến đầu năm 2022, Hà Nội có 10 quận và 4 huyện không còn hộ nghèo là: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức

Theo số liệu thống kê, đầu năm 2021, toàn TP Hà Nội còn 4.463 hộ nghèo, tỷ lệ là 0,21%. Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, nhất là người nghèo tích cực vươn lên và mong muốn thoát nghèo bền vững, tính đến hết năm 2021, TP giảm được 2.759 hộ nghèo, đạt 206% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,04%; 19/30 quận, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố giai đoạn 2016 - 2020, về đích trước 2 năm so với kế hoạch.

Theo Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 21/2 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 TP Hà Nội, cuối năm 2021, toàn TP có tổng số 3.612 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16% và 30.176 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,38%.

Như vậy, theo chuẩn nghèo mới, tính đến đầu năm 2022, TP Hà Nội có 10 quận và 4 huyện không còn hộ nghèo, gồm các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân; các huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức.

Hà Nội phấn đấu năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo. Theo đó,  TP Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo; tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững.
Hà Nội phấn đấu năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo. Theo đó, TP Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo; tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký phê duyệt Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Kế hoạch của TP Hà Nội nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo; tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững. Tạo điều kiện, khuyến khích các hộ nghèo thoát nghèo và vươn lên có mức sống khá; không để hộ tái nghèo, hạn chế thấp nhất số hộ nghèo phát sinh mới; giảm nhanh hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Tập trung nguồn lực, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo không có lao động, hộ nghèo có người mắc bệnh hiểm nghèo phải chữa trị lâu ngày, người nghèo là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật.

Kế hoạch đặt chỉ tiêu không có hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng (hộ có người đang hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng); cơ bản không còn hộ cận nghèo diện chính sách người có công với cách mạng.

Giảm từ 25-30% số hộ nghèo hàng năm. Phấn đấu đến cuối năm 2025 TP Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo; Giảm 10% số hộ cận nghèo hàng năm. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2022-2025 của TP Hà Nội được phê duyệt dự kiến là 1.587.166 triệu đồng.

Kế hoạch tập trung hỗ trợ các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Hỗ trợ các đối tượng gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của TP, được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận và phê duyệt hàng năm; ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo có trẻ em, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo tại các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Về nhiệm vụ, các đơn vị có liên quan tập trung tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo bền vững. Thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo do Trung ương quy định cũng như các chính sách đặc thù của TP về hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, chăm sóc sức khỏe; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; việc làm, nâng cao thu nhập, thông tin...

Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, TP tập trung thực hiện các dự án: “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, “Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng”, “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững”, “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, “Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình”...

Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động